Đáng chú ý, có ý kiến nêu một thực tế là sự trả thù người tố cáo "tinh vi đến mức văn minh". Vậy nên chăng, luật cho phép tố cáo nặc danh để đảm bảo an toàn cho người tố cáo ?
Tuy nhiên phản biện lại, có ý kiến cho rằng, tố cáo nặc danh phần lớn bị lợi dụng để vu khống, cho nên luật không thể chấp nhận hình thức tố cáo này.
Về phần tố cáo bằng các hình thức thư điện tử, điện thoại, có ý kiến cho rằng thì khó xác định được người tố cáo, nên coi đó là nguồn cung cấp thông tin áp dụng cho luật thanh tra thì hợp lý hơn.
Vậy, ở bài viết này xin đưa ra hướng dung hòa các ý kiến trái chiều đó như sau:
Quả thực người ta khi thực hiện tố cáo là đi "gây thù chuốc oán" với người bị tố cáo, cho nên tất yếu sẽ bị trả thù, theo kiểu xã hội đen thì dùng bạo lực truy sát, còn theo kiểu trí thức thì ngầm bao vây cấm vận.
Vì bị trả thù như vậy nên thực tế hầu như chẳng ai muốn đi tố cáo sai phạm mà không phải là xâm hại đến quyền lợi của mình, tức là chẳng ai lại muốn "ôm rơm rặm bụng" đi tố cáo để tự rước họa vào thân cả. Cho nên, vấn đề phải có giải pháp đảm bảo an toàn cho người đi tố cáo là có thật, và trong các giải pháp, giải pháp đảm bảo an toàn nhất cho người đi tố cáo thì chỉ có là tố cáo nặc danh mà thôi.
Thế nhưng, cũng phải thừa nhận thực tế là hầu hết các trường hợp vu khống đều dùng hình thức nặc danh, cho nên, nếu luật mà cho phép tố cáo nặc danh, thì các vụ vu khống sẽ bùng phát, trong đời sống cứ gặp chuyện mâu thuẫn không ưa nhau là người ta tố cáo nặc danh để vu khống cho nhau.
Như vậy thì phải có giải pháp dung hòa giữa 2 cách thức này.
Xét về lý luận, thì bản chất của Luật Tố cáo là nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm pháp luật trong quản lý hành chính như điều 1 của dự thảo đã nêu, chứ không phải là nhằm phát hiện... ai là người tố cáo để xử lý họ. Cho nên, điều cốt lõi nhất của Luật Tố cáo, là phải đảm bảo làm sao cho mọi vi phạm pháp luật trong quản lý đều phải bị phát hiện kịp thời, cũng có nghĩa là, đều phải bị tố cáo kịp thời.
Như vậy thì Luật Tố cáo phải cho phép tố cáo nặc danh, để đảm bảo an toàn cao nhất cho người tố cáo. Có như vậy mới khuyến khích được mọi người tố cáo vi phạm, cũng có nghĩa là mọi vi phạm pháp luật mới được phát hiện ngăn chặn kịp thời, theo đúng mục tiêu nhắm đến của Luật Tố cáo.
Ảnh minh họa. Nguồn: NLĐ
Tuy nhiên để các cơ quan chức năng không phải mất công đi xác minh những tố cáo là vu khống, và cũng còn để đảm bảo những quyền bất khả xâm phạm của mọi người tránh bị xâm phạm bởi nạn vu khống, thì bắt buộc, người đi tố cáo phải lưu lại đặc điểm nhận dạng của mình tại nơi tố cáo, để truy trách nhiệm trong trường hợp tố cáo đó là vu khống.
Đó là điểm chỉ dấu vân tay của mình thay cho chữ ký trên bản tố cáo. Người tố cáo không cần nêu tên và địa chỉ mình nếu không muốn, nhưng bắt buộc phải điểm chỉ vân tay tại bản tố cáo. Bất kể hình thức tố cáo bằng thư điện tử hay thư giấy, cứ đáp ứng được yêu cầu có dấu vân tay trực diện này thì bản tố cáo sẽ được luật chấp nhận.
Việc điểm chỉ vân tay này là dễ áp dụng được đối với bất kỳ ai, kể cả người không biết chữ nhờ đánh máy hộ tố cáo và không ký được. Đối với tố cáo bằng gọi điện thoại, người tố cáo nếu không muốn nêu tên địa chỉ thì bắt buộc phải cung cấp số thẻ căn cước (chứng minh thư nhân dân) để cơ quan nhận tố cáo gửi sang cơ quan công an xác định số thẻ căn cước đó có thật không, nếu có thật thì thụ lý tố cáo. Vì công dân nào đủ 18 tuổi cũng phải có căn cước. Trường hợp chưa đủ 18 tuổi thì theo luật định có người giám hộ trước pháp luật, thực hiện bảo lãnh cho việc tố cáo này.
Sau khi thụ lý bản tố cáo có điểm chỉ vân tay, cơ quan chức năng thụ lý xác minh giải quyết. Trong trường hợp xác định được tố cáo đó là vu khống, thì chuyển hồ sơ vụ việc cùng bản tố cáo có vân tay đó sang cơ quan điều tra truy xuất dấu vân tay trong kho lưu trữ căn cước công dân để xác định được người vu khống đó mà truy cứu trách nhiệm hình sự.
Giải pháp này làm cho người đi tố cáo "vô danh" trước cơ quan quản lý nhận tố cáo, nhưng sẽ bị "hiện hình" trước cơ quan điều tra nếu tố cáo đó là vu khống. Như vậy vừa đảm bảo an toàn cho người đi tố cáo đúng sự thật nhưng cũng lại vừa đảm bảo cơ quan nhà nước truy cứu được trách nhiệm của người đi tố cáo sai sự thật.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả