Cả bức tường xây dài 18,5m của gia đình anh Tâm bị phá hủy.
18,5m tường xây định giá chỉ được hơn 900 nghìn đồng
Theo đơn trình bày của anh Nguyễn Đại Tâm, thôn Liễu Nội, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (Hà Nội): Vào tối 22.6.2016, một nhóm thợ xây nhà cho ông Vũ Đình Nhuệ (Bí thư xã Khánh Hà) vận chuyển cột bê tông đã đâm đổ một phần bức tường rào xây của nhà anh Tâm. Khi gia đình anh Tâm yêu cần nhóm thợ phải giải quyết khắc phục hậu quả thì Nguyễn Văn Khánh (người thân của ông Nhuệ) đã chửi bới và đe dọa. 3 ngày sau Khánh và một nhóm người đã phá hủy toàn bộ phần hàng rào xây còn lại, với chiều dài 18,5m, cao 1,7m. Vụ việc hủy hoại tài sản này đã được anh Tâm tố cáo lên Công an huyện Thường Tín.
Ngày 14.3.2017, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Thường Tín đã có thông báo kết quả giải quyết. Trong thông báo này Cơ quan CSĐT - Công an huyện Thường Tín khẳng định vào ngày 25.6.2016, Võ Khắc Hòa, Võ Khắc Hậu, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Tài Dũng và Nguyễn Văn Chí (cùng ở thôn Liễu Nội) đã đẩy đổ phần tường rào ngăn giữa đường đi của xóm bờ sông Liễu Nội với khu đất của gia đình anh Tâm có chiều dài 18,5m, cao 1,7m.
Ngày 5.10.2016, Công an huyện Thường Tín ra quyết định trưng cầu tài sản để định giá bức tường xây nhà anh Tâm bị phá hủy. Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng huyện Thường Tín đã có kết luận bức tường nhà anh Tâm bị Dũng, Chi, Khánh, Hòa và Hậu đẩy đổ trị giá là 943.500 đồng.
Từ kết quả định giá trên, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Thường Tín cho rằng hành vi của Võ Khắc Hòa, Võ Khắc Hậu, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Tài Dũng, Nguyễn Văn Chi không cấu thành tội phạm. Ngày 3.3.2017, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Thường Tín đã quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo nội dung tố giác của anh Tâm.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, đại tá Đỗ Đức Cường - Trưởng Công an huyện Thường Tín - cho rằng: Khi tài sản bị hủy hoại được định giá từ 2 triệu đồng trở nên mới có căn cứ nghiên cứu có khởi tố hay không. "Chúng tôi đã trả lời anh Tâm rồi, nếu như anh ấy có khiếu nại thì gửi đơn đến Hội đồng định giá trong tố tụng. Chúng tôi không thể điều chỉnh Hội đồng định giá, hội đồng này độc lập không nằm trong cơ quan công an" - đại tá Cường nói.
Nghiên cứu về vụ việc này, luật sư Hà Đăng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, đoạn tường của anh Tâm mặc dù được xây dựng từ năm 1995, đến khi bị đẩy đổ nó vẫn còn tốt. Đối với công trình xây dựng có khấu hao, nhưng định giá hơn 18m tường xây chưa tới 1 triệu đồng là rất vô lý. Hiện nay để xây lại một bức tường như vậy theo tính toán phải tốn cả chục triệu đồng. "Trong vụ việc của anh Tâm, tài sản bị hủy hoại cần phải định giá lại để phù hợp với thực tiễn" - luật sư Hà Đăng nói.
Bị cáo vụ làm sứt mép bàn sẽ tố ngược bị hại?
Trở lại với vụ án gây xôn xao dư luận trong tuần, việc Lê Thị Trang (SN 1988, ở phường Thanh Châu, TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) làm sứt mép bàn bị TAND TP.Phủ Lý tuyên phạt 12 tháng tù.
Chị Lê Thị Trang cho biết sẽ kháng cáo bản án.
Nguyên nhân của vụ việc là do mâu thuẫn phát sinh từ chuyện đặt phòng hát tại quán karaoke Thanh Hà, do bà Nguyễn Thị Thanh Hà (cùng địa phương) làm chủ, giữa Trang và bà Hà có xô xát. Trong lúc bức xúc, Trang đã dùng cốc thủy tinh đập xuống bàn bằng đá, khiến mép bàn bị sứt. Chủ quán karaoke đã tố giác hành vi của Trang.
Quá trình giải quyết vụ việc, cơ quan chức năng xác định trên một cạnh dài chiếc mặt bàn bằng đá của gia đình bà Hà bị sứt 2 vị trí. Trong đó, vết sứt thứ nhất có kích thước 1,5cm x 1,4cm và vết thứ hai là 7,9cm x 1,4cm. Và tổng giá trị thiệt hại chiếc mặt bàn của gia đình bà Hà là hơn 2,8 triệu đồng. Chính vì thế Lê Thị Trang bị khởi tố, truy tố và lĩnh 12 tháng tù về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Nghiên cứu về vụ án này, luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, định giá tài sản của Hội đồng định giá là khá “mập mờ”. Bởi lẽ cáo trạng xác định, số tiền hơn 2,8 triệu đồng là thiệt hại của cả mặt bàn nhưng thực tế nó chỉ bị bị sứt 2 vết nhỏ.
Với hai vết sứt trên có thể khắc phục và sử dụng bình thường, như vậy giá trị sử dụng của mặt bàn vẫn còn nguyên. Điều đáng nói, sau khi vụ việc xảy ra, Lê Thị Trang đã tự nguyện bồi thường cho gia đình bà Hà số tiền lên đến 6 triệu đồng, gấp hơn 2 lần chiếc mặt bàn.
Theo luật sư Thanh, cần phải định giá lại mặt bàn để phù hợp với thực tế, tránh hình sự hóa vụ việc khiến một người đang nuôi con nhỏ (dưới 36 tháng tuổi) vướng vào lao lý.
Chị Lê Thị Trang cho biết, sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm, đồng thời sẽ nhờ luật sư làm để tố giác bà Hà và một số người ở quán karaoke đã có hành vi giữ người trái pháp luật. "Khi xô xát xảy ra, tôi bị 7-8 người ở quán xông vào ghì đầu xuống đất và đánh đập, việc này được camera ghi lại. Tôi còn bị bắt giữ lại hơn 30 phút không cho về" - chị Trang nói.