Bác sĩ Hoàng Công Lương, cán bộ của Khoa Điều trị tích cực, đơn nguyên thận nhân tạo bị khởi tố và bắt giam
Trao đổi với phóng viện, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, sau vụ việc xảy ra, Bộ trưởng Bộ y tế đã đề nghị các cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân làm rõ vụ việc sai phạm, trên quan điểm sai đâu xử đó và thực hiện các biện pháp hạn chế rủi ro cho người bệnh.
Cũng theo ông Quang, vụ việc xảy ra ngày 29/5. Sau đó 1 ngày, cơ quan công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án. Ngày 22/6, cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố 3 bị can để điều tra làm rõ.
"Về mặt tố tụng hình sự, chuyên môn, cơ quan CSĐT đã vào cuộc tích cực, kịp thời, chứng tỏ mọi hành vi vi phạm xâm hại sức khỏe người bệnh đều được điều tra xem xét nghiêm túc", ông Quang cho hay.
Ngày 22/6, cơ quan CSĐT bắt tạm giam 3 nghi can, trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương để điều tra vì tội danh: “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo điều 242, Bộ luật Hình sự.
Sau khi bác sĩ Lương bị bắt, ông Quang cho rằng: “Cơ quan công an khi xem xét khởi tố với một người cũng rất thận trọng trên cơ sở chứng cứ và các quy định của pháp luật. Vì vậy, sau khi khởi tổ vụ án, Cơ quan CSĐT sẽ khởi tố bị can để làm rõ nguyên nhân vụ việc. Hiện tại, mọi việc đang trong quá trình điều tra nên những chứng cứ, lời khai của bị can với công an người ngoài không biết. Do đó, nhận định của mọi người đều mang tính chủ quan.
Theo ông Quang, trong 4 dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội danh này thì 3 dấu hiệu được xác định đúng. Tuy nhiên, với dấu hiệu thứ 4 là thực hiện quy trình chuyên môn đúng nhưng thủ tục hành chính chưa đúng nên cần xem xét lại.
Cụ thể, trong trường hợp này là chất lượng nước do người khác làm thì bác sĩ Lương không thể biết chất lượng nước nên cho dù có đủ thủ tục hành chính (tức là nếu có biên bản nghiệm thu) thì sự cố vẫn có thể xảy ra.
“Đây là một chuỗi hoạt động sai phạm từ đơn vị bảo dưỡng, giám sát, tiếp nhận đến sử dụng. Theo quy định, Công an tỉnh Hòa Bình bên cạnh khởi tố đã áp dụng biện pháp ngăn chặn “tạm giam” để điều tra, biện pháp áp dụng cho các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam đúng quy định của bộ luật tố tụng hình sự”, ông Quang nói.
Tuy nhiên, bác sĩ Lương là người có nhiệt huyết, năng lực chuyên môn tốt, trong khi việc phạm tội này mang tính chất vô ý, không có biểu hiện chạy trốn hay vi phạm tiếp hay cản trở cơ quan điều tra và địa chỉ gia đình rõ ràng. Vì vậy, cơ quan công an cần xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn, ví như cho bác sĩ Lương tại ngoại thay bằng tạm giam.
"Bộ Y tế cũng sẽ có văn bản đề nghị Công an tỉnh Hòa Bình thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bác sĩ Lương. Như vậy, sẽ động viên và giúp các y bác sĩ yên tâm công tác”, ông Quang cho hay.
Trước đó, như đã thông tin, trong khi chạy thận theo chu trình tại BV Đa khoa Hòa Bình, 18 bệnh nhân đã có biểu hiện sốc phản vệ. Dù đã được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng 8 bệnh nhân đã tử vong. Số bệnh nhân còn lại được chuyển xuống BV Bạch Mai cấp cứu. Hiện tại, sức khoẻ các bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện vào ngày 8/6.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã cử các chuyên gia lên Hòa Bình hỗ trợ công tác cấp cứu.
Công an tỉnh Hòa Bình cũng đã khởi tố vụ án để điều tra, xác định nguyên nhân vụ việc.
Hội đồng chuyên môn đã họp để tìm nguyên nhân xảy ra vụ tai biến khi chạy thận tại BV Đa khoa Hòa Bình.
Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã bật khóc khi chia sẻ về sự việc bác sĩ Hoàng Công Lương bị bắt giam.