Ngày 28.6.2017, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giám sát kỹ thuật và đóng phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ (được Bộ GTVT ban hành tại Thông tư 36 ngày 24.11.2016) chính thức có hiệu lực, trong đó đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho phương tiện thủy cỡ nhỏ.
Một phương tiện thủy cỡ nhỏ đóng theo kinh nghiệm dân gian ở phía Nam.
Phương tiện cỡ nhỏ gồm: phương tiện có chiều dài dưới 20m, máy chính có công suất 5 đến dưới 50CV, có động cơ sức chở 5-12 người; phương tiện dân gian (có động cơ hoặc không, đóng theo kinh nghiệm cổ truyền từ nhiều thế hệ của nhân dân; chở hàng có trọng tải toàn phần đến 100 tấn, có tổng công suất máy chính dưới 50 sức ngựa (máy lắp trong) hoặc dưới 100 sức ngựa (máy lắp ngoài); không có boong, sức chở từ 5 người đến dưới 50 người...).
Bên cạnh các vật liệu hiện đại như hợp kim nhôm, thép, chất dẻo cốt sợi thủy tinh để làm thân phương tiện, quy chuẩn cho phép sử dụng các loại vật liệu truyền thống dân gian như gỗ, nan tre, xi măng lưới thép để đóng phương tiện thủy cỡ nhỏ.
Tuy nhiên, để được chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật, phải tuân thủ theo các yêu cầu kỹ thuật theo quy chuẩn.
Chẳng hạn, vật liệu dùng để chế tạo phương tiện thân nan tre phải là loại tre già bỏ ruột, được xử lý để tránh sâu mọt phá hủy và được làm thành dạng nan, dày từ 1 mm đến 3 mm, bản rộng từ 10 mm đến 30 mm. Phên được đan từ nan tre, thành tấm liền, khít theo hình dáng thân phương tiện, kỹ thuật đan phải theo kinh nghiệm của từng địa phương. Đối với thân phương tiện xi măng nan tre có kết cấu như phương tiện nan tre, nhưng được đặt thêm thép Ø6 theo chiều ngang và dọc để gia cường. Khoảng cách các thanh thép gia cường lấy bằng 100 mm x 100 mm hoặc 150 mm x 150 mm.
Cơ quan đăng kiểm thực hiện giám sát kỹ thuật phương tiện thuỷ nội địa cỡ nhỏ theo quy chuẩn trên gồm: Cục Đăng kiểm VN, các chi cục, chi nhánh đăng kiểm thuộc Cục Đăng kiểm VN, các đơn vị đăng kiểm thuộc Sở GTVT.