Dân Việt

Sẽ có bộ chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Thành Chung 23/06/2017 15:39 GMT+7
Thông báo với cử tri tỉnh Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ sẽ xây dựng và hoàn thiện một bộ chính sách để thu hút mạnh mẽ DN đầu tư vào nông nghiệp và khu vực nông thôn, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững.

Ngày 23.6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV với cử tri huyện Can Lộc (tại xã Yên Lộc) và Thành phố Hà Tĩnh.

img

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp xúc với cử tri huyện Can Lộc (tại xã Yên Lộc) và Thành phố Hà Tĩnh.

Cử tri tại các nơi tiếp xúc bày tỏ đánh giá cao kết quả hoạt động của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 đã thông qua các văn bản pháp luật quan trọng như Luật quản lý nợ công, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu,…; biểu dương quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ bảo đảm bằng mọi cách đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, không ngừng nâng cao chất lượng của tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên cử tri Hà Tĩnh cũng nêu ra những bất cập, khó khăn của hệ thống chính quyền, các ngành trong chỉ đạo, thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), đề nghị quan tâm hơn nữa tới đầu tư hạ tầng cơ sở ở những vùng biên giới, hải đảo; Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chính sách phù hợp trong tổ chức biên chế đối với đội ngũ giáo viên để an tâm công tác.

Cử tri cũng lên tiếng về tình trạng  trục lợi bảo hiểm y tế đã ảnh hưởng tới ý nghĩa của chính sách và lợi ích người tham gia bảo hiểm nên đề nghị Nhà nước cần phân bổ hiệu quả khả năng chi trả BHXH, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất y tế ở cấp xã nhằm chăm lo tốt sức khỏe ban đầu cho người dân; tiếp tục thực hiện tốt chính sách nhà ở cho người có công vốn còn nhiều bất cập trong thời gian qua.

img

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.

Đặc biệt, nhiều ý kiến của cử tri bày tỏ những lo lắng cho nền sản xuất nông nghiệp không ổn định, chi phí cao, giá bán thấp, người nông dân chịu nhiều thiệt thòi, liên kết “4 nhà” lỏng lẻo. Một cử tri nông dân ở Can Lộc cho biết: “Giá bán chỉ 5000 đồng/kg rau nhưng chi phí đầu vào như phân bón, nhân công lại cao. Các công ty nhập phân bón, bán tràn lan và dân lo không phân biệt được thật giả để cho sản xuất. Chưa kể lượng phân bón sử dụng cho nông nghiệp dư thừa gây ô nhiễ môi trường” và đề nghị Nhà nước cần sớm khắc phục tình trạng này,…

Ghi nhận các ý kiến và kiến nghị của cử tri, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ đây là những vấn đề mà Đảng, Nhà nước đang rất quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện. Đối với vấn đề sản xuất nông nghiệp đã dành được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội tại Kỳ họp vừa qua.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ hướng đi mới của ngành nông nghiệp phải kết hợp giữa tổ chức lại sản xuất thông qua quy hoạch, đổi mới phương thức sản xuất, hợp tác sản xuất và đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao. Hiện nay năng lực sản xuất của Việt Nam khá tốt với 11 nông sản (lúa gạo, cá tra, cà phê, tôm,…) có năng suất dẫn đầu thế giới nhưng khâu chế biến và tiêu thụ còn rất yếu. Nhằm từng bước khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã cho phép Bộ NN&PTNT thành lập Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản vào hôm 21/6 để tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nêu rõ vai trò quan trọng nhất để phát triển ngành nông nghiệp là doanh nghiệp (DN) khi không có DN hỗ trợ thì khó tạo ra chuỗi sản xuất trong nông nghiệp. “Hiện nay Chính phủ đang đi theo hướng thu hút mạnh mẽ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”, Phó Thủ tướng nói, tuy nhiên, cũng bày tỏ còn nhiều vấn đề chưa giải quyết thấu đáo như về đất đai, quy hoạch đất đai, tích tụ ruộng đất, cải cách thủ tục hành chính,… để DN yên tâm đầu tư vốn.

