Dân Việt

Tên phim sao không phải là "Sống chung với con dâu"?

Lily (th) 23/06/2017 07:00 GMT+7
Nghe tên phim "Sống chung với mẹ chồng" cứ ngỡ là con dâu phải chịu đựng mẹ chồng khi sống chung nhưng khi xem đến gần hết bộ phim chúng ta mới thấy người phải chịu đựng ở đây đây lại chính là các bà mẹ chồng khổ sở.

img

Là một người tận tụy với gia đình nhưng cuộc sống của bà Phương đã hoàn toàn thay đổi khi gặp phải con dâu Minh Vân.

Ngay từ khi mới phát hành, bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” đã hot ngay từ tên phim. Khi đọc lên người ta sẽ nghĩ ngay đến cảnh các nàng dâu khổ sở phải chấp nhận sống chung với các bà mẹ chồng khó tính, quá quắt. Nhưng càng về cuối, khán giả mới ngỡ ngàng nhận ra, không phải các cô con dâu, mà chính những bà mẹ chồng mới là người phải chịu đựng tính cách hỗn láo của người mà con trai mình cưới về.

Trong khi các bà mẹ chồng được xây dựng là những người phụ nữ đảm đang, chăm lo chồng con chu đáo, thu vén gia đình đầm ấm thì những cô con dâu lại được xây dựng là mẫu phụ nữu hiện đại nhưng lười biếng, suốt ngày chỉ chăm chăm nói xấu mẹ chồng.

Sống chung với Minh Vân

Đầu tiên, phải kể đến cuộc sống ngột ngạt ở gia đình bà Phương. Từ khi con trai cưới Minh Vân về nhà, trong gia đình bà Phương khó có một ngày yên ổn.

Xuyên suốt bộ phim, bà Phương thể hiện là một người phụ nữ của gia đình. Bà Phương chỉ biết duy nhất một điều, đó là ở nhà nấu cơm, giặt giũ, tính toán chi ly từng đồng để gìn giữ tài sản cho chồng con.

Bà không có nổi một bộ đồ đắt tiền, chưa từng xài qua chiếc túi xách nào giá hơn 2 triệu đồng. Khi con dâu tặng cho 1 chiếc túi hàng hiệu, bà giãy nảy la hét, đòi phải trả lại để đổi lấy tiền ngay.

Như bao người phụ nữ khác, bà Phương đã chọn cách sống lặng lẽ, âm thầm phía sau chồng. Bà chấp nhận làm hậu phương, chấp nhận sống cuộc đời tủn mủn, tính toán chi ly từng đồng, miễn sao chồng con bà được vui vẻ, hạnh phúc nhất.

Chính vì sự tận tụy với chồng con nên mới có chuyện bà Phương xông vào phòng ngủ đêm tân hôn hay đòi thay quần lót cho con trai trước mặt vợ nó.

Tuy nhiên, từ khi Minh Vân xuất hiện với tư cách con dâu thì cuộc sống của bà Phương bắt đầu thay đổi. Phải nói rằng phải có một tình thương bao la đối với gia đình thì bà Phương mới có thể chịu đựng một nàng dâu hỗn láo và lười biếng như Vân.

Nhân vật Minh Vân do diễn viên Bảo Thanh thủ vai là một nhà báo xinh đẹp, trẻ trung, xuất thân từ một gia đình có nề nếp nơi thôn quê. Vân có sự nghiệp riêng, độc lập về tài chính và suy nghĩ rất hiện đại.

Dù không thích sống chung với mẹ chồng nhưng vì tình yêu, Vân vẫn quyết định cưới Thanh và mong muốn hòa hợp với gia đình chồng.

Vân được nhiều khán giả cảm thông khi phải sống chung với một bà mẹ chồng khắt khe. Tuy nhiên, sự thiếu khéo léo trong cách ứng xử với mẹ chồng dần dần khiến Vân trở thành cô con dâu hư trong mắt khán giả, đặc biệt ở những trích đoạn Vân trợn trừng mắt, cãi nhau tay đôi với mẹ chồng. Vân từng cho rằng bà Phương có "lối sống cô độc" và "vô lý không thể nào mà chịu nổi".

img

Minh Vân sẵn sàng bốp chát kiểu “hàng tôm hàng cá” với mẹ chồng bất cứ lúc nào, kể cả ngay trước mặt bố chồng và chồng.

Vốn được cưng chiều từ bé, Vân chẳng biết đến cái gọi là "nữ công gia chánh". Tuy bà Phương có khó tính nhưng lại là người quán xuyến hết mọi việc trong nhà thế nên cô không phải động tay động chân vào việc gì. Tuy nhiên Vân luôn cho rằng, mẹ chồng khó chịu với mình vì "khác máu tanh lòng".

