Dân Việt

Chuyện “cảm ơn” ở bệnh viện Áo

10/05/2013 06:28 GMT+7
(Dân Việt) - Ngành y tế Việt Nam đang triển khai “Nói lời cảm ơn, thân thiện với người bệnh”. Đã có chuyến công tác dài ngày tại Cộng hoà Áo, phóng viên Dân Việt thấy việc làm này như một lẽ đương nhiên với các y, bác sĩ nơi đây.

Được tin Hiệp, anh bạn Việt kiều ở Neudau ốm, tôi đến thăm. Hiệp bảo, em vừa đi bệnh viện về. Nhân tiện tôi hỏi, có phải phong bì cho bác sĩ không? Hiệp trố mắt: Anh nói em không hiểu. Sau một hồi giải thích, Hiệp cười ồ lên và nói: Bác sĩ ở đây coi mình như “bố”, mặc dù ở đây khám, chữa bệnh hoàn toàn không mất tiền. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, Hiệp bảo: Không tin hôm nào anh vào viện với em.

img
Thanh (người ngồi ngoài cùng, bên phải) trong phòng khách khoa Tiêu hóa Bệnh việnWILHELMINENSPITAL.

Cởi mở và thân thiện

Và tôi đã có dịp kiểm chứng câu nói của Hiệp trong một lần điều trị tại Bệnh viện Rudolfinerhaus (quận 19, Vienna). Sau khi đến phòng tiếp bệnh nhân nói rõ yêu cầu của mình, tôi được một nhân viên đưa đến phòng hành chính khoa Nội. Hoàn thành thủ tục hành chính, nhân viên đưa tôi đến phòng bác sĩ, dặn tôi đợi ở phòng chờ, và tự mình mang giấy tờ cho bác sĩ. Xong việc, cô nhân viên hành chính quay lại phía tôi, nhoẻn nụ cười: Xin vui lòng chờ trong giây lát.

Phòng chờ là một khu hành lang rộng, cửa sổ lớn quay ra vườn hoa, ở giữa kê bộ sofa lớn, trên bàn bên cạnh lọ hoa tươi tỏa hương thơm phảng phất là mấy chai nước suối. Đang mải ngắm căn phòng, tôi không hay cô bác sĩ đã đến bên. Có lẽ thấy tôi đang chăm chú, cô không nỡ cắt ngang. Tôi xin lỗi. Nở nụ cười tươi rói, cô bảo: Không có vấn đề gì.

Không chỉ ở Việt Nam, mà ngay cả các bệnh viện của Áo, cũng quá tải. Nhưng tất nhiên, không bao giờ có cảnh 2 bệnh nhân ở một giường. Bởi lẽ việc phân tuyến rất rõ ràng và việc điều phối bệnh nhân cũng rất linh hoạt.

Sau khi thăm khám, tôi được một nhân viên của khoa đưa đi xét nghiệm máu, chụp X-quang... Ấn tượng nhất với tôi là tiến sĩ Ch.Reisser – chuyên gia tai mũi họng. Sau khi nghe tôi kể bệnh, ông bảo tôi phải làm nội soi, hơi khó chịu một chút thôi, cứ bình tĩnh, há miệng thở đều…

Những điều ông nói, tôi nghe câu được, câu chăng, nên ông phải dùng động tác để mô tả, lúc thì ông ngoẹo đầu, lúc thì gập người, lúc thì há miệng… Bằng mọi cách, ông cố làm cho tôi hiểu. Nhìn ông, tôi như bị thôi miên… và bỗng thấy mình rất tự tin, dường như bệnh tật biến đi đâu hết. Tôi bảo, Ok! Ông luồn ống nội soi dài khoảng 30cm vào mũi. Lúc đầu ống vào họng, tôi hơi nhăn mặt, ông vội nói: “I am sorry”. Vừa chỉnh ống, ông vừa động viên, một chút sẽ quen…

Trong những ngày nằm viện, gặp tôi ai cũng nở nụ cười. Còn ông già nằm kế bên, chốc chốc lại bấm chuông gọi, lúc thì yêu cầu đấm lưng, lúc thì bảo dìu ra hành lang… đến tôi cũng cảm thấy khó chịu, nhưng có lẽ nhân viên ở đây “có tinh thần thép”, nên họ luôn đáp lại bằng nụ cười.

Tôi mang túi quà đến cảm ơn bà bác sĩ điều trị. Vẫn nụ cười đôn hậu, bà cảm ơn, từ chối rồi bảo, bao giờ anh xuất viện, tặng quà cho khoa, một chút - một chút thôi. Đem chuyện này kể lại với Hiệp, Hiệp bảo: Anh thấy chưa? Mình đóng thuế nuôi họ, thì họ phải phục vụ mình.

“Thầy thuốc như mẹ hiền”

Phương (ở quận 21 Vienna), được xe cấp cứu đưa vào Bệnh viện WILHELMINENSPITAL. Sau khi thăm khám, bác sĩ trưởng khoa gặp Thanh (vợ Phương) thông báo: Ông ấy bị ung thư gan giai đoạn cuối. Rất tiếc chúng tôi không làm được gì.

