Mùi tàu có thể dùng để chữa chứng đái dầm ở trẻ.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết ngoài tác dụng là vị rau thơm, 3 loại mùi tàu, húng chanh và sả còn có tác dụng một số bệnh thông thường.
Mùi tàu trị viêm kết mạc
Mùi tàu còn gọi là ngò rí, có vị cay, mùi thơm, tính ấm. Công dụng của loại rau này là sơ tán phong tà, thanh nhiệt giải độc, kích thích tiêu hóa, chỉ thống, được dùng để chữa cảm cúm, hôi miệng, mụn nhọt, đau mắt đỏ, chán ăn.
Trong mùi tàu có tinh dầu, đặc biệt là alchol fechylic có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, giảm đau.
Để hỗ trợ trị liệu viêm kết mạc có thể dùng một trong 3 cách:
- Rau mùi tàu lượng vừa đủ, rửa sạch, ngâm nước muối loãng, ăn sống hàng ngày.
- Mùi tàu rửa sạch, nấu nước để xông và rửa mắt
- Lá mùi tàu 30 g, sắc uống hàng ngày, có thể phối hợp với hòa hòe 15 g, cúc hoa 15 g, mạn kinh tử 12 g, lá dâu 12 g.
Ngoài ra, để chữa chứng đái dầm trẻ em có thể lấy mùi tàu, rau ngổ, cỏ mần trầu, mỗi thứ 20 g, cùng với 10 g cỏ sữa lá nhỏ, thái nhỏ, phơi khô. Tất cả cho vào nồi đổ 500 ml nước sắc còn 150 ml, uống sau bữa ăn tối. Liệu trình khoảng 5-10 ngày, có thể dùng 2-3 liệu trình.
Cây sả giúp giải cảm
Sả là một trong những gia vị quen thuộc của người Việt, vị cay, tính ấm, có công dụng làm ra mồ hôi, thông tiểu, hạ khí tiêu đờm. Nghiên cứu hiện đại cho thấy sả có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus, giảm đau, hạ sốt, chống viêm.
Khi bị cảm có thể dùng một trong các cách:
- Lá sả, kinh giới, tía tô, trắc bá diệp, bạc hà, lá chanh, lá tre, lá ổi… mỗi thứ một nắm (mỗi nồi chừng 5 loại lá) nấu nước để xông giải cảm.
- Bột giải cảm: Sả khô bỏ rễ 40 g, hoắc hương khô 40 g, bạc hà khô 40 g, vỏ quýt lâu năm 20 g, củ gấu (đã chế biến) 20 g, cam thảo 20 g. Tất cả sấy khô, tán bột đóng gói 20 g. Người lớn ngày 2 gói chia 4 lần. Trẻ em liều 1/2. Uống với nước nóng, nằm cho ra mồ hôi. Nếu nôn, bệnh nhân cho thêm 3 nhánh gừng tươi hãm lấy nước uống cùng.
- Củ sả 40 g, gừng tươi 40 g, hai thứ rửa sạch, giã nát, nấu với 650 ml nước, đun khoảng 10 phút, bỏ bã, thêm đường vào cô lại thành cao, ngậm nuốt dần trong ngày.
Húng chanh chữa vết thương do côn trùng đốt
Công dụng này của húng chanh là nhờ ở tinh dầu mà đặc trưng là carvacrol. Theo dược học cổ truyền, húng chanh vị cay chua, tính ấm, có công dụng giải cảm, phát hãn, tiêu độc, thoái nhiệt.
Khi bị đốt bởi các loại côn trùng như kiến, ong, bọ chó, bọ mèo, muỗi, sâu róm có thể dùng:
- Húng chanh tươi rửa sạch, giã nát rồi đắp vào vết thương.
- Lấy 20 g lá húng chanh tươi, rửa sạch, nhai trong miệng với vài hạt muối, nuốt nước còn bã đắp vào nơi bị côn trùng đốt.
- Dùng tinh dầu húng chanh bôi tổn thương vài lần.
Chú ý với những trường hợp có phản ứng toàn thân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được khám và cứu chữa khẩn cấp.