Từ giặt giũ, dọn dẹp đến nấu nướng đều phó mặc cho mẹ chồng nhưng khi không hài lòng với điều gì, Vân thường càu nhàu ngay. Cô từng giật chiếc áo từ tay mẹ chồng và nói: "Con chả biết mẹ giặt tay, giặt máy thế nào nhưng mẹ nhìn cái váy của con đi, nó phai thế này thì làm sao con mặc được!".

Cũng chỉ vì luôn nghĩ mẹ chồng không ưa mình mà cô gái này thường có những suy nghĩ và hành động tiêu cực. Điều này làm ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng, cũng như khiến cuộc sống trong gia đình căng thẳng hơn.

Còn bà Phương, trước sự hỗn láo của con dâu bà chỉ biết kêu ca với chồng, con. Tất cả sự chỉ bảo của bà đều bị Vân bật lại, cãi nhem nhẻm. Vân làm gì cũng không thèm hỏi qua ý kiến của bà. Sống với một người con dâu như vậy thì bà mẹ chồng hiền lành nào cũng phải trở nên cau có, khó tính.

Sống chung với Trang

Trái ngược với vẻ ghê gớm với con dâu, bà Điều là người phụ nữ dù hơi vụng về, quê mùa nhưng lại rất mực yêu thương con. Nghe tin con dâu ốm nghén, bà liền khăn gói từ quê lên thành phố để nấu ăn, giặt giũ phục vụ các con.

Không chỉ là người phụ nữ hiền lành, chân chất bà Điều còn là người rất thật thà, tin người. Khi cô con dâu sắp cưới thuê thầy bói phán rằng cô và bà Điều không hợp nhau, do vậy, nếu cứ cương quyết ở cùng một nhà sẽ gặp chuyện chẳng lành bà liền tin lấy tin để.

Là người nhà quê với suy nghĩ “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên bà Điều càng không mảy may nghi ngờ.

img

Là một người nhà quê hiền lành nhưng bà Điều lại phải đối mặt với cô con dâu đanh đá và ghê gớm.

Một người nhà quê hiền lành như vậy nhưng bà Diều lại phải sống chung với cô con dâu Trang vô cùng tai quái và ghê gớm.

Ngay cả khi bà Điều lên thành phố chỉ với một mục đích là chăm sóc con dâu đang ốm nghén, Trang cũng không hài lòng. Năm lần, bảy lượt cô tìm cách đuổi mẹ chồng về quê.

Thay vì nói trực tiếp với mẹ chồng, Trang nói bóng gió khuyên bà nên về quê chăm sóc nhà cửa. Ngoài ra, cô còn gây áp lực lên chồng. Mỗi khi mẹ chồng khăn gói về quê, Trang đều vui vẻ ăn mừng như thoát được gánh nợ.

Trong những cuộc trò chuyện với Vân, Trang cũng luôn gọi mẹ chồng là “bà ta” cùng những nhận xét như “quê mùa”, “không biết điều”.

Sự xuất hiện của một cô con dâu như Trang khiến các bà mẹ đang làm mẹ chồng kinh hãi và thương cảm thay cho bà Điều. Không phải là một bà mẹ chồng khắt khe như bà Phương, hay "bơm đểu" như bà hàng xóm nhà bà Phương, thế nhưng bà Điều lại phải chịu đựng cô con dâu suốt ngày làm mình làm mẩy, chê này chê nọ, sẵn sàng bỏ bữa cơm bà đã mất công chuẩn bị mà không thèm gọi điện về báo một tiếng.

Sau này, Trang thậm chí còn bóp cổ mẹ chồng như một “kẻ thù”.

img

Hai cô con dâu trong Sống chung với mẹ chồng thường xuyên tụ tập để nói xấu mẹ chồng.

Nếu cách ứng xử của Minh Vân vẫn có ý kiến bênh vực thì Trang gần như không nhận được bất cứ sự đồng cảm nào từ khán giả truyền hình. Bởi lẽ, bà Điều – mẹ chồng của Trang – là người yêu thương và nín nhịn con cái.

Tuổi đã cao nhưng bà vẫn thức đêm nấu cháo cho con dâu, đi chợ, làm việc nhà – công việc của một người giúp việc.

Càng về cuối phim, khán giả càng nhận thấy chính các bà mẹ chồng mới là người phải chịu đựng các cô con dâu tai quái, hỗn hào khi về sống chung.

Cả 30 tập phim đã phát sóng, khán giả luôn cảm thấy ngột ngạt và mệt mỏi với diễn biến của phim. Diễn biến phim không làm người ta cảm thấy cảm thông với các nàng dâu mà càng khiến người ta phẫn nộ, ức chế, bức xúc hơn.

Phụ nữ càng hiện đại thì càng khó chấp nhận việc luồn cúi, cũng như ác cảm về mẹ chồng được người xưa truyền lại trở thành nỗi ám ảnh. Nhưng nếu đã chấp nhận gọi người ta một tiếng mẹ chồng, thì hãy khéo léo trong vai trò một người con.