Dân Việt

Nhiều tranh cãi xung quanh đề thi THPT quốc gia

Tùng Anh 24/06/2017 18:05 GMT+7
Phản ánh tại cuộc họp báo chiều ngày 24.6, nhiều phóng viên yêu cầu Bộ GD ĐT giải đáp về những thắc mắc xung quanh đề thi các môn học khiến học sinh và giáo viên không hài lòng sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Cụ thể, về đề thi môn Văn, nhiều giáo viên phản ánh, khái niệm “sự thấu cảm” được đưa ra phân tích trong đề thi chưa rõ ràng, không thể hiện được tính trong sáng và chưa phù hợp với đối tượng học sinh ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, đề thi Văn còn bị cho rằng thiếu tính sáng tạo, thiếu thời sự và không có yếu tố... bất ngờ.

img

Nhiều ý kiến cho rằng đề thi văn về "sự thấu cảm" chưa phù hợp với học sinh 

Đối với môn Địa lý, nhiều giáo viên phán ánh, với cách ra đề thi trắc nghiệm như thế này, nếu kéo dài trong nhiều năm, học sinh sẽ thiếu hụt và bỏ qua nhiều kỹ năng làm bài, trong đó có kỹ năng vẽ biểu đồ.

Trong khi đó, đề thi Lịch sử, Địa lý, việc đảo lộn các câu hỏi theo mã đề khiến cho một số câu khó được đưa lên đầu, câu dễ đưa xuống dưới đề thi khiến các em bị mất thời gian và giảm “tinh thần chiến đấu”. Điều này cũng làm độ khó – dễ của đề thi không đồng đều. Việc bố trí bài thi KHTN và KHXH cũng khiến học sinh gặp nhiều áp lực và nảy sinh một số tiêu cực.

Cụ thể, có hiện tượng học sinh kết thúc thi môn Lý chưa làm xong bài đã ghi đề ra bàn sau đó đến môn tiếp theo (không phải môn xét tuyển ĐH của em đó nên làm bài “qua loa” rồi quay trở lại làm tiếp môn Lý). Như vậy sẽ dẫn đến việc không công bằng đối với các thí sinh thi các khối khác.

Giải thích về vấn đề này, ông  Sái Công Hồng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD ĐT) cho biết, từ trước đến nay trong thi trắc nghiệm của Bộ, ta chưa làm được ngân hàng đề thi chuẩn hóa. Năm nay, để xây dựng được các mã đề thi Bộ đã làm được việc xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa. Tất cả những câu hỏi đã được thử nghiệm với chính các em học sinh lớp 12. Trong tháng 3, tháng 4 đã chọn mẫu thử nghiệm ở 50 trường với trên 2000 học sinh lớp 12 để thử nghiệm chuẩn hóa cân bằng độ khó các đề thi.

img

Ông Sái Công Hồng trả lời tại buổi họp báo (Ảnh: Thanh Tùng).

“Đối với các đề thi trắc nghiệm khách quan được 24 mã đề khác nhau, theo quy chế mỗi phòng thi không xếp quá 24 thí sinh, vì vậy, việc đảo sẽ đảo theo khối. Một đề thi phân thành 4 cấp độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao) chỉ đảo trong khối đó thôi, vì vậy chúng ta có 1 cụm các câu hỏi được đảo thôi chứ không phải đảo lộn xộn lên khiến đề khó, đề dễ” – ông Hồng nói.

Ông Hồng cũng khẳng định rằng, với việc đảo đề như thế, thời gian làm bài như thế chắc chắn sẽ không có chuyện gian lận nhìn bài nhau, gây lộn xộn trong phòng thi. Với quy trình thử nghiệm và làm đề như vậy, ông Hồng cũng cho rằng không thể có việc độ khó – dễ không đồng đều khiến thí sinh thiệt thòi được. Vì vậy không thể nhìn từ 1 – 2 đề thi mà đánh giá tất cả các mã đề.

Đánh giá chung về chất lượng kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD ĐT Bùi Văn Ga cho biết, kỳ thi cơ bản đã đảm bảo được sự nghiêm túc, an toàn và tiết kiệm. Ông Ga dẫn chứng, so với các năm trước, số lượng thí sinh bị kỷ luật giảm đi rất nhiều: Năm 2016, có tới 328 thí sinh bị đình chỉ, năm nay chỉ còn 72 em, cũng chỉ có 2 giám thị vi phạm quy chế.

Ông Ga cũng khẳng định: “Cách thức tổ chức thi và hình thức thi trắc nghiệm cơ bản đã thể hiện được sự ưu việt, chính vì vậy, Bộ GD ĐT dự kiến sẽ tiếp tục áp dụng hình thức thi này ổn định trong nhiều năm tới. Nếu có điều chỉnh thì cũng chỉ điều chỉnh một chút về kỹ thuật để hợp lý hơn”.