Vì sao các giám đốc Việt Nam là nữ có tỷ lệ cao thế?
Báo cáo được tiến hành trên 54 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, châu Âu, Trung Đông và châu Phi, nhằm mục đích xem xét và đánh giá khả năng của các nữ doanh nhân trong việc tận dụng các cơ hội được tạo ra từ môi trường nội địa, cụ thể là: sự trọng dụng phụ nữ trong thị trường lao động, tài sản kiến thức, tài sản tài chính, các điều kiện kinh doanh hỗ trợ họ...
Khi so sánh tỷ lệ chủ doanh nghiệp là nữ cao nhất giữa các nước, Việt Nam đứng thứ 7 trong danh sách.
Quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân 2017 là New Zealand, sau đó lần lượt là Canada, Mỹ, Thuỵ Điển và Singapore. Việt Nam đứng thứ 19, cao hơn Costa Rica, Nam Phi và Đức.
Khi so sánh tỷ lệ chủ doanh nghiệp là nữ cao nhất giữa các nước, Việt Nam đứng thứ 7 trong danh sách, sau Uganda, Botswana, New Zealand, Nga, Áo và Bangladesh, cao hơn ba nước còn lại là Trung Quốc, Tây Ban Nha và Mỹ.
Tỷ lệ nữ chủ doanh nghiệp cao như thế do hai yếu tố đặc trưng như tính bền bỉ và thích ứng tốt với hoàn cảnh kinh tế. Đây là điểm mấu chốt giúp phụ nữ vượt qua hai trở ngại chính là: định kiến văn hoá và yếu kém về cơ hội thăng tiến hơn nam giới.
Theo bảng xếp hạng, các quốc gia phát triển vẫn dẫn đầu danh sách, đứng thứ nhất là New Zealand (74,4 điểm), tiếp đến là Canada (72,4) và Hoa Kỳ (69,9). Lý do, các quốc gia này luôn tạo điều kiện mạnh mẽ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ sở hữu, thông qua những cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ bền vững, môi trường kinh doanh thuận lợi. Còn với những quốc gia đang phát triển với thu nhập thấp như Uganda (34,8%), Bangladesh (31,6%) và Việt Nam (31,4%) thì có ý kiến cho rằng, tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất, là do họ phải “bươn chải” kiếm sống cho gia đình.
Vừa qua, bản nghiên cứu thứ 5 của Deloitte Global, về Phụ nữ trong quản trị: một cái nhìn toàn cầu, đã thống kê dựa trên 7.000 công ty thuộc 64 quốc gia. Việt Nam đứng đầu châu Á với 17,6% thành viên quản trị là phụ nữ, cao hơn trung bình trên toàn thế giới (15%). Sau Việt Nam, là Malaysia với 13,7% và Singapore với 10,2%. Thấp nhất trong khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc, với tỷ lệ lãnh đạo phụ nữ lần lượt là 3,5% và 4,1%, kéo trung bình của khu vực xuống 7,8%. Báo cáo kết luận tỷ lệ nữ quản trị tại châu Á vẫn rất thấp, chỉ cao hơn Mỹ Latinh. Trong khi đó, châu Âu vẫn dẫn đầu với 22,8% thành viên quản trị trong các công ty tập đoàn là phụ nữ.
Tỷ lệ chủ doanh nghiệp nữ cao có phải do bình đẳng giới?
Thế Giới Tiếp Thị đã đề nghị nữ chuyên gia Phạm Chi Lan bình luận về tỷ lệ này. Theo bà, vấn đề không phải là Việt Nam có bình đẳng giới tốt hơn các nước, mà là do phụ nữ Việt Nam có ý chí, tinh thần kinh doanh cao, dám chấp nhận rủi ro, dám giành lấy vị trí mà mình có thể đảm đương được. Trong kinh doanh, họ phải tự chứng minh năng lực của mình trước song gió cạnh tranh mới trụ vững được. Cũng có ý kiến cho rằng, ở Việt Nam, phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh nhiều là do họ tham gia những ngành không đòi hỏi nặng về vốn, pháp lý hay kỹ thuật. Cả hai điều đó đều có thể đúng với phần lớn các trường hợp phụ nữ khởi sự kinh doanh. Đúng là với động lực “để kiếm sống”, và cũng nhờ mặt tốt của các quy định pháp lý ở Việt Nam, đặc biệt là luật Doanh nghiệp, khi tạo được cơ hội cho đông đảo người dân tự do kinh doanh trong các lĩnh vực luật pháp không cấm.
Nhưng lại cũng có mặt khác, là sau giai đoạn ban đầu, lập doanh nghiệp vì “hoàn cảnh bần cùng” phải kiếm sống” và “chọn việc dễ làm” để mà làm, thì sau đó, các doanh nghiệp nhỏ cũng có rất ít doanh nghiệp lớn lên được mà đa số cứ mãi ở quy mô nhỏ bé, năng suất và năng lực cạnh tranh thấp do khó tiếp cận các nguồn lực cần thiết, và cũng rất thiếu vắng các công cụ hỗ trợ, nâng đỡ cho họ dần lớn mạnh lên.
Khởi nghiệp đã và đang là chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế và tạo việc làm. Chiếm gần 50% lực lượng lao động ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực, phụ nữ đang là tiềm lực khởi nghiệp lớn. Song, vẫn còn không ít những rào cản, như quan niệm rằng “phụ nữ phải gắn với gia đình, phụ nữ phải làm tốt thiên chức làm vợ làm mẹ mới được xã hội đánh giá cao”, như nhận xét của bà Khuất Thị Thu Hồng, viện trưởng viện Nghiên cứu và phát triển xã hội.
Để thực hiện mục tiêu 35% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ (năm 2020) thì nên giải quyết từ gốc, đó là thay đổi quan niệm về vai trò nam – nữ, tạo điều kiện về môi trường kinh doanh, trang bị ý thức và năng lực, tạo động lực cho phụ nữ khởi sự kinh doanh, giúp phụ nữ hiện thực hoá ý tưởng sáng tạo; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nữ. Hoạt động hỗ trợ phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm vào nhóm đối tượng cụ thể, không mang tính phong trào, bề nổi mà tập trung nâng cao hiệu quả cho phụ nữ khởi nghiệp bền vững.