Dân Việt

Thu thuế đất theo giá phù hợp

16/01/2013 09:17 GMT+7
(Dân Việt) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý khi thu thuế đất phải theo giá nào cho phù hợp, tránh để Nhà nước và dân bị thiệt.

Cần chủ động trong quản lý đất đai

Ngày 15.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đất đai sửa đổi. Theo báo cáo về việc tiếp thu, sửa đổi, bổ sung dự án Luật Đất đai (sửa đổi), có một số ý kiến khác nhau về việc áp dụng bảng giá đất.

Ý kiến thứ nhất đề nghị quy định, UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất để áp dụng cho tất cả các mục đích, không công bố bảng giá đất hàng năm mà chỉ điều chỉnh cục bộ khi giá đất có sự biến động tăng, giảm 20%. Trường hợp chưa kịp điều chỉnh bảng giá đất thì xác định giá đất cụ thể để áp dụng.

Ý kiến thứ hai ủng hộ việc xây dựng bảng giá đất định kỳ 5 năm một lần và được công bố vào ngày 1.1 của năm đầu kỳ để làm căn cứ tính các loại thuế, phí, lệ phí và tính thu tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; các trường hợp còn lại thì thực hiện việc xác định giá đất cụ thể tại thời điểm hiện tại.

img
Nông dân xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, Long An thu hoạch dưa trên diện tích đất “trả lại” từ dự án sân golf.

Góp ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng: Phương án thứ nhất chưa khắc phục được việc điều chỉnh giá, còn phương án thứ hai áp dụng 5 năm một lần thì quá dài và khó. “Cần có sự chủ động trong quản lý đất đai, vai trò của Nhà nước phải được phát huy để tạo cân bằng phù hợp, tránh chạy theo thị trường bởi nếu không sẽ phải chạy theo liên tục. Cả 2 luồng ý kiến nêu trên cần nghiên cứu kỹ bởi đều chưa mang tính khả thi cao” - ông Lý phân tích.

Cho rằng cần phải xem xét lại nguyên tắc định giá đất, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn: “Có 3 giai đoạn hình thành giá đất là khi chưa được quy hoạch, đầu tư, khi được đưa vào quy hoạch và khi đầu tư xong. Mỗi giai đoạn có mức giá khác nhau, chưa kể giá đã thay đổi theo thời gian. Vậy phải lấy thời điểm nào để xác định giá? Nếu không sát thực tế sẽ không thỏa mãn yêu cầu của người dân”.

Giải phóng mặt bằng chậm do đền bù thấp

Xung quanh vấn đề bồi thường, tái định cư cho người có đất bị thu hồi, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu ý kiến: Việc hỗ trợ, bồi thường cho người dân còn thấp khiến người dân không đủ tiền để mua đất hoặc xây nhà khi chuyển đến nơi ở mới nên họ rất khó đi, dẫn đến việc giải phóng mặt bằng thường kéo dài như thời gian qua.

“Việc bồi thường, tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi cần có nguyên tắc chung để bảo đảm việc ăn ở của người dân và phải tính toán phù hợp”.

Đồng tình, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị thêm phải đưa ra nguyên tắc phù hợp và phải xử lý kịp thời để tránh việc người dân khi được đền bù lại không có đủ tiền để xây nhà. “Đấy là chưa kể việc định giá đất lúc chưa quy hoạch, khi quy hoạch xong giá đất đã tăng, dẫn tới việc người dân không thỏa mãn và tạo ra xung đột. Không thể tránh được khiếu kiện xung quanh vấn đề đất đai, nhưng cần cố gắng để giảm bớt” - ông Hiển nói.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Việc đền bù thu hồi đất với người dân cần phải chi tiết để có thể tính toán hợp lý. Khi giao đất, thu tiền của dân hoặc nhà đầu tư mà không tính đến yếu tố thị trường sẽ thiệt cho Nhà nước. Đã gọi là “thị trường” thì phải có điều chỉnh, nhưng cần có sự khả thi, hợp lý. Rồi khi thu thuế đất phải theo giá nào cho phù hợp, tránh để Nhà nước và dân bị thiệt. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý: “Có một số điều khoản của luật nếu áp dụng vào thực tế thì người dân sẽ không đồng tình nên cần phải xem xét, nghiên cứu lại”.