Tại hội thảo khoa học cấp quốc gia bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, do ĐH Quốc gia TP.HCM và Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức ngày 15.1. GS Hoàng Chí Bảo (Hội đồng Lý luận Trung ương) cho rằng chính những bất hợp lý về lương, lương không đủ sống nên “đẻ” ra hội chứng cướp đoạt, làm cho công chức, viên chức không tận tâm, tận lực với công việc, với nghề, thiếu trách nhiệm và lẩn trốn trách nhiệm.
“Tham nhũng nhiều nhưng thực tế được phanh phui chỉ là những vụ nhỏ, ở cấp dưới, còn tỷ lệ phanh phui ở cấp cao là rất ít” - GS Trần Đình Bút - nguyên thành viên tư vấn Chính phủ nói.
Nhiều đại biểu cảnh báo về tham nhũng chính sách sẽ gây tổn hại đến sự phát triển của đất nước. |
Dẫn chứng, GS chỉ ra, trong các vụ án tham nhũng được phanh phui, cán bộ cấp xã phường chiếm tỷ lệ khoảng 30%, còn cấp trung ương chỉ chiếm 0,3%, tức bằng 1/100 của cấp thấp nhất. Theo GS Bút, có hiện tượng đó vì nhiều vụ việc bị ém nhẹm, bưng bít toàn bộ hoặc từng phần, xử lý kéo dài lê thê để rơi vào lãng quên.
Còn GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn - nguyên Viện trưởng Viện Triết học, đặc biệt lo ngại nạn tham nhũng quyền lực và chính trị. “Điều này thể hiện rõ nhất trong khâu tuyển công chức các cấp, kể cả tuyển giáo viên... Hậu quả của việc mua bán này là sau khi mua được chức và ngồi vào một cương vị nào đó rồi thì tìm mọi cách xoay xở, kể cả những cách trắng trợn nhất để thu lại số vốn đã bỏ ra và làm sao để có “lãi” càng nhanh càng tốt”.
Đồng quan điểm với GS Chuẩn, GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, quyền đẻ ra tiền, vì vậy nhiều người lợi dụng chức quyền, cơ hội, vị thế và hoàn cảnh để kiếm tiền. “Tham nhũng trong kinh tế do đó gắn với tham nhũng trong chính trị, còn gọi là tham nhũng chính sách, khi chức quyền được huy động vào việc lợi dụng trục lợi, tạo ra cái giá của chức quyền, địa vị. Chạy danh, chạy chức, chạy quyền đã và đang diễn ra bằng tiền và vì tiền” - GS Bảo khẳng định.
Để chống tham nhũng, TS Hoàng Văn Lễ - nguyên chuyên viên cao cấp Thành ủy TP.HCM, đề nghị cần xây dựng đề án cải tổ các ban của Đảng từ T.Ư đến cấp huyện; cần có nghị quyết chống chạy chức, chạy quyền, cải tổ hơn nữa quy trình tham mưu về công tác cán bộ.
Trọng Mạnh