Tại Trung Quốc, mỗi ngày có tới hàng nghìn cô gái trẻ, gương mặt ưa nhìn, ngồi cả ngày trước màn hình máy tính và livestream (phát video trực tiếp). Các vấn đề họ đề cập tới trong những video này thường chỉ là cách trang điểm, hát hò hoặc thậm chí ăn một món nào đó. Tuy nhiên, việc này có thể mang đến cho họ một khoản thu không nhỏ.
Việc quay và phát video trực tuyến đã xuất hiện ở Trung Quốc từ khoảng 3 năm trước nhưng phải đến năm 2016, khi doanh thu của nó đạt hơn 4,3 tỷ USD và ước tính sẽ tăng gấp 3 vào năm 2020, các nam thanh nữ tú mới đổ xô vào với ước mơ nhanh chóng trở thành ngôi sao trên mạng.
Cuộc sống của các “ngôi sao” livestream đã thay đổi nhanh chóng, hình ảnh của họ ngày càng trở nên trau chuốt và chuyên nghiệp hơn. Hiện nay, nhiều công ty lớn còn thuê riêng một đội ngũ hotgirl chuyên xuất hiện trước ống kính máy quay và diễn theo một kịch bản có sẵn.
Sự tăng trưởng chóng mặt của ngành công nghiệp livestream đã thu hút không ít “ông lớn” đầu tư rót vốn, điển hình là Tencent Holdings, Alibaba Group Holding và Baidu Inc. Nhiều công ty còn sẵn sàng đầu tư chi phí phẫu thuật thẩm mỹ, thiết kế phòng thu chuyên nghiệp, đủ “đất diễn” cho các nam thanh, nữ tú, kể cả việc nhảy múa, ca hát, trò chuyện, tán gẫu với người dùng hay đơn giản chỉ là ăn 1 bát súp.
Jing Qui, một “ngôi sao” livestream chia sẻ: “Tôi muốn nhiều người theo dõi và trả xu ảo Huajiao cho tôi. Và cuối cùng, tôi sẽ cưới được một người đàn ông giàu có, cao ráo và đẹp trai”.
Những người giỏi nhất trong ngành công nghiệp này có thể kiếm được hàng trăm ngàn USD mỗi tháng. Tuy nhiên, thường thì thu nhập sẽ bị chia nhỏ cho nhiều bên như trang web mở dịch vụ livestream, công ty quản lý và cả nhân vật chính.
Trong những buổi livestream này, người xem sẽ cố thể hiện sự giàu có của mình bằng cách tặng tiền cho nhân vật chính, bù lại, các cô gái sẽ cố gắng phô diễn hết vẻ đáng yêu của mình để nhận được nhiều quà.
Sự phát triển chóng mặt của ngành công nghiệp livestream cũng khiến nó nhanh chóng xuất hiện nhiều biến tướng. Chính phủ Trung Quốc đã phải nhiều lần chấn chỉnh nội dung đăng tải của các trang mạng chuyên phát video trực tuyến. Vào tháng 7 năm 2016, Trung Quốc đã cho đóng cửa hơn 4.000 phòng phát video trực tuyến và phạt hơn 18.000 người thực hiện livestream vì có dính líu tới nội dung nhạy cảm hoặc kích động tội phạm.
Nhiều diễn đàn trực tuyến đã bị xử phạt, đóng cửa nhưng không vì thế mà ngành công nghiệp này có dấu hiệu đi xuống.