Dân Việt

Triều Tiên có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, Mỹ lấy gì đối phó?

Phương Đăng (theo Reuters, NI) 23/06/2017 17:00 GMT+7
Mỹ cáo buộc Triều Tiên vừa thử động cơ tên lửa mới được cho là thuộc về một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng tấn công lục địa Mỹ. Thông tin này dấy lên quan ngại, nếu Bình Nhưỡng có ICBM, Mỹ sẽ lấy gì để đối phó?

Triều Tiên sắp sở hữu ICBM?

img

Triều Tiên vừa thử động cơ tên lửa, được cho là thuộc về một ICBM

Một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters rằng, Washington nhận định rằng, vụ thử nghiệm mới nhất trong một loạt vụ thử nghiệm các động cơ và tên lửa của Triều Tiên trong năm nay, có thể là một phần trong chương trình phát triển ICBM mà nước này không ngừng theo đuổi.

Một quan chức thứ 2 của Mỹ cũng xác nhận vụ thử nhưng không cung cấp thêm chi tiết về thành phần tên lửa được thử hoặc liệu nó có thuộc chương trình phát triển ICBM của Triều Tiên hay không.

Một quan chức khác nói rằng, ông tin vụ thử đã diễn ra trong vòng 24 giờ qua. Những tiết lộ về việc Triều Tiên thử động cơ tên lửa mới được đưa ra ngay sau khi Mỹ thúc giục Trung Quốc gây thêm áp lực kinh tế và ngoại giao lên Triều Tiên để ngăn chặn chương trình tên lửa, hạt nhân của nước này.

Các chuyên gia cho rằng, Triều Tiên vẫn cần vài năm nữa mới có thể phát triển thành công ICBM. Lục địa Mỹ cách Triều Tiên khoảng 9.000 km. Các ICBM có tầm bắn tối thiểu là 5.500 km nhưng một số loại được thiết kế với tầm bắn lên tới 10.000 km hoặc thậm chí xa hơn.

Tuy nhiên, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ mới đây cảnh báo trước Quốc hội rằng, Triều Tiên, nếu không bị kiểm soát, đang trên đà phát triển  một tên lửa hạt nhân có khả năng đánh tới Lục địa Mỹ mà không gì ngăn chặn được.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo về "một cuộc xung đột lớn, rất lớn với Triều Tiên có thể xảy ra" liên quan đến chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này dù các quan chức ở Washington khẳng định các chế tài trừng phạt cứng rắn hơn là ưu tiên được lựa chọn chứ không phải là biện pháp quân sự.

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng của ông Trump, Jim Mattis, cũng cảnh báo bất cứ giải pháp quân sự nào cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên "sẽ vô cùng bi thảm với quy mô và hậu quả không thể lường trước được".

Vũ khí đánh chặn hoàn hảo của Mỹ

img

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.

Mỹ đang ra sức tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa chống lại các mối đe dọa từ Triều Tiên và đã tiến hành thử nghiệm đánh chặn thành công tên lửa dạng ICBM đang bay đến hồi tháng 5.

Tuy nhiên, một vụ thử nghiệm vào ngày 21.6 về một khả năng mới do Mỹ và Nhật phối phợp phát triển nhằm chống lại các tên lửa tầm ngắn đã không thành công, Cơ quan phòng thủ tên lửa của Mỹ cho biết.

Lầu Năm góc đã triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc để đối phó với các mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên.

THAAD vốn đã được quân đội Mỹ đặt ở Guam, là một hệ thống đánh chặn tên lửa được thiết kế để phá hủy các ICBM ra khỏi bầu trời khi chúng đang tiếp cận các mục tiêu.

THAAD được cho là mang lại cho Mỹ khả năng lớn hơn để giải quyết các thách thức trên bán đảo Triều Tiên, giúp cung cấp thêm một lớp bảo vệ khác hơn hẳn những gì mà Patriot có thể mang lại.

Ngoài ra, Lầu Năm góc cũng tăng đáng kể kho Tên lửa đánh chặn phóng từ mặt đất (GBIs) hiện được đặt ở căn cứ không quân Vandenberg, ở California và căn cứ Ft. Greeley ở bang Alabama. Kế hoạch trên lần đầu tiên được cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel thông báo vài năm trước. Theo đó, Mỹ muốn tăng số lượng GBIs lên con số 44 vào năm 2017.GBIs là các tên lử đánh chặn được thiết kế để bắn vào không gian và phá hủy ICBM đang tiếp cận mục tiêu của kẻ thù.

Chưa hết, Lầu Năm góc còn đang bắt tay chế tạo vũ khí mang công nghệ kiểu "Chiến tranh của các vì sao" có khả năng đánh bật mục tiêu khỏi không gian chỉ với duy nhất một thiết bị đánh chặn.

Theo đó, Lầu Năm góc đã ký hợp đồng với 3 nhà thầu quân sự Boeing, Lockheed Martin và Raytheon để phát triển thiết bị đánh chặn mới được gọi là MOKV (Multi-Object Kill Vehicle). MOKV sẽ thay thế vai trò của thiết bị EKV hiện đang được Mỹ tin dùng và được thiết kế để được phóng từ thiết bị đánh chặn mặt đất để tiêu diệt ICBM đang tiếp cận mục tiêu.

MOKV sẽ ưu việt hơn nhờ khả năng xác định chính xác đầu đạn tên lửa lẫn trong mồi bẫy và mảnh vụn của tên lửa đẩy.  

Các quan chức quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng, chương trình MOKV mang lại hứa hẹn lớn cho tương lai của công nghệ phòng thủ tên lửa.