Ở bệnh viện 1 tuần, theo nguyện vọng của gia đình, bệnh viện làm thủ tục cho Phương xuất viện. Trước khi xuất viện, bà bác sĩ điều trị gặp riêng gia đình 30 phút. Tại đây, bà giải thích cặn kẽ về căn bệnh của Phương, hướng dẫn cách chăm sóc, sử dụng thuốc và đưa cho Thanh tập tài liệu ghi chép tỉ mỉ về bệnh tật, quá trình điều trị...

Vừa nói, bà vừa dùng bút màu đánh dấu vào những chỗ quan trọng. Bà bảo, hãy thực hiện đúng những điều tôi dặn. Rồi bà đánh dấu rất đậm vào số điện thoại và nhắc đi nhắc lại: “Hãy gọi cho chúng tôi bất cứ lúc nào...

Một tuần sau, Thanh gọi điện đến bệnh viện, đề nghị đưa Phương đi khám lại. Từ nhà Thanh đến bệnh viện gần 20km, nhưng chưa đầy 10 phút, xe cứu thương đã có mặt. Thấy tôi ngạc nhiên, Thanh giải thích, đây là xe cứu thương của quận, bệnh nhân thuộc địa bàn quận nào thì đội cứu thương quận đó phục vụ; trường hợp khẩn cấp, ở xa trực thăng sẽ đến chở bệnh nhân.

Hôm sau, Phương bị hôn mê, hầu như toàn bộ nhân viên của khoa có mặt bên giường bệnh của Phương. Tại phòng khách, Thanh đầm đìa nước mắt. Cô hộ lý ngồi sát bên Thanh, một tay nắm bàn tay Thanh, một tay xoa nhè nhẹ vào lưng Thanh, vừa xoa cô vừa nói thì thầm với Thanh. Không hiểu cô hộ lý nói gì, nhưng qua giọng nói và cử chỉ của cô, tôi hiểu cô đang vỗ về, an ủi...

Một nhân viên y tế sang báo tin Phương đã mất, rồi ông ngồi lại bên Thanh, chờ Thanh qua cơn xúc động, ông mới lên tiếng. Đại ý là thông báo về nguyên nhân tử vong của Phương, bệnh viện đã áp dụng những biện pháp điều trị tiên tiến nhất và làm tất cả những gì có thể, nhưng rất lấy làm tiếc và chia sẻ với bà...

Bác sĩ điều trị là người cuối cùng gặp Thanh. Bà dìu Thanh ra hành lang, ngồi xuống ghế, bà rút trong túi ra tập giấy, lau nước mắt cho Thanh. Vừa lau nước mắt, bà vừa xoa nhẹ lên vai Thanh và nói điều gì đó. Giọng bà chậm rãi, nhỏ nhẹ. Tôi như thấy hình ảnh người mẹ đang an ủi đứa con, thân mật và da diết đến nhường nào!

Công khai, minh bạch

Trong mỗi khoa của bệnh viện đều có một phòng khách để bệnh nhân tiếp người thân đến thăm. Tại đây có dán ảnh, ghi tên, số điện thoại của giám đốc bệnh viện và nhân viên trong khoa. Bên cạnh đó là hòm thư góp ý.

Thanh bảo, bệnh nhân ở đây nếu có điều gì không hài lòng, có thể gọi thẳng cho giám đốc. Lôi thôi, bị phản ảnh với giám đốc là đuổi việc ngay. So với thu nhập của công chức ở Áo, thu nhập của ngành y tế được xếp vào loại khá. Đã bị đuổi việc thì chẳng đâu nhận nữa, nên họ rất sợ.

Hóa đơn thanh toán với bệnh nhân cũng ghi rất rành mạch. Mỗi khoản một hóa đơn. Ví dụ xét nghiệm máu ở phòng số mấy, ngày nào, xét nghiệm để làm gì? Số tiền bao nhiêu? Tên, số điện thoại của người xét nghiệm...

Không chỉ ở Việt Nam, mà ngay cả các bệnh viện của Áo, cũng quá tải. Nhưng tất nhiên, không bao giờ có cảnh 2 bệnh nhân ở một giường. Bởi lẽ việc phân tuyến rất rõ ràng và việc điều phối bệnh nhân cũng rất linh hoạt.

Hôm chia tay tôi về nước, gia đình Liên, người bạn Việt kiều ở Vienna tổ chức liên hoan, không may Liên bị bỏng. Lúc ấy khoảng 8 giờ tối. Chúng tôi gọi xe cấp cứu. Sau khi làm một số thủ thuật sơ cứu, nhân viên y tế bảo phải đưa Liên đi bệnh viện. Hưng (chồng Liên) hỏi đến bệnh viện nào? Anh nhân viên y tế bảo, đợi 5 phút tôi gọi điện đến trung tâm. Ở đó sẽ cung cấp thông tin, bệnh viện nào còn chỗ trống thì sẽ đưa đến đó.

Một lần đến khám tại bệnh viện trung tâm Vienna, sau khi hỏi bệnh và địa chỉ của tôi, nhân viên ở đây bảo, phải đến bác sĩ ở quận nơi tôi cư trú để khám và điều trị. Không chữa được, họ giới thiệu lên chúng tôi mới tiếp nhận. Nói rồi cô nhân viên in cho tôi một danh sách bác sĩ theo chuyên khoa mà tôi cần khám (trong đó có tên, địa chỉ, số điện thoại), rồi dặn anh nên gọi điện đến trước để họ bố trí lịch khám.