1. Có một sự thật rằng, dù những nhà tổ chức bóng đá đang nỗ lực theo nhiều cách để ngăn chặn bạo lực sân cỏ thì căn bệnh trầm kha này vẫn tồn tại song hành cùng bóng đá Việt Nam. Cứ 1-2 vòng đấu, lại có một tình huống vào bóng khiến cho dư luận phải nổi sóng. Mùa giải năm nay có thể kể ra những tình huống của Samson, Chí Công và mới đây nhất là Ngọc Đức.
Phải thừa nhận, Ngọc Đức không phải cầu thủ hiền lành. Trong quá khứ, những tình huống vào bóng theo kiểu “một mất, một còn” không phải điều hiếm thấy ở anh chàng hậu vệ gốc Nghệ An. Tuy nhiên, đó chỉ là góc độ cá nhân, điều người viết muốn nói ở đây chính là góc độ từ những người quản lý trực tiếp Ngọc Đức, tức là BHL và lãnh đạo CLB Hà Nội.
Cũng ở mùa giải này, đồng đội của Ngọc Đức là Samson từng gây ra 2 vụ việc “dậy sóng” khi đạp thẳng vào đùi Châu Ngọc Quang và đánh nguội với cầu thủ đội bạn tại AFC Cup. Với trách nhiệm của mình, lãnh đạo CLB Hà Nội tất nhiên phải tìm cách bảo vệ cầu thủ của mình. Và như tất cả đã thấy, thực tế không rõ tại sao và như thế nào, những án phạt mà VFF dành cho các cầu thủ này luôn nhẹ hơn "mức" mà họ xứng đáng phải nhận?
2. Nhưng liệu họ có đang liều lĩnh đánh đổi?
Câu trả lời có lẽ là có. Hà Nội FC có được thêm sức mạnh bằng những cách này hay cách khác từ việc bảo vệ những cầu thủ con cưng của mình, nhưng họ đang gián tiếp làm cho những cầu thủ này ngày một trở nên… liều lĩnh hơn.
Sau pha phạm lỗi “rợn gáy” của Ngọc Đức, Văn Quyết, một tuyển thủ QG lâu năm, thay vì hỏi han cầu thủ đội bạn thì lại tìm mọi cách để ngăn cản trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh rút thẻ đối với đồng đội. Không có bất kỳ một lý lẽ nào có thể bào chữa được cho cú vào bóng tệ hại ấy. Nhưng tại sao cầu thủ Hà Nội vẫn vây quanh trọng tài để thanh minh hoặc cản trở ông vua sân cỏ thi hành nhiệm vụ?
Đó có phải là hệ quả từ sự dung túng bấy lâu nay ở cấp lãnh đạo đội bóng? Khi người ta sai mà vẫn không thể cảm nhận được cái sai và cứ thế bước tiếp vào vòng xoáy ấy, thì đấy thực sự là một điều kinh khủng.
3. CLB Hà Nội đang trên đường tìm kiếm khán giả, nhưng thay vì có những biện pháp răn đe và xử lý hậu quả mang hướng tích cực, đội bóng Thủ đô chọn việc họ sẽ lấy thành tích sân cỏ để che mờ đi những vết xước sân cỏ. Có thể Hà Nội vẫn rất mạnh, rất đáng gờm, nhưng con đường đi vào trái tim người hâm mộ đang ngày càng xa dần với thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm.
Tuy nhiên, V.League không chỉ có những gam màu xám. HAGL vẫn đi tiên phong mang tôn chỉ bóng đá đẹp đến với V.League. FLC Thanh Hóa sẵn sàng mạnh tay trừng phạt Pape Omar Faye để làm gương cho toàn đội vì những hành vi thiếu chừng mực. Hy vọng rằng, khi cách nhìn về bạo lực thay đổi, V.League sẽ dần thay da đổi thịt từ chính sự đổi khác trong tư duy của những người làm bóng đá.