Ngắc ngoải… bên bờ phá sản
Sáng 29.6, tàu vỏ thép BĐ 99567 TS của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh được đóng tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) bị rỉ sét tràn lan cập cảng Đề Gi (huyện Phù Cát) sau gần 20 ngày đánh bắt. Dù tàu đang hư hỏng nhưng anh Nguyễn Văn Khỏe (con ông Mạnh) vẫn thay cha cầm tàu vươn khơi.
Để sở hữu con tàu này, ông Mạnh phải vay ngân hàng hơn 15 tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi nhận bàn giao được một thời gian thì liên tiếp xảy ra sự cố, hư hỏng liên tục.
Con tàu vỏ thép BĐ 99567 TS bị rỉ sét nhưng ngư dân vẫn vươn khơi. Ảnh: D.T
Ông Mạnh cho hay: “Kết luận của Tổ thẩm định đã công bố rõ ràng, tàu tôi bị hư hỏng do đóng thép Trung Quốc không đạt chất lượng, dàn đèn không đảm bảo như hợp đồng… Thà họ sống có tình người, làm sai rồi thì lo sửa để ngư dân còn mưu sinh. Đằng này, họ sống không có tình người. Ngay cả khi chính quyền tỉnh mời dự 2 cuộc họp, công ty cũng không tham dự để ngư dân đợi dài cổ”.
Ngư dân Khỏe cho biết: “Chuyến biển này, chúng tôi đi chưa tới 10 tấn mực, bán cho thương lái với số tiền gần 200 triệu đồng. Nếu tính tổn và trả nợ bạn thuyền thì chắc không lời bao nhiêu. Tàu đang hư hỏng nên chỉ dám đi ở vùng biển cách bờ 20 hải lý, chứ không dám đi xa. Nói thật đi trên con tàu này không an toàn bằng tàu gỗ”.
Tàu BĐ 99567 TS cùng 10 thuyền viên ra khơi để kiếm tiền trả nợ ngân hàng. Ảnh: D.T
Lý giải nỗi sợ hãi trên, anh Khỏe cho hay, nhiều mối hàn trên tàu bị hở, xì nước biển vào trong tàu, ngư dân phải thay phiên nhau khắc phục rất nguy hiểm.
“Chúng tôi liều mạng ra khơi vì nếu ở bờ thì càng chết, phá sản như chơi. Công ty đóng tàu khắc phục quá lâu, cứ mãi nằm bờ thì chết đói mất, trong khi nợ ngân hàng với số tiền quá lớn”- anh Khỏe chia sẻ.
Ông Lê Văn Mệnh- Thuyền viên tàu BĐ 99567 TS nhớ lại: “Ở bờ thì nhớ biển nhưng ra khơi cứ mỗi đợt gió lớn thì ai cũng phập phồng lo sợ, con tàu vỏ thép gì mà mong manh hơn vỏ gỗ. Trên tàu rỉ sét khắp nơi, lúc làm ngư dân phải rè chừng, tránh va chạm để khỏi nhiễm trùng. Nếu con tàu không hư hỏng thì chúng tôi đánh bắt rất thành công, tiếc quá”.
Bán tàu gỗ để trị bệnh tàu thép
Dù đang vào vụ đánh bắt chính, nhưng hơn 4 tháng nay ngư dân Đinh Công Khánh (trú xã Cát Khánh, huyện Phù Cát)- chủ tàu BĐ 99086 TS (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) vẫn chôn chân vì tàu hư hỏng. Ngư dân Khánh kể: “Trước khi đóng tàu vỏ thép, gia đình tôi nương nhờ vào chiếc tàu vỏ gỗ BĐ 93059 TS, mỗi tháng kiếm khoảng 80 triệu cho đến vài trăm triệu đồng, đều như vắt chanh. Từ năm 2015, tôi vay hơn 18 tỷ đồng đóng tàu 67, nhưng vừa đóng xong đi chuyến biển đầu tiên đã bị hư hỏng, liên tiếp lỗ đến 600 triệu đồng.
Ngư dân Đinh Công Khánh- Chủ tàu BĐ 99086 TS (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) bức xúc vì doanh nghiệp dùng máy dỏm. ảnh: Dũ Tuấn
Để “chữa bệnh” cho tàu, tôi phải bán con tàu vỏ gỗ với giá 1,5 tỷ đồng nhưng không đủ, rồi bán luôn chiếc tàu thu mua hải sản gần 1 tỷ đồng. Giờ coi như trắng tay”. Theo ngư dân Khánh, con tàu vỏ thép mang bệnh khiến anh lâm nợ, vợ chồng cãi cọ… mọi chuyện rơi vào túng quẫn, chưa có lối thoát. Trong khi đó, ngân hàng giục trả nợ vì đã quá hạn nên mỗi ngày phải trả hơn 3 triệu đồng tiền lãi.
Trong khi đó, hơn 4 tháng nay ngư dân Đinh Công Khánh- Chủ tàu BĐ 99086 TS (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) vẫn bị chôn chân vì tàu hư hỏng. Con tàu vỏ thép mang bệnh khiến anh lâm nợ, vợ chồng cãi cọ… mọi chuyện rơi vào túng quẫn. Ngân hàng liên tục giục ngư dân này trả nợ vì đã quá hạn nên mỗi ngày phải trả lãi hơn 3 triệu đồng.
