Dân Việt

"Ghế nóng" Sacombank: Ông Dương Công Minh hay Đặng Văn Thành?

Trần Giang 27/06/2017 11:23 GMT+7
Sau thông điệp của ông Đặng Văn Thành về việc đã đến thời điểm quay lại Sacombank, giới đầu tư đang rất quan tâm “ghế nóng” của Sacombank sẽ khắc tên ông Dương Công Minh hay Đặng Văn Thành, cựu chủ tịch, người sáng lập ra ngân hàng này?

Theo nguồn tin của Dân Việt, danh sách thành viên  HĐQT của Sacombank gửi trình cơ quan quản lý có tên ông Dương Công Minh, nhưng không có tên ông Đặng Văn Thành, cựu chủ tịch Sacombank. Hiện Sacombank đang chờ cơ quan quản lý chấp thuận danh sách thành viên ứng cử HĐQT để trình đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2015, 2016 diễn ra vào ngày 30.6 tới.

Sau diễn biến ông Nguyễn Đức Hưởng xin rút khỏi ứng viên HĐQT Sacombank quay về làm chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, còn ông Dương Công Minh xin rút khỏi ghế chủ tịch HĐQT LienVietPostBank và được cho là sẽ ngồi ghế nóng Sacombank, thông tin về khả năng quay lại của cựu chủ tịch Sacombank, ông Đặng Văn Thành lại dấy lên.

Tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây, ông Đặng Văn Thành nhấn mạnh ý định trở lại Sacombank và không hề dấu diếm ý định đó. Theo ông Thành, việc tái cấu trúc Sacombank hiện nay là hệ quả của việc M&A không chuyên nghiệp 5 năm về trước.

"Tôi đã rời khỏi Sacombank cũng được 5 năm, đến nay ngân hàng này cũng cần phải tái cấu trúc lại. Trên cương vị là người khai sinh ra nó, tôi cảm thấy hết sức nhức nhối và cho rằng mình cần phải quan tâm đến tổ chức này hơn”, ông Thành chia sẻ.

Câu chuyện ông Đặng Văn Thành có thực sự trở lại Sacombank và trở lại theo hình thức nào lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

img

Theo nguồn tin của Dân Việt, ông Đặng Văn Thành không có tên trong danh sách ứng viên HĐQT Sacombank. Một nhân sự được cho là cánh tay nối dài của ông Thành tại Sacombank hiện vẫn còn là ẩn số. Còn ông Dương Công Minh thì có tên trong danh sách ứng viên HĐQT đang được Sacombank trình lên cơ quan quản lý.

Một diễn biến có liên quan, đó là Công ty cổ phần Him Lam không còn là cổ đông lớn của LienVietPostBank từ ngày 23.6. Đây là công ty mà ông Dương Công Minh nắm 99% cổ phần. Theo đó, Him Lam đã thoái thành công toàn bộ 96,77 triệu cổ phiếu LVP, tương đương 14,98%.

Động thái này được cho là bước đi trước của ông Dương Công Minh nhằm tránh tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, mà cụ thể là LienVietPostBank và Sacombank, nếu ông ngồi vào ghế nóng Sacombank.

Ông Minh và ông Thành đều là những doanh nhân có kinh nghiệm làm trong trong cả 2 lĩnh vực ngân hàng và bất động sản. Tuy nhiên, ông Minh hiện đang là ứng cử viên số 1 cho chiếc ghế nóng tại Sacombank.

Giới đầu tư đang đặt kỳ vọng lớn vào Sacombank sau khi ông Dương Công Minh xuất hiện cùng với sự hỗ trợ hợp tác của cựu chủ tịch Sacombank, ông Đặng Văn Thành.

Một nguồn tin cho biết, LienVietPostBank có kế hoạch phê duyệt khoản tiền khoảng 500 tỷ đồng mua trái phiếu của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) với lãi suất khá thấp.

Đây được coi là bước hợp tác có quy mô lớn đầu tiên giữa 2 ông trùm trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng: gia đình ông Đặng Văn Thành và Dương Công Minh. Sacomrea là doanh nghiệp nơi mà ông Đặng Hồng Anh (con trai ông Đặng Văn Thành) và Tập đoàn Thành Thành Công đang nắm tỷ lệ sở hữu chi phối.

Tuy nhiên, câu chuyện nhân sự ngồi ghế nóng Sacombank luôn có những tình tiết đầy bất ngờ. Được biết, trong danh sách ứng viên HĐQT được Sacombank trình lên cơ quan quản lý còn có đại diện đến từ Vietcombank. Nếu danh sách này được Ngân hàng Nhà nước thông qua và Sacombank trình tại ĐHĐCĐ ngày 30.6 tới, cổ đông có quyền lựa chọn giữa ông Dương Công Minh hoặc đại diện đến từ Vietcombank.

Được biết, danh sách ứng viên HĐQT Sacombank sẽ công bố vào ngày mai và ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, 2016 vẫn diễn ra vào ngày 30.6 theo kế hoạch.

Câu chuyện về chiếc “ghế nóng” tại Sacombank sắp hạ màn và khối nợ xấu cũng đã có hướng giải quyết khi Nghị quyết xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng vừa được kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV thông qua.

Mới đây, Sacombank vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên với kết quả kinh doanh trọng yếu của ngân hàng giai đoạn 2011 -2015 đều đạt tốc độ tăng trưởng khá và cao hơn ngành (không bao gồm yếu tố sáp nhập). Cụ thể, Tổng tài sản tăng bình quân 12,4%/năm; Tổng huy động tăng bình quân 15,6%/năm; Tổng tín dụng tăng bình quân 16,7%/năm, trong đó, cho vay khách hàng tăng bình quân 15,6%/năm. Lợi nhuận trước thuế tăng bình quân 8%/năm; Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất và riêng của Ngân hàng thời điểm 31/12/2016 lần lượt là 6,81% và 6,68%.

Trong nhiệm kỳ 2011-2015 của HĐQT, vốn điều lệ Sacombank tăng từ 10.740 tỷ đồng lên 18.852 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 75,53%; tổng số lượng điểm giao dịch hiện nay của Sacombank là 563 điểm.

Sacombank cũng trình ĐHĐCĐ kế hoạch năm 2017 với tổng tài sản đạt 384.600 tỷ đồng, tăng 16% so năm 2016; Tổng nguồn vốn huy động đạt 356.100 tỷ đồng, tăng 17%; Tổng dư nợ tín dụng đạt 277.000 tỷ đồng, tăng 19%, trong đó, cho vay khách hàng đạt 235.500 tỷ đồng, tăng 18%; Lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỷ đồng.