Dân Việt

“Đáng lẽ quân đội phải ngưng làm kinh tế từ lâu rồi!”

Lương Kết (thực hiện) 25/06/2017 16:05 GMT+7
"Tôi rất ủng hộ chủ trương quân đội không làm kinh tế nữa qua phát biểu của thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Lẽ ra việc này cần phải làm sớm hơn chứ không nên để kéo dài", ông Lê Việt Trường - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội nhận định như vậy với Dân Việt.

img

Ông Lê Việt Trường - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội. (Ảnh: VPQH)

Có thời gian công tác tại Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, ông thấy việc quản lý đất quốc phòng cũng như việc quân đội tham gia làm kinh tế nảy sinh những vấn đề bất cập nào?

- Khi còn tham gia Quốc hội khóa XIII, chúng tôi đã đi khảo sát tình hình quản lý và sử dụng đất quốc phòng - an ninh trên phạm vi cả nước để chuẩn bị tham gia xây dựng Luật đất đai (sửa đổi). Qua khảo sát chúng tôi cũng đã nhìn ra vấn đề, cá nhân tôi cũng nêu ý kiến băn khoăn về chuyện đất được giao để sử dụng vào mục đích quốc phòng lại chuyển giao cho các doanh nghiệp (DN) của quân đội làm kinh tế. Nếu so sánh với các DN dân sự thì DN dân sự phải đi thuê đất và phải thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước, còn DN quân đội thực hiện nghĩa vụ đó thế nào?

Qua tìm hiểu trong thời gian khoảng giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tôi cũng được biết: Lúc đó việc giao đất quốc phòng cho doanh nghiệp được thí điểm với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (trực thuộc Quân chủng Hải quân và Viettel), còn các DN khác của quân đội thì không. Nếu như vậy rõ ràng không bình đẳng. Khi đã làm kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì mọi thành phần kinh tế, các DN phải bình đẳng trước pháp luật về quyền lợi và nghĩa vụ.

Việc này nếu được duy trì quá lâu (ưu đãi các DN quân đội-PV) sẽ làm méo mó những nguyên tắc kinh tế, nghĩa là mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh phải bình đẳng trước pháp luật từ việc sử dụng tài nguyên của đất nước, đến nghĩa vụ thuế.

Quân đội làm kinh tế cũng có những đóng góp nhất định cho ngân sách. Nhưng vấn đề là sự công khai, minh bạch tất cả những nguồn lực đã được sử dụng để cho các DN quân đội hoạt động chưa được thể hiện rõ ràng. Liệu như vậy có sự sòng phẳng với DN dân sự không?

Ngoài việc bất bình đẳng với DN dân sự, khi quân đội tham gia làm kinh tế ông thấy còn nảy sinh những bất cập nào khác?

- Quốc gia láng giềng của chúng ta cũng đã nhận ra những mặt trái khi để quân đội tham gia làm kinh tế. Tôi chưa nói đến những mặt trái sâu xa, chỉ nói những mặt trái có thể thấy được. Thứ nhất, như đã nói là sự không bình đẳng giữa DN quân đội với DN dân sự trên một số lĩnh vực.

Thứ hai, nó tạo ra sự không bình đẳng trong đội ngũ cán bộ, sĩ quan. Cụ thể, các cán bộ, sĩ quan ở các đơn vị trực tiếp quản lý các lữ đoàn, sư đoàn, trung đoàn, anh em sĩ quan phải rèn luyện quân ngày đêm vất vả chỉ hưởng lương theo cấp bậc quy định của nhà nước.

Còn đối với sĩ quan cũng đeo quân hàm như vậy nhưng làm ở các DN, ngoài việc hưởng lương theo cấp bậc họ còn hưởng cả lương kinh doanh nữa. Không những thế, những sĩ quan công tác ở đơn vị kinh doanh có khi lại được đánh giá cao hơn các sĩ quan ở đơn vị bình thường.

Tôi kể lại câu chuyện lúc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi đó có ý kiến nói rằng hàng năm Viettel đóng thuế cho nhà nước đến 20.000 tỷ đồng, lãnh đạo ở đó cần phải được quân hàm thiếu tướng, trung tướng (?)

Chúng tôi mới lập luận lại, nếu như DN đó đóng thuế lên tới 50.000 tỷ đồng/năm thì chúng ta có phong hàm lên đại tướng không. Nguyên tắc quân hàm là để lãnh đạo, chỉ huy chứ không phải theo cách tính toán đóng góp bao nhiêu tiền.

Nhưng rõ ràng khi quân đội tham gia làm kinh tế, họ cũng đã ít nhiều có những đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng năm, thưa ông?

Hãy thử đặt DN quân đội và DN dân sự ở cùng vạch đích với những điều kiện, yếu tố như nhau, cùng hướng tới một cái đích trên đường đua. Sau khoảng thời gian nhất định, nếu DN quân đội chạy được 100m, còn DN dân sự chỉ được 50m thì đúng là quân đội làm kinh tế giỏi hơn. Tôi đã đặt câu hỏi này ra nhưng không thấy ai trả lời.