“Ngân hàng cứ đòi nhưng chúng tôi đành chịu vì lỗi này là do doanh nghiệp đóng tàu. Họ dùng máy không chính hãng khiến hư hỏng nhưng chưa chịu sửa chữa nên tàu phải nằm bờ. 20 lao động không có công ăn việc làm, còn tôi thì khư khư giữ tàu chứ không đi đâu được. Bạn đi biển cũng bỏ tàu, tôi mua 6 triệu/ tháng/ người nhưng chả ai dám theo vì tàu hư hỏng quá nhiều”- ngư dân Khánh buồn bã nói.
Hơn 4 tháng nằm bờ vì tàu hỏng, ngư dân Đinh Công Khánh lo sốt vó với số nợ hàng chục tỷ đồng. Ảnh: D.T
Tại cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát), mỗi ngày ông Mai Thanh Vũ - thuyền trưởng tàu BĐ 99179 ngồi trên boong tàu nhìn cảnh ngư dân hối hả cập bến, vươn khơi. Ông nhớ biển nhưng đành chịu. Con tàu vỏ thép trị giá hơn 15 tỷ đồng được đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) vừa bàn giao chưa đầy 1 năm đã xơ xác, xuống cấp trầm trọng. Toàn bộ vỏ tàu bị gỉ sét, bong ra từng lớp, vụn vỡ như bánh tráng, nhiều bộ phận trên tàu hư hỏng. Từ ngày nhận tàu đến nay, anh cầm lái ra khơi được 6 chuyến nhưng đều lỗ vốn do tàu gặp sự cố.
“Tàu đóng bằng thép Trung Quốc không đảm bảo máy dò nên hư toàn bộ, hầm bảo quản hư hỏng, dàn đèn vừa ăn bớt số lượng vừa không đạt chuẩn chất lượng. Cả mấy chục ngư dân ra khơi với con tàu này thực sự tôi không yên tâm” - anh Vũ buồn bã đáp.
Con tàu BĐ 99179 TS của ngư dân Mai Văn Chương đóng tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương bị rỉ sét. Ảnh: D.T
Ngư dân Võ Tuân (trú xã Mỹ Thắng) - chủ tàu vỏ thép BĐ 99018 TS, do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng cho hay: “Ngày 28.6, công ty đóng tàu đã liên hệ với tôi và hứa sẽ vào Bình Định để nghe chỉ đạo của tỉnh và khắc phục tàu cá cho ngư dân. Nếu cứ tình trạng tàu nằm bờ cứ kéo dài chắc chúng tôi phá sản, trả tàu để làm thuê kiếm sống chứ không biết làm thế nào. DN không chịu khắc phục, đền bù… thì chúng tôi sẽ khởi kiện đến cùng”.
Khác với ngư dân Tuân, ông Nguyễn Văn Mạnh (58 tuổi)- chủ tàu BĐ 99567 TS tỏ ra khá mệt mỏi khi nhắc đến việc khởi kiện. Ông Mạnh bảo: “Tôi tên Mạnh, con trai tôi thuyền trưởng tên Khỏe. Cái tên này có ý nghĩa lắm nhưng đó là lúc xưa thôi. Từ khi nhận con tàu của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thì cả cha con không còn mạnh khỏe nữa”.
Để sở hữu con tàu này, ông Mạnh phải vay ngân hàng hơn 15 tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi nhận bàn giao được một thời gian thì liên tiếp xảy ra sự cố, hư hỏng. Trong lúc giám sát đóng tàu, con trai ông là Nguyễn Văn Khỏe phát hiện cơ sở đóng tàu sử dụng thép Trung Quốc không đúng hợp đồng. Anh Khỏe dùng điện thoại ghi lại làm bằng chứng thì bị hăm dọa, đuổi ra khỏi tàu.
Ông Mạnh cho hay: “Kết luận của Tổ thẩm định đã công bố rõ ràng, tàu tôi bị hư hỏng do đóng thép Trung Quốc không đạt chất lượng, máy móc hư hỏng, dàn đèn không đảm bảo như hợp đồng… Họ quá ác với ngư dân, trong khi cái sai của DN đã rõ nhưng họ cứ mãi vòng vo. Thà họ sống có tình người, làm sai rồi thì lo sửa để ngư dân còn mưu sinh. Ngay cả khi chính quyền tỉnh mời dự 2 cuộc họp, công ty cũng không tham dự, ngư dân cứ ngóng đợi mãi”.
Nhớ biển đến cồn cào Nhắc đến việc đi kiện, ông Mạnh bảo: “Thú thật giờ bản thân tôi mệt mỏi quá rồi. Nhớ biển, chồn chân… viễn cảnh tù tội do không trả được nợ cứ quanh quẩn mãi trong đầu. Cả đời đi biển, đối mặt với sóng dữ, tàu lạ tôi chẳng ngán nhưng nằm bờ thế này tôi sợ quá. Giờ đang mùa chính trong khi muốn kiện tụng phải ra tận Nam Định. Tàu nằm bờ, ai vươn khơi? Cái trước mắt DN đóng tàu cần nhận ra cái sai, khắc phục và đền bù để chúng tôi ra khơi. Chứ ở bờ ngứa chân tay, nhớ biển lắm”. |