Dân Việt

Người phương Tây viết gì về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam?

Vũ Tiến Đức 30/06/2017 20:30 GMT+7
Trong ghi chép của thương nhân, giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam từ thế kỷ 17, 18, Trường Sa, Hoàng Sa là một bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.

Ký sự của nhà sư Trung Quốc

Khoảng cuối thế kỷ 17, Thích Đại Sán - nhà sư đồng thời là nhà sử học sống dưới triều vua Khang Hy đã đến kinh lý ở vùng đất phía Nam nước ta. Vùng đất mà Thích Đại Sán đến, lúc này được gọi là Đàng Trong, do các chúa Nguyễn quản lý. Sau khi trở về nước, Thích Đại Sán đã viết bộ “Hải ngoại ký sự” vào năm 1696. Bộ ký sự này là những ghi chép của Thích Đại Sán về những địa danh đã đi qua, những điều mắt thấy tai nghe trong thời gian ông ta ở Đàng Trong. Cũng trong cuốn sách này, Thích Đại Sán đã nhắc đến hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà lúc bấy giờ người Việt gọi là “Vạn lý Trường Sa”.

img

Đại Nam nhất thống toàn đồ năm 1834 với Vạn Lý Trường Sa. Ảnh: Vnu.edu.vn.

Thích Đại Sán chép: “Khách có người bảo mùa gió xuôi trở về Quảng Đông chừng độ nửa tháng trước và sau ngày lập thu. Chừng ấy, gió Tây Nam thổi mạnh, chạy một lèo gió xuôi chừng 4 – 5 ngày đêm có thể đến Hổ Môn. Nếu chờ đến sau mùa nắng, gió bấc dần dần thổi lên, nước chảy về hướng Đông, sức gió Nam yếu, không chống nổi dòng nước chảy mạnh về phía Đông, lúc đó sẽ khó giữ được sự yên ổn. Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ Đông Bắc qua Tây Nam, động cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển, mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt tan tành. Bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là “Vạn lý Trường Sa”, mù tít chẳng thấy cây cỏ nhà cửa.

Nếu thuyền bị trái gió trái nước dẫu không tan nát cũng không gạo, không nước thì trở thành ma đói mà thôi. Khoảng cách đến Đại Việt là 7 canh đường, 7 canh đường khoảng 700 dặm. Các quốc vương Đại Việt thời trước, hàng năm sai thuyền đi đánh cá dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc, khí cụ của các tàu thuyền hư hỏng dạt vào. Mùa thu nước dòng cạn rút về hướng Đông bị một ngọn sóng đưa đi, thuyền có thể trôi xa hàng trăm dặm, gặp khi gió mạnh, càng sợ hiểm họa Trường Sa”.

Pracels trong ghi chép của người phương Tây

Từ đầu thế kỷ 17, dưới sự khai khẩn của các chúa Nguyễn, xứ Thuận - Quảng được mở mang về kinh tế. Các chúa Nguyễn, do nhu cầu phát triển thế lực để đối phó với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài nên đã mở cửa buôn bán với các thương nhân nước ngoài rất tích cực.

Điều này đã được giáo sĩ  người Ý - Cristoforo Borri viết trong cuốn sách Xứ Đàng Trong năm 1621 (do Nguyễn Khắc Xuyên dịch). Cristoforo Borri viết: “Không những người xứ Đàng Ngoài, xứ Campuchia và Phúc Kiến và mấy xứ lân cận đến buôn bán, mà mỗi ngày người ta còn thấy các thương gia đến từ những miền đất xa xôi như Trung Quốc, Macao, Nhật Bản, Manila và Malacca. Tất cả đều đem bạc tới xứ Đàng Trong để đem hàng hóa xứ này về. Thực ra không phải là mua hàng hóa mà là trao đổi với cùng một thứ bạc kể như hàng hóa, lúc cao lúc hạ tuỳ theo có nhiều hay có ít bạc, tuỳ theo có nhiều hay ít tơ lụa và những mặt hàng khác”.

