Bà con ở bản Panh vốn ít nương, ít ruộng nên phải lên dãy núi Pú Púa để trồng ngô.
Được mùa cũng khổ
Ông Quàng Văn Mùn, ở bản Panh cho biết: Từ ngày khai thác nương trên Pú Púa này, mỗi vụ ngô các hộ cũng thu được mấy chục tấn. Nhưng chỉ khổ một nỗi là những vách đá dựng đứng không có đường lên, vì vậy từ khi tra hạt tới khi thu hoạch, tất cả đều gùi gánh đi bộ, rất vất vả.
Người dân bản Panh mở con đường lên bãi núi Pú Púa. |
Chị Quàng Thị Hải vẫn không thể quên được lần đầu tiên khi mới về làm dâu nhà chồng ở bản Panh, được lên Pú Púa thu hoạch ngô. Từ sáng đến chiều, chị chỉ thu về được một gánh ngô khoảng 35kg mà đau ê ẩm người mất mấy ngày.
Đường lên núi chỉ là lối mòn nhỏ. Dốc cao đến nỗi gót chân người đi trước chạm mặt người đi sau. Mỗi khi lên nương thu hoạch ngô, bà con phải dậy từ sáng sớm mà đến lúc mặt trời đứng bóng mới mang được 1 gánh ngô xuống. Nhà nào trồng được nhiều ngô thì gánh cả tháng không xong, bỏ thì tiếc mà mang ngô về thì cực nhọc trăm bề.
Quyết tâm bạt núi
Sau nhiều năm đổ mồ hôi sôi nước mắt với vách núi Pú Púa, dân bản Panh quyết định mở đường lên núi để đưa xe máy vào hoạt động. Việc mở đường đã được tính tới từ lâu nhưng vì nó quá khó khăn, tốn kém nên lại chìm vào quên lãng.
Tới vụ ngô xuân hè này, bàn đi tính lại, các hộ đều nhất trí, nếu không có đường, nhà nào cũng phải mất 4 tháng mới đưa được hết số lượng ngô thu hoạch về nhà. Trong khi đó, nếu mở đường cho xe máy lên được, chỉ mất đúng 2 tuần là hoàn thành, lại không vất vả.
Hơn nữa, có đường lớn có thể thâm canh tăng vụ, trồng thêm đậu xanh, đỗ tương… bà con có thêm thu nhập. Ít nhất mỗi năm cả bản cũng thu được 60-70 tấn ngô trên đó. Vậy là những hộ dân có nương ở trên đó cũng sẵn sàng góp công, góp của vào công cuộc mở đường, phá đá lên đỉnh Pú Púa.
Đã nói là làm. Đường lên Pú Púa hôm nay như công trường của bản. Mấy chục người, đủ già, trẻ, gái, trai hăng say đục đá, bẩy, san, gạt; tiếng máy khoan đá kêu đinh tai, tiếng hò hét vang dội vách rừng.
Bà Lò Thị Tết, bảo: "Làm cái đường này vất vả lắm vì vách đá dựng đứng, phía dưới lại có đường giao thông và nhà dân nên không được nổ mìn, toàn bằng sức người với xà beng, cuốc xẻng. Vậy nhưng chúng tôi cũng đã làm được hơn 1km rồi, chỉ còn đoạn ngắn nữa là đến được bãi bằng trên đỉnh núi".
Theo lịch phân công của trưởng nhóm, mỗi hôm, mỗi hộ gia đình cử một người đi lao động. Ngoài chiếc khoan đá ra, mọi việc bà con đều phải làm thủ công nên khối lượng công việc rất lớn.
Nhìn con đường mới mở bám vào triền núi như con rết khổng lồ, anh Quàng Văn Ọi ở bản Hụm, bảo: “Mỗi mét đường hình thành là mồ hôi công sức của mấy chục người dân bản Panh và bản Hụm chúng tôi. Có nhà còn hiến hơn trăm m2 đất cho đường chạy qua. Khó khăn thế đấy nhưng quyết phải làm xong cho sớm vì nó là con đường xóa nghèo của chúng tôi”.
Kiều Thiện