Chiếc tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của ông Nguyễn Duy Muộn, có giá gần 18 tỷ đồng. Ảnh: Hồng Đức
Chiếc tàu đánh cá vỏ sắt được đóng theo Nghị định 67 của gia đình ông Nguyễn Duy Muộn, có giá gần 18 tỉ đồng. Thế nhưng, khi nhận tàu, rời bến ra khơi chuyến đầu tiên, ông Muộn đã phải quay vào bờ để sửa chữa. Những lần sau đó, không chuyến đi biển nào được bình yên, do máy phụ của tàu bị hỏng, cháy bóng điện… khiến ông kêu trời vì thiệt hại hàng trăm triệu đồng tiền dầu.
9 lần ra khơi, 9 lần tàu gặp sự cố, ngư dân làm đơn kêu cứu
Ông Nguyễn Duy Muộn (SN 1953), ở thôn Tiến Lợi, xã Quảng Cư (Tp. Sầm Sơn, Thanh Hóa), là chủ tàu cá 01 Muộn Chương, số đăng ký: TH 93968 TS, đã phải làm đơn gửi các cơ quan chức năng về việc: Tàu của ông liên tục bị hư hỏng do liên quan đến máy móc và kỹ thuật.
Trong đơn, ông Muộn nêu: “Chiếc tàu của gia đình tôi vừa mới hoàn thiện và đi vào sử dụng chưa được bao lâu, thì bị hư hỏng. Các thiết bị đánh bắt không đảm bảo, làm ảnh hưởng đến công tác khai thác và đánh bắt thủy hải sản. Cụ thể; hai máy phát điện liên tục bị hỏng, toàn bộ hệ thống điện, bóng đèn bị trục trặc không sử dụng được do lỗi kỹ thuật lắp ráp; hệ thống ba-láp không đảm bảo, dẫn đến hư hỏng; hệ thống lái bị trục trặc khó điều khiển gây ra cho tàu gặp không ít khó khăn, nguy hiển trong quá trình khai thác, đánh bắt trên biển; hệ thống tời cũng bị hỏng dẫn đến mất mành và lưới đánh bắt cá…Gia đình tôi đã cố gắng khắc phục, nhưng vì phần máy phát điện, hệ thống dây điện, ba – láp, bóng đèn thì gia đình tôi không đủ điều kiện để khắc phục. Trong khi đó, đơn vị chịu trách nhiệm bảo hành không làm cho gia đình tôi, mặc dù đang trong thời kỳ bảo hành…”.
Trao đổi với NTNN/Dân Việt, ông Muộn cho biết: Tháng 2.2015, gia đình ông được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện đóng tàu cá mới theo NĐ 67/2014/NĐ-CP. Sau khi thiết kế, ông đã ký hợp đồng 10/2015/HĐKT (V/v đóng mới một tàu cá lưới chụp mực vỏ thép) với Công ty CP Đại Dương (tại xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) do ông Đỗ Quang Dương làm giám đốc, với mức đầu tư gần 18 tỷ đồng.
Sau 1 năm thi công, tháng 8.2016, con tàu mới được hoàn thiện với đầy đủ với các trang thiết bị nghề cá hiện đại. “Tháng 10.2016, con tàu được hạ thủy và tiến hành ra khơi. Thế nhưng, từ khi hạ thủy đến nay, 9 lần vươn khơi thì cả 9 lần gặp sự cố. Mỗi chuyến ra khơi như thế, chỉ tính riêng tiền nhiên liệu, tôi đã lỗ mất hàng trăm triệu đồng, chưa nói đến tiền lương của anh em nữa.”- ông Muộn cho hay.
Máy phát điện trên tàu của ông Muộn thường xuyên bị hỏng. Ảnh: Hồng Đức
Nguy cơ mất nhà, đất vì lâm nợ
Theo ông Muộn, có được chiếc tàu 67 vỏ thép hiện đại như vậy, gia đình ông phải cầm cố nhà, đất ở để vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, từ khi nhận tàu về, hạ thủy ra khơi, tất thảy đã có 9 lần tàu bị trục trặc phải quay vào bờ để sửa chữa, khiến ông chịu lỗ tiền nhiên liệu mỗi chuyến hàng trăm triệu đồng. “Giờ đây, gia đình tôi đã cầm cố hết nhà cửa, đất đai để vay ngân hàng trả lãi và gốc cho tàu. Tôi đã phải vay mượn anh em, bạn bè hơn 1 tỷ để sửa chữa, khắc phục sự cố cũng như đầu tư thêm một số trang bị thêm một số thiết bị cho tàu rồi, nhưng cũng chưa ổn”- ông Muộn nói.
