Dân Việt

4 đòn ông Trump có thể trả đũa vụ sinh viên Mỹ mất mô não

Đăng Nguyễn - ABC News 24/06/2017 13:55 GMT+7
Sau khi thi thể sinh viên Mỹ bị mất mô não ở Triều Tiên được an táng tại quê nhà Ohio, giới chuyên gia hướng sự chú ý đến động thái tiếp theo của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

img

Tổng thống Mỹ Donald Trump không muốn những trường hợp như Otto Warmbier lặp lại trong tương lai.

“Những gì xảy ra với Otto Warmbier thật tồi tệ”, ông Trump nói. “Điều đó đáng lẽ không bao giờ được phép xảy ra. Triều Tiên thật tàn nhẫn, chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề này”.

Sinh viên Mỹ Otto Warmbier bị giam giữ hơn một năm qua ở Triều Tiên trong tình trạng hôn mê. Lý do khiến Otto rơi vào tình trạng như vậy cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng.

Nhà Trắng hiện đang cân nhắc các phản ứng tiếp theo trước cái chết của Otto, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói “Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về hình phạt không công bằng với sinh viên Mỹ”.

ABC News mới đây đã đưa ra 4 lựa chọn ông Trump có thể áp dụng nhằm đáp trả cái chết của công dân Mỹ bị giam giữ ở Triều Tiên.

Cấm du lịch đến Triều Tiên

Chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện đang cân nhắc ban hành lệnh cấm công dân Mỹ đến Triều Tiên.

“Ngoại trưởng Tillerson chưa đi đến kết luận nhưng chúng tôi đang cân nhắc lệnh cấm này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói.

img

Lần cuối cùng sinh viên Mỹ Otto Warmbier còn có thể nhận biết những gì xảy ra xung quanh.

Mỹ không khuyến khích công dân đến Triều Tiên và nhiều lần phát đi thông điệp cảnh báo nhưng chưa chính thức ban hành lệnh cấm. Vì Mỹ-Triều Tiên không duy trì quan hệ ngoại giao nên chính phủ Mỹ không thể can thiệp mà phải nhờ đến sự trợ giúp của nước thứ ba.

“Trong bối cảnh mối đe dọa với công dân Mỹ ở Triều Tiên gia tăng, tôi cho rằng chúng ta phải ban hành lệnh cấm”, cựu Đại sứ Mỹ ở Hàn Quốc, Christopher Hill nói.

Ông Hill là người dẫn đầu phái đoàn đến Triều Tiên đàm phán về chương trình hạt nhân dưới thời chính quyền George W. Bush.

Trước đây, Mỹ từng cấm công dân đến các quốc gia được đánh giá là quá nguy hiểm như Liban trong cuộc nội chiến và Libya dưới thời nhà độc tài Muammar Gadhafi

Số người Mỹ có mặt tại Triều Tiên hiện chưa được xác định, nhưng có ít nhất 40 công dân Mỹ làm việc tại các trường Đại học tư nhân, nhiều người mang hai quốc tịch Mỹ-Hàn.

Mỗi năm có khoảng 850-1.250 công dân Mỹ đến du lịch Triều Tiên. Con số này nhiều khả năng sẽ giảm mạnh sau cái chết của Warmbier. Công ty du lịch đưa Warmbier đến Bình Nhưỡng đã hủy bỏ mọi chuyến đi đối với người Mỹ.

Thuyết phục các quốc gia khác

img

Gia đình Warmbier trong lễ tang con trai.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể tăng cường cô lập Triều Tiên, bằng cách thuyết phục các nước láng giềng và đối tác kinh tế cắt quan hệ.

Đây là một phần trong chiến lược ngăn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa. “Nhiều quốc gia trên thế giới đã đứng lên và hành động phản đối chương trình hạt nhân Triều Tiên”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton nói.

Theo bà Thornton, các động thái này bao gồm ngừng cấp thị thực cho người lao động Triều Tiên, ngừng hợp tác với hãng hàng không Triều Tiên và hạn chế quan hệ ngoại giao.

Tăng cường cấm vận

img

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tổng thống Donald Trump cũng có thể cân nhắc bổ sung thêm lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên hoặc các đối tác làm ăn với nước này, bao gồm cả công ty Trung Quốc.

Các Nghị sĩ Mỹ đã đề cập đến những cách mà Triều Tiên thu ngoại tệ từ nước ngoài và làm cách nào để ngăn Bình Nhưỡng dùng nguồn tiền này cho hoạt động phát triển hạt nhân.

“Bước tiếp theo nên trừng phạt các công ty và thương nhân Trung Quốc làm giàu cho Kim Jong-un”, tờ Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ viết. “Chính quyền Mỹ phải làm mọi cách để những trường hợp như Otto Warmbier không thể lặp lại.

Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ chưa áp đặt thêm lệnh trừng phạt. Sau cuộc hội đàm Mỹ-Trung ngày 22.6, ông Tillerson nói Bắc Kinh cam kết hợp tác cùng Mỹ kiềm chế Triều Tiên. Như vậy, Nhà Trắng có thể cho Trung Quốc thêm thời gian.

Tấn công quân sự

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần đề cập đến khả năng tấn công phủ đầu Triều Tiên. Nhưng thực tế là ngay cả một đợt không kích hạn chế nhất cũng có thể thổi bùng lên chiến tranh.

Đây là lựa chọn khó khăn nhất của Nhà Trắng trong tình hình hiện nay.

Nếu quân đội Mỹ được lệnh hành động, cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên là mục tiêu hàng đầu. Các mục tiêu khác bao gồm cơ sở chế tạo tên lửa đạn đạo Sohae hay sân bay quân sự tại các tỉnh Hwangju, Kusong và Wonsan.

Nhưng xung đột xảy ra sẽ có thể khiến hàng trăm ngàn người dân bị ảnh hưởng. Pháo binh Triều Tiên đóng quân gần khu vực phi quân sự (DMZ) có thể dễ dàng tấn công thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Điều đó làm cho kế hoạch tấn công quân sự là giải pháp ít có thể xảy ra nhất trong các lựa chọn khả dĩ với chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Người Mỹ mất mô não ở Triều Tiên: Ngàn người tới đám tang

Địa điểm tổ chức có sức chứa 800 khán giả khiến cả ngàn người phải đứng ngoài, theo dõi qua màn hình lớn.