Các thương gia ngoại quốc đến Đàng Trong vào thời gian ấy chủ yếu đi bằng đường biển. Do vậy, những vấn đề về hải trình đã sớm được họ quan tâm. Trên con đường hàng hải tiếp cận xứ Đàng Trong (mà lúc đó, người phương Tây gọi là Cochinchina để phân biệt với xứ Đàng Ngoài được gọi là Tonkin), họ đã sớm biết đến một dãy quần đảo có thể gây nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại vùng biển này. Họ gọi nó là Pracels – nghĩa là Cát vàng. Và cái tên này có lẽ có mối liên quan đến cái tên Hoàng Sa của người Việt đặt cho quần đảo đó.

img

Bản đồ của công ty Đông Ấn Hà Lan với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được gộp thành cái tên Pracels. Ảnh: Vnu.edu.vn.

Trong những lá thư của các giáo sĩ phương Tây được Jean Yves Clayes trích dẫn trong bài viết “Điều huyền bí của các vành đai san hô – Nhật ký chuyến đi quần đảo Pracels” đăng trên tạp chí Indochine, số 46, năm 1941 cho biết, vào năm 1701 các giáo sĩ từ Trung Quốc sang Đàng Trong đi qua quần đảo Hoàng Sa đã ghi nhận mối nguy hiểm này: “Tàu nhổ neo, gió rất thuận và chỉ trong một thời gian ngắn đã đến ngang tầy mỏm đá Paracel. Paracel là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam. Đó là bãi đá ngầm khủng khiếp có đến hàng trăm dặm, rất nhiều lần đã xảy ra các nạn đắm tàu ở đó. Nó trải dọc theo bờ biển xứ Cochinchina (Đàng Trong). Tàu Amphitrite lần đầu tiên du hành đến Trung Quốc đã suýt nữa thì bị đắm... có chỗ lối đi chỉ có 4,5 sải nước, nếu thoát được nguy hiểm ở đây thì như có một phép lạ... Bị đắm tàu trên những tảng đá khủng khiếp đó hoặc bị lạc mất không còn tí nguồn dự trữ nào thì hầu như cũng như nhau mà thôi...".

Thêm một sự kiện nữa chứng tỏ rằng từ rất lâu trước đó, các chúa Nguyễn đã dành cho mình quyền định đoạt công việc ở Hoàng Sa, Trường Sa mà thời đó, người phương Tây gộp cả làm một gọi là Pracels.

Năm 1636, người Hà Lan được chúa Nguyễn cho phép mở một thương điếm ở Đàng Trong, dưới quyền điều hành của Abraham Duijcker. Ngày 6 tháng 3, chúa Nguyễn Phúc Lan tiếp Duijcker tại Hội An. Trong buổi tiếp, Duijcker đã đề cập đến việc một chiếc tàu của người Hà Lan đắm từ năm 1633.

Việc này được nhắc đến trong chuyên luận “Les marchands européens en Cochinchine et au Tokin’ (1660-1795)”, (Revue Indochinoise, 1916) của tác giả Ch.B.Maybon. Tài liệu này cho biết: “Duijker đã chuyển đến Chúa một điều khiếu nại. Đó là việc chiếc tàu mang tên Grootenbroeck đã bị đắm ở ngoài khơi bãi cát Paracels, đoàn thủy thủ đã được người Việt xứ Đàng Trong cứu giúp, nhưng đồng thời cũng lấy đi số tiền là 25.580 resaux, vậy nên trưởng điếm Duijcker có nhiệm vụ xin được bồi hoàn món tiền đó. Ông ta được trả lời rằng những việc đó đã xảy ra từ thời Chúa trước (tức chúa Nguyễn Phúc Nguyên), không nên đề cập đến nữa, ngược lại, người Hà Lan từ nay sẽ được hoàn toàn tự do mang hàng hóa đến buôn bán, được miễn thuế, vả lại, nếu sau có tàu Hà Lan mà bị đắm ở ngoài khơi thì sẽ không có chuyện tịch thu hàng hóa được cứu hộ nữa”.

Qua những ghi chép trên ta thấy rằng, ở thế kỷ 17, 18, trong quan niệm của các thương nhân, giáo sĩ phương Tây, hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là một khu vực nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại nên các ghi chép của họ về địa danh này rất nhấn mạnh điều đó. Tuy nhiên, hầu hết các tài liệu đều không quên khẳng định rằng Pracels là thuộc chủ quyền của Cochinchina (Đàng Trong).