Được biết, chiếc tàu vỏ thép của gia đình ông Muộn hiện có 10 người, mỗi tháng chi khoảng 90 triệu đồng tiền lương. Chưa kể đến việc, mỗi quý gia đình ông Muộn phải trả góp cho ngân hàng số tiền 300 triệu đồng (vay theo NĐ 67)… nên khó khăn chồng chất khó khăn. “Thực tế, hiện tại gia đình tôi rất khó khăn, trong khi đó, vấn đề bảo hiểm tàu cũng đã làm từ lâu, mà chưa được chi trả. Nhờ chính sách của Nhà nước, chúng tôi mới được vay số tiền lớn như vậy để đóng tàu làm ăn. Bây giờ, tàu hư hỏng thường xuyên nên phải nằm bờ để sửa chữa, không khai thác được thì lấy tiền đâu mà trả cho ngân hàng? Cứ cái đà này, gia đình tôi sẽ không còn có nhà, đất để dung thân nữa.” - ông Muộn bức xúc.
Dẫn chúng tôi xuống tàu, chỉ vào đống máy móc ngổn ngay vừa được tháo rời để sửa chữa, ông Muộn, nói: “Đây là lần thứ 2 máy phát điện bị cháy, lần đầu sữa chữa đi được 15 ngày sau đó lại tiếp tục hư hỏng, hiện 2 máy không hoạt động được. Hệ thống dây điện cho dàn bóng đèn (300 chiếc) không đúng chủng loại; hệ thống ba –láp (chấn lưu điện tử) liên tục bị cháy, bộ đàm của tàu cũng không thể sử dụng được, tôi phải thay mới….”.
Sau đó, ông Muộn cung cấp cho chúng tôi "Bản báo cáo về tình trạng kỹ thuật tàu cá vỏ thép khai thác thủy sản thuộc NĐ 67/2014/NĐ-CP” ngày 16.6.2017. Trong báo cáo, ghi rõ: Sơn chất lượng không tốt nên đã phải sơn lại; máy phụ (gồm 2 máy) là máy cũ hãng Mitsuhishi có công suất 350KVA/máy, hoạt động không đảm bảo đã hư hỏng 2 lần; hệ thống lái thủy lực không đảm bảo (mối hàn không đảm bảo, hư mối hàn) dẫn đến hư chân vịt và phải lên đà sửa chữa; hệ thống neo: không đảm bảo.
Thép làm neo không đúng thiết kế dẫn đến gãy 2 neo; hệ thống dàn đèn: Bóng kém chất lượng, nhanh hỏng, đã cháy hơn 100 quả; dây điện, không đúng như mẫu thiết kế; chấn lưu và tụ điện kém chất lượng dẫn đến cháy và hư hỏng; hệ thống tời thủy lực: Sản xuất Trung Quốc, không đảm bảo, hư 04 Piston thủy lực; hệ thống sào: Kém chất lượng, thép không đúng thiết kế nên thường xuyên bị gãy.
Như vậy, chiếc tàu vỏ thép của ông Nguyễn Duy Muộn do Công ty cổ phần Đại Dương thực hiện đóng mới cho gia đình ông có nhiều chi tiết không đúng kỹ thuật, dẫn đến nhiều lần bị hư hỏng khi ra khơi.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Đức Cường – Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa, cho biết: Tại Thanh Hóa, có tất cả 23 tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67. Trong đó, chiếc tàu của gia đình ông Muộn hay bị hư hỏng nhiều chi tiết. Hai máy phụ (máy phát điện) của tàu liên tục bị hư hỏng, phải sửa chữa.
“Chúng tôi đã thông báo cho phía Công ty cổ phần Đại Dương để phối hợp với gia đình ông Muộn để khắc phục những sự cố trên chiếc tàu. Đồng thời, chúng tôi cũng đang tiến hành rà soát tất cả số tàu được đóng theo Nghị định 67 (gồm cả tầu vỏ thép và tàu vỏ gỗ) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, xem những chiếc tàu nào bị hư hỏng, có lỗi kỹ thuật, để có hướng chỉ đạo xử lý”- (Ông Nguyễn Đức Cường) |