Không chỉ những người kinh doanh mới cần đến bùa chú để cầu may mắn cho công việc làm ăn của mình. Trong thể thao, khao khát chiến thắng cũng khiến người ta phải nhờ cậy năng lực tâm linh.
Hình ảnh những chiếc bùa xuất hiện trên sân cỏ từ lâu đã chẳng còn xa lạ. Từ sân cỏ Châu Âu, Mourinho, Leicester City hay gần đây nhất là Pollersbeck (ĐT Đức) đã mang những vật cầu may vào sân đấu để mong điều may mắn đến với đội nhà.
Nhưng nói đến tâm linh, Thái Lan mới chính là “trùm cuối”. Riêng ở khu vực Đông Nam Á, so với bùa Lào, bùa Chăm, bùa Kh’mer thì bùa Thái rõ ràng “chiếm “ưu thế” hơn. Những tấm bùa treo ở khung gỗ đã giúp cầu thủ Thái Lan thi đấu tự tin ở nhiều trận đấu quan trọng.
Trong chiến thắng 6-0 của U16 Thái Lan trước Campuchia cách đây không lâu, thủ môn Satawat Pithakit đã treo 1 lá bùa cầu may vào mành lưới của mình. Và quả nhiên đội bóng của anh có chiến thắng 6-0 trước đội chủ nhà, qua đó sớm giành vé vào chơi vòng bán kết giải U16 Đông Nam Á 2016 với ngôi nhất bảng B.
Đây thực tế cũng chẳng phải lần đầu tiên các trận bóng đá của người Thái lại xuất hiện những tấm “giấy đặc biệt”. Ở VCK châu Á hồi tháng 1 vừa qua, thủ môn Somporn Yos của U23 Thái Lan cũng đã treo lá bùa may mắn vào mành lưới trong trận đấu với U23 Ả-rập Saudi. Trong trận đó, Yos đã chơi rất hay và góp công rất lớn trong việc giúp U23 Thái cầm hòa thành công đại diện rất mạnh đến từ Tây Á.
Người Thái có một loại bùa ngải vô cùng linh thiêng được đặt tên là Kumanthong. Loại bùa này được luyện từ hồn ma trẻ sơ sinh. Tinh thần trong sáng của đứa bé kết hợp chú thuật và thần lực của các vị Tổ thông qua việc tế luyện công phu của pháp sư sẽ cho ra đời một tiểu quỷ có nhiều khả năng đặc biệt.
Theo tiết lộ, xứ chùa vàng có một vị thầy rất cao tay tên là Ajian Suchart Srinoi. Đây chính là người mà hầu hết các trận bóng đá tranh giải SEA Games của ĐT Thái Lan đều xuất hiện để “thực hiện” ma thuật chiến thắng. Phải chăng đó là một phần lý do Thái Lan từng 14 lần vô địch bóng đá nam ở Đại hội Thể dục Thể thao Đông Nam Á?