Sau 4 năm người vợ gắn bó với mình sang thế giới bên kia, ông Nguyễn Tài Thiệp (Liễu Nội, Khánh Hà, Thường Tín, Hà Nội) vẫn ngày ngày làm thơ tặng vợ. Ngần ấy thời gian, ông vẫn đều đặn ra mộ người vợ đã mất trò chuyện, làm thơ và chăm sóc khu vườn tình yêu do chính tay mình trồng.
“Yêu em tóc vẫn còn xanh
Đến khi đầu bạc vẫn xanh tình đời
Nhìn lên khung ảnh đẹp sao
Má hồng ửng đỏ kém gì xuân xanh
Ước gì em sống cùng anh
Vợ chồng tâm sự chuỗi ngày gian lao
Thế mà em lại xa anh
Về nơi âm thế gặp ông gặp bà
Bao giờ ta được gặp ta
Cùng nhau trò chuyện nên duyên cuộc đời
Từ đây anh nguyện suốt đời
Thắp hương thờ phụng trọn đời vì em”
Ông Nguyễn Tài Thiệp (79 tuổi) ở Thường Tín, Hà Nội ngày ngày vẫn ra mộ vợ trồng cây, hoa xung quanh.
Tình chị duyên em và câu chuyện vợ khóc ròng 3 tháng trời
79 tuổi, ở cái tuổi gần đất xa trời, khi nhắc đến câu chuyện tình yêu của mình và bà Nguyễn Thị Bùi – người vợ đã mất, ông Thiệp chỉ dành vỏn vẹn 4 từ “tình chị duyên em” để nói về chúng. Kể về câu chuyện ngang trái đó, ông Thiệp cho biết trước đây ông và chị họ của vợ yêu nhau được 2 năm nhưng đến lúc ông mang trầu cau xin cưới lại bị bà từ chối vì mang bệnh eczema.
Trong lúc hụt hẫng, đau khổ đó, bà Bùi đã ở bên ông và đồng ý lấy ông thay chị họ mình. Mồ côi từ nhỏ, phải sống nhờ ông nội nên khi ông Thiệp tâm sự với bà về gia cảnh nhà mình trước lúc cưới, bữa ăn chỉ có cơm với sắn, bà Bùi vẫn không bận tâm và từ chối. Bà quyết định thay chị họ mình chăm sóc cho ông Thiệp đến trọn đời.
“Biết nhà tôi nghèo chẳng có gì, đám cưới một mình bà ý lo liệu hết. Khi ấy đám cưới đơn giản lắm, chỉ có 10 triệu là tổ chức được rồi. Tôi chở bà ấy trên chiếc xe đạp cũ lên Hà Nội mua chiếu với màn thế là xong, cả 2 cùng về chung một nhà”, ông Thiệp chia sẻ.
Chuyện tình của ông Thiệp và bà Bùi khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Có lẽ đến giờ, điều mà ông Thiệp trân trọng nhất ở bà Bùi đó là sự tần tảo, thủy chung của bà. Không chê ông nhà nghèo, sau khi kết hôn, bà còn để ông đi học tiếp 3 năm, một mình bà lo toan, gánh vác việc nhà. Nuôi chồng rồi nuôi cả con nhưng suốt 3 năm ông Thiệp đi học, bà Bùi cũng chẳng lấy một lời kêu ca, than phiền.
Thậm chí khi ông đi bộ đội biền biệt 6 năm, để bà ở nhà nuôi 3 con nhỏ, đứa bé nhất lúc ông đi mới được hơn 1 tháng tuổi nhưng trong những bức thư gửi vào chiến trường miền Nam, bà cũng không hề nhắc đến sự vất vả của mình hay than thở nửa lời với ông.
Kể về kỉ niệm với vợ thời đi bộ đội đó, ông Thiệp không chỉ nhắc đến nỗi nhớ gia đình khôn siết, những lần hạnh phúc nhận thư của vợ mà ông còn nhắc đến “sự cố” báo tử nhầm lẫn khiến bà Bùi khóc ròng 3 tháng thời.
“Ở đơn vị có 2 người tên là Thiệp, tôi ở Hà Tây còn một người khác ở Hưng Yên. Khi ấy, Thiệp Hưng Yên hy sinh nhưng một người đồng đội đi về làng báo với bà ấy là tôi đã hy sinh. Hay tin đó, bà ý đã khóc 3 tháng trời. Mãi sau đó tôi gửi thư về thông báo mình bình an vô sự bà ý mới nguôi”, ông Thiệp trầm ngâm kể lại.
Sổ tay nhỏ ông viết tặng vợ được cất cẩn thận trong túi.
Hòa bình, ông Thiệp trở về nhà cùng bà Bùi lo toan công việc, kinh tế và nuôi các con nhưng cũng chẳng được bao lâu, ông lại phải nói lời tạm biệt bà để lên Sơn La công tác. Và chuyến công tác ấy khiến vợ chồng ông phải chia cách 10 năm ròng.
