Theo dự thảo nội dung tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), nhà băng này vẫn đang chờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt thông qua danh sách ứng cử viên tham gia Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2017-2021.
Sau khi được NHNN phê duyệt, Sacombank sẽ công bố thông tin chính thức về danh sách thành viên tham gia HĐQT và BKS nhiệm kỳ tới.
Thông tin mới nhất được nhà băng này công bố chỉ là số lượng thành viên tham gia HĐQT nhiệm kỳ tới gồm 7 người, trong đó có một thành viên độc lập. Số lượng thành viên tham gia BKS là 4 người và đều là thành viên chuyên trách.
Ẩn số tái cơ cấu Sacombank vẫn nằm ở 2 vị trí còn khuyết trong danh sách HĐQT.
Trước đó, Sacombank đã công bố danh sách ứng viên tham gia HĐQT gồm 7 cái tên. Tuy nhiên, sau đó 2 thành viên liên quan đến phía Liên Việt là ông Nguyễn Đức Hưởng (nguyên Phó chủ tịch LienVietPostBank) và bà Nguyễn Thị Bích Hồng (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Liên Việt) đã chính thức rút lui. Đến nay, hai cái tên thay thế vẫn được giữ kín.
Kể từ khi Sacombank được NHNN đưa vào diện tập trung xử lý nợ xấu và tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020, nhà băng này nhận được rất nhiều sự quan tâm từ giới đầu tư cả trong và ngoài nước.
Khối lượng nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ tiềm ẩn tại Sacombank rất lớn, rất nhiều trong đó được thế chấp bởi các dự án bất động sản.
Hiện tại, NHNN cũng là đại diện gần 54% vốn cổ phần tại Sacombank thông qua Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhận ủy quyền từ nhóm cổ đông lớn khác.
Việc nắm giữ tới 54% cổ phần tại Sacombank gần như chắc chắn một điều dù ban lãnh đạo nhà băng này là ai, chắc chắn sẽ có người của NHNN “biệt phái”. Hiện nay, ngoài 2 cái tên từ “Liên Việt” mới rút lui, vẫn còn 2 ứng viên do NHNN cử sang từ Vietcombank.
Theo giới quan sát, Sacombank trở thành tâm điểm chú ý của nhà đầu tư do khối lượng tài sản bảo đảm nợ xấu là bất động sản khổng lồ thế chấp tại nhà băng này.
Ông Nguyễn Đức Hưởng - Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank - từng chia sẻ nếu những địa chỉ đất vàng bất động sản đang thế chấp tại Sacombank càng bị thâu tóm nhanh, càng giải phóng nhanh được lượng tài sản thế chấp đó thì càng có lợi cho ngân hàng trong khâu xử lý nợ xấu và thu hồi nợ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Sacombank, tính đến 31/12/2016, giá trị nợ xấu nội bảng của nhà băng này là 13.745 tỷ đồng, tương đương 6,9% tổng dư nợ. Tuy nhiên, nếu cộng cả số đã bán cho VAMC và một số khoản phải thu xấu từ Southernbank thì ước tổng giá trị nợ xấu tại nhà băng này lên xấp xỉ 60.000 tỷ đồng.
Ngoài việc thông báo số lượng thành viên tham gia HĐQT và BKS của nhà băng, ban lãnh đạo Sacombank cũng sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch chi trả thù lao hoạt động cho HĐQT và BKS.
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường năm 2015, các cổ đông Sacombank đã thống nhất phê duyệt mức thù lao và chi phí hoạt động của HĐQT, BKS là 40 tỷ đồng và mức chi thực tế thù lao và chi phí hoạt động thực tế là 39.9 tỷ đồng.
Năm 2016 vừa qua, vì lý do khách quan, Sacombank chưa thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên nên mức thù lao và chi phí hoạt động của HĐQT, BKS năm 2016 chưa được trình để các cổ đông phê duyệt.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhà băng này cho biết năm 2016 là năm đầu tiên ngân hàng triển khai kế hoạch tái cơ cấu sau sáp nhập. Vì vậy, khối lượng và áp lực công việc với các lãnh đạo tương đối lớn.
Do đó, HĐQT Sacombank sẽ trình cổ đông thông qua mức thù lao và chi phí hoạt động của HĐQT, BKS năm 2016 bằng 50% mức chi của năm 2015, tương ứng với số tiền là 20 tỷ đồng.
Bên cạnh đó cũng trình các cổ đông thông qua mức thù lao và chi phí hoạt động của HĐQT và BKS năm 2017 là 18 tỷ đồng.