Thiếu vốn vì cái… “hóa đơn đỏ”
Ông Lê Duy Minh – Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, cho biết, 3 năm qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 44 văn bản về cho vay tín dụng, trong đó 24 văn bản dành riêng cho ĐBSCL, tuy nhiên, vốn vẫn rất khó đến tay các chủ trang trại và doanh nghiệp.
Nhiều chủ trang trại phản ánh rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi (ảnh minh họa).
Tôi vay vốn ở Bình Thuận không được, về TP.HCM vay cũng không xong. Tóm lại, tôi như người vô gia cư, vay ở đâu cũng không được, chưa kể các thủ tục về hóa đơn đỏ, giấy tờ hành chính. Đến nỗi mệt quá nên tôi dẹp luôn cái công ty, chuyển sang làm dưới hình thức cá thể cho đơn giản”. Ông Ưng Thế Lãm – |
Cụ thể, theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, HTX, liên hiệp HTX và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo 8 mức, tối đa từ 50 triệu đồng đến 3 tỷ đồng tùy đối tượng, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Thế nhưng, trên thực thế, không nhiều nông dân tiếp cận được nguồn vốn này, hoặc muốn vay vốn phải “quen biết” hoặc có “thỏa thuận riêng” với phía ngân hàng.
Ông Đoàn Minh Chiến-chủ trang trại ở huyện Tân Uyên (Bình Dương) bức xúc với việc hơn 40 năm làm kinh tế trang trại, đến nay mới lần đầu tiên nhận được khoản hỗ trợ từ cơ quan chức năng, là chi phí chứng nhận VietGAP. Còn lại, các khoản đầu tư, vay vốn, ông đều phải tự xoay xở.
“Tôi có trang trại lớn của Bình Dương, năm ngoái thu hoạch hơn 200 tấn bưởi da xanh ruột hồng. Ấy thế mà muốn rớ vào các khoản vốn vay cũng không được, huống chi những trang trại quy mô nhỏ”- ông Chiến bức xúc. Ông Chiến đang cần khoảng 3 tỷ đồng để phát triển 10ha bưởi da xanh ruột hồng. Ngành nông nghiệp Bình Dương cũng đang có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển bưởi, cam và các loại cây có múi. Thế nhưng, muốn vay vốn ưu đãi, nông dân phải có kế hoạch đầu tư, thuyết minh dự án và đặc biệt là phải có… hóa đơn đỏ (hóa đơn giá trị gia tăng).
“Trang trại tôi thuê máy cày về cày đất, làm sao có hóa đơn đỏ. Tới mùa vụ, tôi thuê lao động địa phương làm việc thời vụ, trả lương cho họ, làm sao lấy hóa đơn đỏ? Vậy là ngân hàng không xét duyệt cho tôi vay vốn” - ông Chiến chia sẻ.
Định giá tài sản thế chấp chưa công bằng?
Hiện tại, để tiếp cận được các nguồn vốn vay, nông dân, chủ trang trại chỉ có cách thế chấp tài sản, là quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, việc định giá đất để cho vay hiện chưa hợp lý. Ông Võ Quan Huy - chủ trang trại làm nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Đức Hòa (Long An), cho rằng các trang trại trồng trọt, chăn nuôi hiện được đầu tư rất công phu, tốn kém nhưng khi đem ra ngân hàng để thế chấp, vay vốn thì chỉ được định giá dựa trên… cuốn sổ đỏ. Không chỉ vậy, mức giá đưa ra của ngân hàng rất thấp. Ví dụ, 1ha trồng cam, trồng bưởi của ông Huy có thể cho doanh số khoảng 700 – 750 triệu đồng/năm, nhưng khi đem thế chấp ngân hàng, chỉ được định giá vài chục triệu đồng.
“Đáng lẽ ra, các công trình xây dựng và tài sản trên đất này phải được định giá đúng với giá trị thực của thị trường để tính thế chấp cho vay. Hoặc phải định giá đất bằng 5 năm doanh số hoặc 5 năm lợi nhuận thì may ra nông dân mới có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn”- ông Huy phân tích.
Trong khi đó, ông Ưng Thế Lãm – chủ trang trại thanh long sạch TICAY (thôn Hải Lạc, xã Hải Ninh, huyện bắc Bình, tỉnh Bình Thuận), lại bất bình vì chính sách “phân biệt vùng miền” của các ngân hàng. Ông Lãm là người TP.HCM đã dồn hết vốn liếng ra Bình Thuận mua đất trồng thanh long. Đến khi vào ngân hàng tại đây để làm thủ tục vay vốn, các ngân hàng đều cho rằng, chỉ giải quyết cho vay vốn với… người địa phương. Ông Lãm về TP.HCM để vay vốn, lại nhận được câu trả lời: Dù là người địa phương ở TP.HCM nhưng tài sản của ông Lãm lại ở Bình Thuận, ngân hàng không kiểm soát được, nên không cho vay.
Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM, cho rằng, về nguyên tắc, các ngân hàng không giới hạn, không phân biệt “vùng miền” đối với việc xét duyệt dự án cho vay vốn, tuy nhiên, các ngân hàng thường ưu tiên các đơn vị có trụ sở, có tài sản thế chấp tại địa phương. “Nhiều ngân hàng thương mại đã quá cứng nhắc trong việc áp dụng các quy định về hóa đơn giá trị gia tăng khi xét duyệt dự án, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét lại vấn đề này” – ông Minh khẳng định.