Một lần nữa, ông Thiệp phải để bà Bùi ở nhà lo toan, gánh vác chuyện gia đình một mình. Gần 20 chồng đi biền biệt nhưng bà Bùi vẫn một lòng chung thủy, tần tảo sớm khuya. Chính điều đó khiến ông Thiệp càng thương bà nhiều hơn. Khi trở về ông luôn cố gắng bù đắp những thiệt thòi cho bà.
Tuổi đã cao nhưng ông vẫn xưng hô với người vợ quá cố là "anh - em".
Dù đã có tuổi nhưng vợ chồng ông Thiệp vẫn luôn dành cho nhau những cử chỉ ân cần, tình cảm. Ông bà vẫn xưng hô ngọt ngào và tình tứ “anh – em” khiến nhiều người trong làng phải ghen tỵ. Khi bà mắc bạo bệnh, ông luôn luôn ở bên cạnh chăm sóc bà.
Ngày nào cũng vậy, ông chăm sóc bà từng li từng tí và đều đặn mua phở mỗi chiều cho bà ăn. Tuy nhiên, sự ân cần, quan tâm của ông cũng không thể giữ bà ở lại. Nếu như 2 lần trước ông chia tay bà đều hẹn ngày trở về thì giờ đây, bà lại đi xa ông mà không hẹn ngày về.
Cũng kể từ ngày bà mất, ông thấy tim mình héo hắt. Nụ cười trong ông dường như cũng đã mất từ ngày bà sang thế giới bên kia.
4 năm cần mẫn dựng khu vườn địa đàng cho vợ quá cố
Ông Thiệp và bà Bùi có 5 người con với nhau. Sau khi bà mất, ông ở với người con trai thứ 3. Nói là sống cùng con trai nhưng nơi ông đến chủ yếu lại là mộ của vợ. Ngày nào cũng vậy, từ tờ mờ sáng đến sẩm tối, mọi người đều bắt gặp hình ảnh của ông lụi cụi với giàn hoa, với cây cối xung quanh mộ vợ.
Ông cho biết khi còn sống, bà chỉ ước có một ngôi nhà xung quanh là vườn cây, hoa cỏ nhưng ước mơ đó không thành vì làng đất chật người đông. Bởi vậy sau khi bà mất, được đưa về nhà mới, ông cố gắng thực hiện ước mơ này cho bà.
Gần 4 năm qua, ngày nào ông cũng cần mẫn ra mộ bà tẩn mẩn làm “khu vườn tình yêu”. Ông dựng giàn, làm hàng rào lối đi vào mộ bà, rồi ông trồng hoa, cây cối xung quanh đó. Ông nâng niu, chăm sóc khu vườn ấy như chính tình yêu của mình dành cho bà Bùi.
Ông bảo khi bà sống thích ăn gì thì giờ đây ông đều trồng thứ đó. Cứ ngày mồng 8/3 hàng năm, ông đều tặng cây cho bà và trồng xung quanh mộ. Suốt 9 năm kể từ khi bà mất, không một ngày 8.3 nào ông quên tặng bà cây.
Những bông hoa đươc ông Thiệp trồng xung quanh mộ của vợ.
Mỗi cây ông trồng tặng bà đều được nâng niu, chăm sóc cẩn thận bởi theo như ông nói đó là món quà mang hồn cốt chứ không phải vật vô tri. Và mỗi loại hoa, mỗi loại cây đều có ẩn ý riêng của ông như loài hoa thể hiện tính cách của bà Bùi hay những loại cây tượng trưng cho các con ông.
4 năm qua, mỗi ngày ông đều đến mộ vợ tỉ mẩn làm khu vườn theo đúng ước nguyện của bà. Những thanh gỗ được ông lượm nhặt làm thành hàng rào và giàn leo cho hoa giấy.
Những món quà ngày 8/3 đều được ông viết trên biển.
Như kiến tha mồi, sau 4 năm, giờ đây khu mộ của ông làm tặng vợ đã ngập tràn cây và hoa với hơn trăm loại. Ông đã biến khu nghĩa địa hoang vắng mà mọi người đều muối rảo bước thật nhanh khi đi qua thành một nơi tràn đầy sức sống với đủ các loại hoa nhài, hoa lan hồ điệp, hoa mặt trời, hoa giấy, hoa hoàng lan,… hay các loại cây dân gian chữa bệnh.
Bên cạnh đó, ông còn xây sẵn một khu mộ cho mình bên cạnh bà trong khu vườn tình yêu này để khi ông mất, ông và bà có thể bên cạnh nhau mãi mãi.
Đối với ông, khu vườn này không chỉ thể hiện tình yêu mà còn là lời hứa của ông với với lời trăn trối của bà trước khi ra đi. Và với ông, kể từ khi lấy bà Bùi, dù cuộc sống nghèo khó nhưng ông luôn cảm thấy mình “vinh hoa phú quý” bởi “Đã yêu nhau từ trẻ đến lúc già. Đời như thế mới là vinh hoa phú quý”.