Dân Việt

Người đọc Quách Lê Anh Khang, họ là ai?

Hoàng Phong Tuấn 01/07/2017 08:30 GMT+7
LTS: Tiểu thuyết ngôn tình nổi lên như một xu hướng ưa thích của người trẻ một lúc. Sau đó, xu hướng nguội đi ít nhiều. Người đọc hoài vọng gì ở đó?

Ấn tượng đầu tiên của tôi về người đọc của Anh Khang đến khá bất ngờ. Hai cô gái trẻ trạc tuổi sinh viên vừa cầm cuốn sách Buồn làm sao buông vừa trò chuyện riêng. Tôi nghe loáng thoáng hình như một cô khuyên một cô còn lại đọc để quên “người ấy” nào đó. Một cuốn sách mà có thể làm cho một người quên đi một ai đó thì thật lạ.

img

Người đọc đi tìm một sự đồng cảm nhẹ nhàng ở chuyện ngôn tình, một thời được gọi là tình cảm lãng mạn.

Ấn tượng thứ hai đến với tôi cũng bất ngờ, nhưng theo cách trái ngược. Nguyên trong những giờ dạy một lớp chuyên văn ở phổ thông, tôi thường gợi cho các em bàn luận về các tác phẩm văn học đương đại mà các em quan tâm. Khi tôi hỏi đến cảm nhận của các em về sách của tác giả Anh Khang, thật bất ngờ, một em rụt vai và nhăn mặt bảo, truyện rất nhạt thầy ạ, em không đọc nổi hết nửa trang. Quả thật không có sự từ chối đọc nào mãnh liệt hơn!

Sự khác biệt trên đơn thuần là do thị hiếu, lứa tuổi, hay do điều gì khác nữa? Và rốt cục thì, người đọc của các tác phẩm Quách Lê Anh Khang, họ là ai? Những câu hỏi trên dẫn dắt sự tìm hiểu của tôi, không chỉ về người đọc các tác phẩm của Anh Khang, mà còn là một cách cảm nhận, một sự tự nhìn mình qua văn chương của một lớp người trẻ trung đang tìm kiếm chính mình trong cuộc sống hiện đại.

Hiện lên qua các lời bình luận của độc giả về các tác phẩm của Anh Khang là sự trải nghiệm lại về tình yêu và quá khứ của chính họ. Chẳng hạn, một người đọc bình luận về cuốn Buồn làm sao buông: “Tôi mua cuốn sách này khi tôi đang thất tình, à không phải là bị đá ngay trước đám hỏi của chính mình vì người ấy có người mới. Tôi đã từng nghĩ mình không thể nào vượt qua được sự cô đơn và mất mát ấy cho đến khi tôi lật mở từng trang sách. Nỗi buồn trong Buồn làm sao buông không chỉ của riêng ai. Tôi thấy mình trong đó và tự biết đứng dậy từ chính nỗi buồn đó”.

Một người đọc khác bình luận về Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh: “Trở về nhà sau một ngày mệt nhoài vì công việc, vì học hành vì những bon chen của cuộc sống. Niềm an ủi cuối cùng dành cho bản thân mình đơn giản chỉ là ngồi xuống, nhâm nhi một ly trà sữa với cuốn sách này. Với những dòng tâm sự được cất lên từng câu chuyện nhỏ, buồn – nuối tiếc và cả niềm hạnh phúc, tôi được trải qua từng cung bậc cảm xúc khác nhau. Vừa đọc vừa hoài niệm, từng câu từng chữ khắc khoải không thôi...”

Janice A. Radway, trong một cuốn sách có ảnh hưởng nghiên cứu về người đọc nữ đọc các tiểu thuyết lãng mạn, cho rằng một trong những lý do làm cho các tác phẩm này hấp dẫn người đọc, là vì chúng đem đến cho họ những khoảnh khắc giải thoát khỏi thực tại. Nhưng trải nghiệm lại để tìm một lối thoát hay để tiếp tục sống trong đó đều là những cách khác nhau, để người đọc tìm kiếm sự cân bằng qua thế giới tưởng tượng.

Đọc lại những dòng cảm nghĩ của người đọc về tác phẩm của Anh Khang, tôi hình dung đến những  người đọc ở tuổi bước vào đời. Cuộc sống ngoài kia không hề đơn giản và bằng phẳng đối với những tâm hồn vừa rời ghế nhà trường. Họ mong muốn một sự đồng cảm nhẹ nhàng, để họ nhìn thấy được chính mình, nhận diện được mình, và tiếp tục bước đi. Có lẽ đó cũng là sự khác biệt của họ đối với những cô cậu học sinh, những tâm hồn thấm đẫm các tác phẩm văn chương kinh điển, gợi suy tư về những điều cao cả và nhân văn. Kinh nghiệm văn chương và kinh nghiệm đời sống quyết định mong muốn của chúng ta về ý nghĩa của tác phẩm. Khi kinh nghiệm đời sống phong phú ở mức nào đó, nó chi phối cách chúng ta chọn tác phẩm chỉ riêng cho trải nghiệm của cá nhân mình.

Văn chương vì thế cần cho mỗi người, nhưng có lẽ là không có mẫu số chung cho tất cả và cho mọi giai đoạn trong cuộc đời của chúng ta. Biết đâu, rồi chính những chàng trai cô gái ấy, đến một ngày nào đó, sẽ quên đi các tác phẩm của Anh Khang, như chúng ta đã từng để lại thế giới cổ tích trong tuổi ấu thơ của mình để đến với chân trời mới.     

Một số tác phẩm “ngôn tình” đang bán chạy:

Tác giả Anh Khang: Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh; Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn… và em; Đường hai ngả người thương thành lạ; Thương mấy cũng là người dưng

Các tác phẩm khác cùng thể loại: Bên nhau trọn đời – Cố Mạn, Trung Quốc; Người yêu cũ có người yêu mới – Iris Cao, Việt Nam; Nhật ký son môi, Ai đó đã khóc ngày hôm qua – Gào, Việt Nam; Nếu em không phải một giấc mơ, Em ở đâu?, Mọi điều ta chưa nói – Marc Levy, Pháp.