Sản phẩm OCOP của Quảng Ninh ngày càng được nâng cao về chất lượng và hình thức. Ảnh: Nguyễn Quý
Mục tiêu của Đề án là hằng năm mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 1-2 ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ thực hiện theo chương trình OCOP đã ban hành; phát triển ổn định ít nhất 80 tổ chức kinh tế, 250 sản phẩm OCOP; phấn đấu có 6/12 sản phẩm cấp tỉnh đủ điều kiện tham gia vào chuỗi sản phẩm quốc gia.
Cụ thể, trong năm 2017 sẽ tập trung rà soát, xác định các sản phẩm chủ lực, từ đó mở rộng quy mô sản xuất đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo chất lượng cũng như định hướng hỗ trợ phát triển thành sản phẩm chuyên nghiệp.
Từ năm 2018 tập trung khảo sát thực trạng, lập kế hoạch và triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; kết nối các nguồn lực để hỗ trợ cộng đồng hoàn thiện công bố tiêu chuẩn chất lượng và các thủ tục liên quan đến lưu hành sản phẩm.
Năm 2019 khảo sát thực trạng, lập kế hoạch và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại sâu rộng. Năm 2020 sẽ tập trung hoàn thành việc xây dựng 5 sản phẩm có lợi thế của tỉnh được sản xuất theo chuỗi giá trị; đồng thời, nâng cấp sản phẩm, chuỗi giá trị các sản phẩm chuyên nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu chất lượng của thị trường trong nước, đáp ứng tiêu chí thương hiệu quốc gia.
Người dân tộc Dao giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2017. Ảnh: Nguyễn Quý
Từ năm 2013, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước phát động triển khai chương trình OCOP, từ đó đến nay đã tạo ra sự lan toả, tác động mạnh mẽ, thúc đẩy sản xuất hàng hoá, phát triển các tổ chức sản xuất, cải thiện thu nhập cho nhân dân, thay đổi bộ mặt nông thôn.
Được biết, trong tổng số 850 tỷ đồng thực hiện Đề án, có khoảng hơn 600 tỷ đồng huy động từ cộng đồng, còn lại hơn 200 tỷ đồng trích từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ.