Dân Việt

Đề thi Lý - Sinh: Dễ nhưng quá dài, thời gian làm bài ngắn

Thùy Anh 23/06/2017 12:56 GMT+7
Với những đề thi trắc nghiệm như môn Lý, việc thí sinh có thể giành điểm là rất khó bởi số câu hỏi dài, thời gian ngắn. Tuy nhiên, do kiến thức bám sát sách giáo khoa nên học sinh có thể vượt qua điểm 5-6.

Thầy Nguyễn Hữu Phú - giáo viên dạy môn Vật lý tại Trường THPT Hàm Rồng (Thanh Hóa) cho biết, đề thi năm nay có tính phân loại rõ rệt. Để đạt mức 9 điểm học sinh cần nắm chắc kiến thức, có kỹ năng xử lý nhanh mà không cần phải học những dạng bài quá khó.

Ngoài ra đề thi cũng phân bổ số câu theo chương có sự khác biệt với đề tham khảo. Số câu rơi nhiều vào chương Dao động cơ, Điện xoay chiều, Sóng ánh sáng. Mặt khác, các câu lý thuyết nhiều nhưng nằm trong SGK, gần như không có “bẫy”. Học sinh chỉ cần học đều, học kỹ thì có thể dễ dàng lấy hết điểm lý thuyết.

“Nhiều bài tập lặp lại dạng đã ra trong đề tham khảo như sai số…. Đề bài ít sự mới lạ, hầu hết là những dạng đã được ôn luyện nhiều trong chương trình sách giáo khoa. Do vậy, học sinh rất có thể giành điểm 7-8. Những học sinh khá giỏi có thể giành số điểm cao 8-9 điểm” - thầy Phú nói.

Một số câu hỏi như 36 mã đề 206; câu 33 mã đề 201 đòi hỏi học sinh phân tích được hiện tượng, dễ sai sót do tính toán.

img

img

img

img

Đề thi môn Lý.

Về đề thi môn sinh học, theo thầy Nguyễn Thành Công - giáo viên luyện thi môn Sinh học tại Hệ thống Giáo dục Học Mãi, giáo viên Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm - cho rằng, đề thi môn Sinh phù hợp. Các câu hỏi khó vẫn được đẩy lùi về cuối của đề giúp thí sinh có tâm lý thoải mái khi làm bài.

Các câu hỏi nằm chủ yếu trong chương trình kiến thức lớp 12, có nội dung giảm phân nằm trong chương trình lớp 10 là kiến thức nền tảng phục vụ cho chương trình lớp 12.

Một số nội dung kiến thức ví dụ như bảng phát sinh sự sống qua các đại địa chất (năm nào cũng có 1 câu) được sử dụng để xây dựng các câu hỏi tương đương về độ khó ở các đề khác nhau đảm bảo sự công bằng giữa các mã đề.

img

Nhiều thí sinh than đề quá dài. Ảnh: Đàm Duy

"Ma trận" đề và độ khó của các mã đề đều tương đương so với đề thi tham khảo. Các học sinh đã quen với đề tham khảo của Bộ công bố trước đó sẽ không bị bỡ ngỡ với độ khó của đề.

Với mức độ câu hỏi như vậy, mặc dù quen thuộc nhưng với áp lực thời gian chỉ trong 50 phút. Nếu thí sinh không có cách thức phân bổ thời gian một cách hợp lý thì để giải quyết được 100% câu hỏi đúng không phải là dễ dàng đối với thí sinh. 60% kiến thức cơ bản giúp cho các học sinh có thể vượt qua yêu cầu xét tốt nghiệp một cách nhanh chóng nếu nắm chắc kiến thức lý thuyết sách giáo khoa. Còn lại 5 - 10 câu cuối để giải quyết được, đòi hỏi thí sinh có kiến thức, phương pháp, kỹ năng giải nhanh thì mới đạt được kết quả tốt nhất được.

Về môn Hoá, thầy Ngô Xuân Quỳnh - giáo viên Hóa, Trường THPT Nam Sách II (Hải Dương) nhận định, đề thi năm nay có độ khó giảm đi nhiều so với đề thi THPT quốc gia năm 2015, 2016 và so với các đề thi của Bộ đã đưa ra vào trước kỳ thi chính thức.

Số lượng câu hỏi nhỏ, ngắn tăng lên; câu hỏi khó và cực khó để phân loại học sinh giảm xuống. Điều này thực ra cũng dễ hiểu khi thời gian thi của đề đã giảm từ 90 phút xuống còn 50 phút. Áp lực về thời gian của đề thi và nằm trong bài thi tổ hợp KHTN là vấn đề chính của đề thi năm nay.

Các câu hỏi của đề thi không có nhiều sự mới lạ. Nội dung của đề thi hoàn toàn nằm trong chương trình hóa học 12. Các câu hỏi được sắp xếp từ mức dễ đến khó đã làm cho tâm lý làm bài thi của học sinh được thoải mái hơn khi làm bài. Đề thi có nội dung cơ bản chiếm khoảng 60%, ở nội dung này các em học sinh cần nắm vững các kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là có thể làm bài tốt phần này. 40% còn lại của đề thi có mức độ phân hóa tăng dần, đặc biệt là ở các câu 76, 77, 78, 79 và 80 - mã đề 206.

Học sinh để đạt được tầm 7 - 9 là không khó, còn để đạt được trên 9 điểm thì học sinh phải thật vững quan điểm, có tư duy tổng hợp, phân tích trong vấn đề biện luận.