Tại buổi tọa đàm “Hà Nội hạn chế xe cá nhân và lo lắng của người dân”, ông Lê Đỗ Mười – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Viện Chiến lược) cho biết, căn cứ vào quyết định 519, đến năm 2030 khu vực nội đô từ vành đai 4 đổ vào, vận tải công cộng (VTCC) đáp ứng được 40-50% nhu cầu thì dừng xe máy.
Chỉ khi VTCC đáp ứng 40-50% nhu cầu đi lại, bấy giờ Hà Nội mới quyết định dừng xe máy. Ảnh: Thành An
“Căn cứ vào những số liệu hiện nay, chúng tôi thống kê được 2,8-3,2 triệu lượt đi/ngày, trong đó đi lại bằng phương tiện cá nhân chiếm từ 65-70%. Theo dự báo, tỷ lệ xu thế chuyển đối từ cá nhân sang công cộng là 40-50% so với cơ cấu hiện nay. Chúng tôi khẳng định chỉ cần VTCC đáp ứng khoảng 40-50% nhu cầu đi lại là khả thi” – ông Lê Đỗ Mười khẳng định.
Ông Mười cho biết, hiện nay VTCC của Hà Nội mới đạt 14%, trong đó xe buýt chiếm 8-10% nhu cầu đi lại của người dân. Trong đề án phát triển vận tải hành khách công cộng, xe buýt vẫn là xương sống chính của Hà Nội VTCC cho đến 2025. Từ nay đến 2030, UBND TP.Hà Nội đã xin đầu tư 10 tuyến đường sắt với nhiều hình thức.
“Thời gian tới, mạng lưới xe, điểm dừng nhà chờ sẽ được cải tạo triệt để, làm sao đáp ứng được trong khoảng cách người dân tiếp xúc điểm dừng nhà chờ dưới 500m. Chúng tôi cũng sẽ đưa vận tải hành khách bằng xe buýt lên 25%, sau đó mới là các phương tiện khác như đường sắt, taxi” – ông Lê Đỗ Mười nói.
Đáng chú ý, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược thông tin, chỉ khi VTCC đáp ứng 40-50% nhu cầu đi lại, bấy giờ HĐND TP mới đưa ra quyết định dừng xe máy: “Đây là vấn đề rất nhân văn, mong mọi người hiểu cho”.
Ông Lê Đỗ Mười – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT. Ảnh: Thành An
Liên quan đến ý kiến băn khoăn tại sao chỉ cấm xe máy mà không cấm ô tô, ông Lê Đỗ Mười giải thích: Trong đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm tại Hà Nội (đề án), đối tượng hướng đến không chỉ có xe máy mà cả ô tô. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới không quốc gia nào dừng hoạt động của ô tô, mà chỉ có biện pháp hạn chế ô tô.
“Trong đề án, ô tô và xe máy là 2 đối tượng như nhau. Nếu xe máy cho dừng thì phải thu phí ô tô vào nội đô, đồng thời hạn chế chỗ đỗ… còn với taxi quản lý theo từng tuyến. Có thể nói, ô tô quản lý còn chặt hơn xe máy, bởi trong tương lai chi phí dành ra cho ô tô sẽ cao hơn rất nhiều so với hiện nay” – ông Mười nói.
Nhiều thành phố tỷ lệ VTCC thấp nhưng vẫn cấm xe máy Theo ông Lê Đỗ Mười, đa số việc cấm xe máy chủ yếu ở các nước châu Á còn các nước phát triển ở châu Âu không dừng xe máy vì thời tiết ở đó rất lạnh. Cụ thể, thủ đô Yangon (Myanmar), VTCC chiếm tỷ lệ rất nhỏ, không bằng TP.HCM hay Hà Nội mà chỉ bằng TP.Vinh (Nghệ An) tuy nhiên họ vẫn cấm xe máy. Jakarta (Indonesia) có tỷ lệ VTCC rất thấp chỉ khoảng 7% những cũng đã cấm xe máy. Tại nhiều TP ở Trung Quốc như Quảng Châu, tỷ lệ VTCC là 15%, Côn Minh (Trung Quốc) chỉ 10% nhưng chính quyền đã cấm xe máy. Cách đây 3 năm, xe máy ở TP.Nam Ninh thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) vô cùng nhiều, VTCC chỉ chiếm10-15%, nhưng họ vẫn cấm xe máy. |