Hơn 10 năm làm công nhân, anh Trần Tuấn Kiệt và chị Bùi Thị Thanh Kiều (KCN Tân Tạo, TP.HCM) cũng đã chắt bóp mua được một căn nhà ở xã hội để yên ổn chốn an cư. Anh Kiệt kể anh làm thợ bảo trì, vợ làm công nhân giày da, mỗi tháng thu nhập hai vợ chồng cộng lại cũng chỉ vừa đủ chi tiêu gia đình, đóng tiền học cho con và trả góp mua nhà, không có dư.
“Để có thêm thu nhập, sau giờ làm tôi tranh thủ xách xe chạy grab. Mà cũng hên xui lắm, bữa nào thuận lợi thì kiếm được khoảng 100 ngàn đồng phụ thêm tiền chợ”, anh Kiệt cười hiền.
Đồng lương công nhân vốn eo hẹp, nên những cặp vợ chồng công nhân như anh Kiệt chị Kiều tranh thủ làm thêm được giờ nào mừng giờ đó. Tăng ca tuy có thêm đồng ra đồng vào nhưng rất áp lực về thời gian. Biết vậy, cả hai vợ chồng không bảo nhau mà tự hiểu cần phải làm gì để không bê trễ chuyện nhà cửa, nuôi dạy con cái. Sau giờ tan ca, hai vợ chồng ai về trước thì đón con, người về sau đi chợ, nấu cơm. Về tới nhà, trong khi chị tắm cho con, anh tranh thủ lau nhà, dọn dẹp. Sau bữa tối, cả hai thay phiên nhau dạy con học chữ, tô màu. “Chừng ấy việc thôi nhưng nếu không đỡ cho nhau thì sẽ đuối lắm. Mình đàn ông sức dài vai rộng, giúp vợ con được cái gì hay cái đó, miễn cả nhà khỏe mạnh, việc làm ổn định, con cái ngoan ngoãn là hạnh phúc rồi”, anh Kiệt tâm sự.
Khi chị Kiều cho con ăn thì anh Kiệt lo dọn nhà. Sau bữa tối hai vợ chồng cùng dạy con học chữ. Ảnh: A. NHIÊN
Gia cảnh vợ chồng anh Trần Hữu Cương và chị Nguyễn Thị Phương (đều quê Quảng Bình, công nhân giày da tại quận Thủ Đức, TP.HCM) có phần bi đát hơn khi đứa con 6 tháng tuổi của vợ chồng anh chị vừa bị bệnh tim bẩm sinh, vừa suy dinh dưỡng nặng. Con đau bệnh, cả hai vợ chồng đều phải xin nghỉ việc không lương nhiều tháng để vào viện chăm con.
Muốn chữa bệnh cho con nhưng lại không có tiền để dành, cực chẳng đã chị Phương đành phải vay nóng 60 triệu đồng ứng viện phí mổ tim cho con. May mắn nhờ có nhà hảo tâm hỗ trợ gần 40 triệu đồng, vợ chồng chị vơi bớt được gánh lo nợ nần.
Ngân ngấn nước mắt, chị Phương kể nhiều đêm vợ chồng trắng đêm trông con, bảo nhau dù con cái bệnh tình ngặt nghèo cũng không tiếng nhỏ tiếng to để còn động lực vượt khó. “Mình tôi không kham nổi mọi việc, bởi vậy ông xã luôn ở bên để lo chạy giấy tờ, thuốc men, đi nhận cơm từ các nhà hảo tâm để vợ chồng cùng ăn, cầm cự chờ con mạnh khỏe”, chị Phương giãi bày.
Cũng vì hoàn cảnh còn khó khăn, vợ chồng anh Lê Hoàng Lâm (31 tuổi, quê Bến Tre), công nhân công ty TNHH Sản xuất bao bì Nam Việt (quận Bình Tân, TP.HCM) lại phải sống xa con.
Cưới nhau năm 2005, hiện anh chị đã có con gái học lớp 6 nhưng phải gửi ở quê để ông bà chăm sóc. “Ở thành phố, vợ chồng tối ngày tất bật kiếm chống nên gửi con về quê nhờ ông bà nội nuôi dạy. Mỗi tháng, thu nhập của hai vợ chồng chỉ khoảng 10 triệu, chi tiêu tặn tiện còn lại gửi hết về nuôi con. Dịp nào được nghỉ dài ngày vợ chồng lại chở nhau về thăm nhà, hỏi han chuyện học hành của con”, anh Lâm trần tình.
Tuy cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng anh Lâm chia sẻ nhiều năm chung sống, vợ chồng anh chưa một lời nặng nhẹ mà luôn yêu thương, đùm bọc nhau. Cùng nhau cố gắng vượt qua khó khăn.
“Con ở quê cũng đã lớn, phần nào hiểu được nỗi cực khổ của ba mẹ nên cũng ngoan, nỗ lực học hành, nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Ngoài giờ học cháu còn giúp đỡ ông bà việc nhà”, vợ anh Lâm góp chuyện.
Theo anh Lâm, bí quyết để gia đình luôn hòa thuận, “trong ấm ngoài êm” không có gì khó, chỉ cần hai vợ chồng cùng cảm thông, tôn trọng nhau cũng đã đủ nền móng vững chắc rồi. “Thương nhau không phải đợi tới lúc có tiền, có nhà cao cửa rộng mới thương. Càng trong hoàn cảnh khó khăn càng phải chung tay vun vén, thấu hiểu, đó cũng là niềm hạnh phúc mà vợ chồng tôi đang có”, anh nói.