Dân Việt

Sơ tán 62.000 người nếu vỡ đập Thủy điện Sông Tranh 2

17/01/2013 06:23 GMT+7
(Dân Việt) - Nếu động đất tiếp tục xảy ra với cường độ mạnh, vượt qua ngưỡng 5,5 độ richter sẽ gây sập đổ công trình, rạn nứt bờ đập, nguy cơ vỡ đập Thủy điện Sông Tranh 2 dẫn đến cần phải sơ tán 62.000 người.

Ngày 16.1, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo “Kế hoạch sơ tán nhân dân vùng động đất và hạ du Thủy điện Sông Tranh 2 khi có thảm họa xảy ra”.

Theo đại tá Lê Ngọc Thành - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam, chỉ từ ngày 3.10.2012 đến ngày 16.11.2012, trên địa bàn huyện Bắc Trà My - nơi có Thủy điện Sông Tranh 2 - đã xảy ra 25 trận dư chấn động đất, có trận động đất mạnh 4,7 độ richter làm ảnh hưởng đến 13 huyện, thành phố của tỉnh và một số huyện lân cận của tỉnh Quảng Ngãi và TP.Đà Nẵng, làm hư hỏng hơn 1.000 nhà dân, 20 công trình công cộng tại huyện Bắc Trà My.

img
Người dân huyện Bắc Trà My bỏ chạy tán loạn khi xảy ra động đất mạnh chiều 15.11.2012

Đại tá Thành dự báo, thời gian tới, động đất tiếp tục xảy ra với cường độ mạnh, vượt qua ngưỡng 5,5 độ richter sẽ gây sập đổ công trình, nhà cửa, đặc biệt làm rạn nứt bờ đập, nguy cơ vỡ đập Thủy điện Sông Tranh 2, gây ngập nước vùng hạ du, ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng, tài sản của người dân.

Theo đại tá Thanh, khi thảm họa đó xảy ra, cần phải sơ tán 62.000 người/145 thôn, khối phố của 51 xã, thị trấn của 8 huyện/thành phố (Bắc Trà My, Tiên Phước, Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn, Hiệp Đức, Điện Bàn và TP. Hội An). “Để chuẩn bị trước khi có thảm họa xảy ra, cần phải khảo sát chuẩn bị các khu vực sơ tán an toàn cho nhân dân; chủ động xây dựng kế hoạch phòng tránh, sơ tán...” - đại tá Thành đề nghị.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cũng cho rằng, nếu động đất xảy ra gây vỡ đập Thủy điện Sông Tranh 2, thảm họa sẽ càn quét đồng loạt, chứ không giống như bão, lũ xảy ra từ từ, người dân còn phòng chống. “Theo tôi, cần phải có phương tiện dự báo trước động đất để đề phòng, cảnh báo đến người dân một cách sớm nhất. Cần phải lắp đặt “còi” báo động tại các huyện, xã, thôn, xóm để khi sự cố xảy ra thì báo động cho dân biết” - lời ông Tuấn.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam nêu rõ: “Không riêng gì Thủy điện Sông Tranh 2 mà các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều cần phải có phương án sơ tán dân cụ thể, thống nhất khi xảy ra thảm họa vỡ đập. Hiện giờ tất cả các hồ thủy điện, hồ chứa trên địa bàn tỉnh chưa có cái nào có phương án, kế hoạch sơ tán dân”.

Ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh lập phương án sơ tán dân vùng bị ảnh hưởng khi có thảm họa vỡ đập Thủy điện Sông Tranh 2 do động đất xảy ra, trong đó nêu sơ tán dân đến đâu và cách sơ tán như thế nào. Ông Quang cũng cho biết, trong năm 2013, sẽ triển khai tập huấn sơ tán nhân dân vùng bị ảnh hưởng Thủy điện Sông Tranh 2 khi xảy ra thảm họa, có thể sẽ chọn huyện Bắc Trà My làm thí điểm.