- Tất nhiên, việc quân đội làm kinh tế cũng có đóng góp cho ngân sách. Tuy nhiên nói về mức độ thì chúng tôi thấy việc đóng góp đó chưa nhiều. Tôi nhớ có lần có luồng ý kiến cho rằng quân đội làm kinh tế hiệu quả, khi đó tôi tranh luận lại: Nếu hiệu quả như vậy tại sao chúng ta không chuyển hết các DN nhà nước để quân đội quản lý?

Đúng là quân đội làm kinh tế cũng có những đóng góp nhất định cho ngân sách. Nhưng vấn đề là sự công khai, minh bạch tất cả những nguồn lực đã được sử dụng để cho các DN quân đội hoạt động chưa được thể hiện rõ ràng. Liệu như vậy có sự sòng phẳng với DN dân sự không?

Hãy thử đặt DN quân đội và DN dân sự ở cùng vạch xuất phát với những điều kiện, yếu tố như nhau, cùng hướng tới một cái đích trên đường đua. Sau khoảng thời gian nhất định, nếu DN quân đội chạy được 100m, còn DN dân sự chỉ được 50m thì đúng là quân đội làm kinh tế giỏi hơn. Tôi đã đặt câu hỏi này ra nhưng không thấy ai trả lời.

Nếu quân đội không làm kinh tế nữa theo như phát biểu của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, điều này liệu có góp phần làm tinh gọn bộ máy lực lượng quân đội?

- Khi quân đội không còn làm kinh tế nữa, các vấn đề sẽ rất lành mạnh, minh bạch, không có sự so bì giữa lực lượng làm kinh tế và lực lượng làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

Thứ hai, điều này cũng sẽ góp phần quan trọng làm giảm áp lực về quân số. Bởi trong các DN quân đội có bộ phận sĩ quan (hay gọi sĩ quan có số), có bộ phận quân nhân chuyên nghiệp, có bộ phận là viên chức và công nhân quốc phòng. Tất cả đều được tính vào biên chế, làm cho biên chế tăng lên vì thế khó lòng cải thiện được chế độ tiền lương, trợ cấp cho đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ của các đơn vị thường trực sẵn sàng chiến đấu.

Khi giảm số lượng kể trên, những đơn vị liên quan đến hoạt động kinh tế sẽ ra ngoài thị trường hoạt động sản xuất, kinh doanh như các DN dân sự. Như vậy rõ ràng quân đội sẽ giảm được lượng biên chế khá lớn. Từ đó lực lượng quân đội tập trung lấy đủ quân số cần thiết theo kế hoạch.

img

Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Bộ Quốc phòng đã có chủ trương quân đội không làm kinh tế nữa. (Ảnh: VNE)

Trong cuộc gặp với Thủ tướng tại TP.HCM vừa rồi, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thượng tướng Lê Chiêm cho biết sẽ thanh tra toàn bộ đất quốc phòng ở TP.HCM. Tuy nhiên thời gian qua nhiều nơi cũng nảy sinh nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến đất quốc phòng. Theo ông có cần phải kiểm tra, thanh tra trên phạm vi toàn quốc không?

- Tôi cho rằng, cùng với chủ trương quân đội thôi làm kinh tế thì cũng cần phải kiểm tra, rà soát lại toàn bộ việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng, thực hiện càng nhanh càng tốt.

Thực ra đất quốc phòng luôn là vấn đề nhạy cảm không phải bây giờ mà trước đây cũng vậy. Từ Quốc hội khóa IX, khi đó làm thư ký cho lãnh đạo Quốc hội tôi đã thấy có nhiều vấn đề trong việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Chẳng hạn, việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ chỗ này sang chỗ kia, cán bộ cấp trung đoàn trở lên cũng có quyền ký cấp đất… Những việc làm đó không tuân theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến đất quốc phòng thời gian qua xảy ra những chuyện này, chuyện khác khiến dư luận rất quan tâm. Nhân dịp này, theo tôi cần kiểm tra, thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng trên phạm vi cả nước để có cơ sở chấn chỉnh lại, làm sao sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực (đất đai) vốn có hạn.

Xin cảm ơn ông (!)

"Tôi kể lại câu chuyện lúc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi đó có ý kiến nói rằng hàng năm Viettel đóng thuế cho nhà nước đến 20.000 tỷ đồng, lãnh đạo ở đó cần phải được quân hàm thiếu tướng, trung tướng (?)

Chúng tôi mới lập luận lại, nếu như DN đó đóng thuế lên tới 50.000 tỷ đồng/năm thì chúng ta có phong hàm lên đại tướng không. Nguyên tắc quân hàm là để lãnh đạo, chỉ huy chứ không phải theo cách tính toán đóng góp bao nhiêu tiền", ông Lê Việt Trường.