Chơi game đến chết
Thanh niên vừa tử vong ở quán game là Đ.Q.H, quê Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. Theo cơ quan điều tra, H chơi game từ 19 giờ ngày 29.6 đến rạng sáng ngày 30.6 thì nằm nghỉ luôn tại quán. Mọi người tưởng H mệt nên không gọi. Đến chiều 30.6 thì phát hiện nạn nhân đã tử vong.
Trẻ ngồi lỳ 5 - 7 tiếng chơi game có thể làm rối loạn tâm thần, suy kiệt sức khoẻ, thậm chí đột quỵ gây tử vong (ảnh minh hoạ). Ảnh: Đàm Duy
Nguyên nhân H tử vong ban đầu được xác định là do viêm phổi cấp, suy nhược cơ thể vì không ăn uống gì trong thời gian dài.
Đây là trường hợp game thủ chết ngay trong quán game đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thế giới đã ghi nhận không ít trường hợp như vậy. Có game thủ (Trung Quốc) sau khi chơi game 23 tiếng đã chết cứng trong khi chơi, tay vẫn để trên bàn phím. Đáng nói, người chơi game bên cạnh vẫn mải miết chơi mà không hề phát hiện ra người bên cạnh đã tử vong 8-9 tiếng.
Nghiện game không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ mà còn là nguyên nhân khiến nhiều người phạm tội trộm cắp, cướp của để lấy tiền chơi game. Đáng sợ hơn, một số kẻ nghiện game trong cơn “khát tiền” chơi game đã xuống tay giết cả bà, cả mẹ mình.
Đầu tháng 7.2014, Công an tỉnh Thái Nguyên đã bắt giữ 2 anh em họ là Trần Văn Sơn (sinh năm 2000) và Trần Văn Đức (sinh năm 2001) vì đã giết bà để cướp 4 triệu đồng. Dù lúc phạm tội mới 15-16 tuổi nhưng hai đối tượng này tỏ vẻ rất máu lạnh. Sau khi giết bà, hai anh em lấy tiền đi chơi game thâu đêm suốt sáng, bình thản như không có chuyện gì xảy ra cho đến khi bị bắt. Qua lời khai, 2 anh em cho biết đều nghiện game đột kích và có thể chơi game 5-10 tiếng mà không cần ăn uống gì.
Tháng 1.2014, Công an tỉnh Hà Giang cũng đã bắt giữ 3 đối tượng giết người để lấy tiền chơi game. Một trong 3 đối tượng này là Nông Văn Công (sinh năm 1997), con trai của nạn nhân. Công khai nhận, do biết chỗ mẹ giấu tiền nên rủ 2 bạn game đến nhà giết mẹ, lấy đi 2,8 triệu đồng rồi đi chơi game tiếp.
Bác sĩ La Đức Cương – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư I nhận định, đáng sợ là suy nghĩ và hành vi của các đối tượng nghiện game đều xa lạ với thế giới hiện thực. Chúng có thể giết người “không chớp mắt” vì cho rằng thế giới thực cũng như thế giới ảo, giết người không phải đền mạng, không bị pháp luật trừng trị. Thậm chí, người nghiện game có thể còn ảo tưởng người bị giết có thể sống lại như trong game. Do đó, chúng có khả năng gây tội ác một cách rất nhẹ nhàng, tỉnh táo, vô cảm.
Mỗi năm Bệnh viện Tâm thần T.Ư I tiếp nhận vài chục ca nghiện game, số ca bệnh ngày càng gia tăng. Độ tuổi phổ biến là từ 15-25 tuổi, hầu hết là nam giới. Nhưng cá biệt có “ông” đã ngoài 50 tuổi cũng mê game đến quên ăn, quên ngủ, ngất xỉu bên màn hình, tỉnh dậy lại tiếp tục chơi. |
Tác hại vô cùng lớn
Bác sĩ Cương chia sẻ, nhiều bạn trẻ chơi game để giải trí, cho rằng game là thú vui lành mạnh. Tuy nhiên, khi đã nghiện game lại có tác hại vô cùng to lớn. Game là “món” dễ gây nghiện mà nhiều người không nhận biết để dừng lại.
“Tôi đã từng khám và điều trị cho 1 thanh niên học khoa công nghệ thông tin ĐH Bách khoa bị suy sụp đến mức không đi được vì chơi game. Cậu ta không chịu ăn uống, cơ thể suy kiệt nhưng gia đình không thể kéo cậu ta khỏi màn hình. Cuối cùng gia đình phải bắt trói cậu ta lại để đưa đến bệnh viện. Với các đối tượng này, nếu không cai game thì sớm hay muộn cũng bị kiệt sức đến chết” – bác sĩ Cương kể.
Bác sĩ Cương phân tích, nghiện game sẽ làm thay đổi lối sống của người nghiện, rối loạn nề nếp sinh hoạt, ăn uống thất thường, ngủ ít, ít giao tiếp, suy nghĩ, tình cảm đều chìm đắm trong thế giới ảo. Lâu dần cơ thể sẽ bị suy nhược hoặc biến đổi nhận cách như có các hành vi bất thường, hay cáu giận, hung hãn. Người nghiện game học hành bê trễ, không giao lưu, kết bạn, đầu óc lơ mơ trong thế giới game cũng không làm gì “nên hồn”.
Theo bác sĩ Cương, nghiện game là căn bệnh tâm thần ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Có trẻ giống như “dính chặt” vào màn hình, trở thành một phần của của trò chơi, cha mẹ gọi gì cũng không nghe thấy. Có trẻ lảm nhảm với những nhân vật trong game. Nếu cha mẹ ngăn cấm, cách ly trẻ với máy tính, trẻ đập phá, la hét điên cuồng.
Còn theo bác sĩ Lê Đào Nghĩa – Phó trưởng khoa tâm thần trẻ em (Bệnh viện Tâm thần Mai Hương, Hà Nội), người nghiện game cũng có những hội chứng cai như người nghiện heroin, ma tuý đá… Khi được chơi, họ sẽ hưng phấn, vui sướng, quên hết sự đời, bỏ qua sức khoẻ. Còn khi không được chơi cũng sẽ bồn chồn, cáu gắt, trầm cảm, hung hãn. Do đó, cha mẹ nên có những kiểm soát với việc chơi game của trẻ ngay từ đầu. Nếu để đến mức nghiện game thì việc cai nghiện khá khó.
“Yếu tố thúc đẩy một người nghiện game bao gồm: Môi trường (được bạn bè rủ rê chơi, sẵn có nơi để chơi, có tiền, nhàn rỗi), chất gây nghiện (có game online) và yếu tố tâm lý của chính bản thân người nghiện. Do đó, để “cai” game, trước hết nên “cắt” một hoặc tất cả các yếu tố nói trên thì người nghiện sẽ không có cơ hội tiếp cận trò chơi” – bác sĩ Lê Đào Nghĩa nói.
Game làm biến đổi nhân cách của giới trẻ. Hầu hết trẻ nghiện game đều khá “ngoan”, cho dù bị mắng mỏ cũng không giận nên cha mẹ thường ảo tưởng còn mình ổn. Nhưng đó là vì dù ngồi ở đâu, nói chuyện với ai thì người nghiện game cũng không nghe, không nhìn, không cảm nhận gì. Trẻ mê game đánh nhau cũng dễ trở nên bạo lực, hay cáu giận, thích làm “người hùng”, giải quyết xung đột bằng nắm đấm, thậm chí là vũ khí như… game”. Bác sĩ La Đức Cương |