Phó Thủ tướng cho biết không chỉ thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp mà cả DN đầu tư vào khu vực nông thôn với các ngành hàng cần nhiều lao động như da giầy, may mặc, dịch vụ nông nghiệp,…  “Sắp tới Chính phủ sẽ lấy ý kiến của 63 tỉnh, thành về việc sửa Nghị định 210 của Chính phủ về thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp và sẽ có một bộ chính sách cho lĩnh vực này”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

img

Tại buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Can Lộc, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã chứng kiến Lễ công bố khoản tài trợ 5,2 tỷ đồng xây dựng trạm y tế xã Yên Lộc của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Trả lời kiến nghị cử tri liên quan tới đầu tư hạ tầng xây dựng NTM, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ sẽ tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu cho các vùng khó khăn, biên giới như y tế, trường học, đường giao thông. Ở những vùng này, NTM đã hình thành ở cả cấp thôn, bản. Theo Phó Thủ tướng, kinh phí thưởng trong xây dựng NTM giai đoạn 2016- 2020 là 6.000 tỷ đồng sẽ được Chính phủ tập trung thanh toán cho các địa phương và tập trung đầu tư cho các xã biên giới, bãi ngang ven biển…

Phó Thủ tướng cũng cho biết xây dựng NTM tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực khi tới hết tháng 6/2017 cả nước đã hoàn thành chỉ tiêu cho cả năm 2017 với 30% tổng số xã đạt chuẩn. Bình quân một xã toàn quốc đạt 13,6 tiêu chí. Xã dưới 5 tiêu chí chỉ còn 194 xã, giảm hơn 50 xã. Cả nước có 34 huyện đạt chuẩn NTM và đang xây dựng NTM kiểu mẫu.

Coi trọng y tế cơ sở

Về phát triển y tế, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đang xây dựng để trình Trung ương 2 Đề án lớn là Đổi mới toàn diện và sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập và Đề án Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, vấn đề dân số và phát triển bền vững. Mục tiêu của cả 2 Đề án đều rất coi trọng vai trò y tế cơ sở. “Dù có xã hội hóa dịch vụ y tế, tạo thuận lợi cho thông tuyến gì đi nữa thì chúng tôi kiên trì quan điểm hết sức coi trọng y tế cấp xã, nhất là vùng sâu, vùng xa nhằm bảo đảm tốt chức năng y tế dự phòng, khám chữa bệnh nan y không lây nhiễm và sức khỏe sinh sản”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Giải đáp lo lắng của cử tri về thông tin bỏ biên chế trong giáo dục, Phó Thủ tướng nêu rõ đây mới là đề xuất của phía Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nói rõ sẽ thực hiện thí điểm, có lộ trình. “Chính phủ sẽ phải xem xét rất kỹ vấn đề này”, Phó Thủ tướng cho biết. Trong thời gian tới, để nâng cao tính tự chủ, chất lượng giáo dục, đào tạo và đời sống của nhà giáo, Chính phủ sẽ đổi mới phương thức xác định biên chế và giao và phê duyệt biên chế cho đơn vị sự nghiệp trong đó có giáo dục; gắn việc tuyển dụng và sử dụng biên chế, tăng quyền cho nhà trường đi liền với tự chủ về tài chính.

Về việc thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, Phó Thủ tướng cho biết đây là chính sách rất quan trọng của Đảng, Nhà nước. Trung ương Đảng đã quyết định tại Hội nghị Trung ương 7 tới sẽ bàn và ra quyết sách về chính sách tiền lương, chính sách người có công và BHXH để giải quyết căn cơ việc này. Vừa qua, vốn đầu tư công trung hạn đã dành 7.000 tỷ đồng bổ sung vốn xây dựng nhà ở cho người có công và 2.000 tỷ hỗ trợ lãi suất cho NƠXH. Chính phủ sẽ căn cứ vào các khoản chi, tiết kiệm để tiếp tục bố trí vốn cho chính sách này theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ.