Ngày 4.7, với 100% đại biểu tán thành, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua tờ trình về việc điều chỉnh danh mục biệt thự công, trong đó sẽ rút 148 công trình ra khỏi danh mục quản lý.
Giải trình nội dung trên, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, chính quyền thành phố đã lập Hội đồng thẩm định và 2 tổ công tác liên ngành để đánh giá. Qua đó, cơ quan chức năng xác định điều chỉnh danh mục 970 biệt thự trong Nghị quyết 18 của HĐND TP về quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn.
Trưởng ban Pháp chế (HĐND TP Hà Nội) Nguyễn Hoài Nam nhiều lần chất vấn về quản lý biệt thự. Ảnh: Võ Hải.
Cụ thể, việc điều chỉnh được thực hiện theo hướng đưa một số biệt thự ra khỏi danh mục và xác định là công trình ở có kiến trúc, nhà phố, thống kê hai lần, điều chỉnh địa chỉ... Hà Nội cũng xác định 123 biệt thự đã phá dỡ hiện là đất trống hoặc đã cải tạo xây dựng lại thành nhà cao tầng.
"Sau khi điều chỉnh, danh mục 970 biệt thự của Nghị quyết số 18 sẽ còn 853 biệt thự", ông Dục nói.
Ngoài ra, với danh mục 225 biệt thự xây dựng trước năm 1945 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn quy định tại Nghị quyết số 24 của HĐND TP, cơ quan chức năng đề xuất đưa 3 biệt thự ra khỏi danh mục và xác định là công trình nhà ở có kiến trúc; điều chỉnh từ 9 biệt thự còn 5 do trước đây một biệt thự mang hai biển số nhà đã thống kê thành 2 biệt thự; điều chỉnh địa chỉ của 11 biệt thự.
Sau khi điều chỉnh, danh mục trong Nghị quyết 24 còn lại 218 biệt thự cũ.
Cử tri quận Hoàn Kiếm phản ánh, biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa (từng được nguyên Chủ tịch UBND TP Hoàng Văn Nghiên sử dụng) hiện đang bỏ hoang, gây lãng phí. Ảnh: Võ Hải.
Phát biểu về nội dung nêu trên, ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội cho rằng, báo cáo thẩm tra của cơ quan dân cử đã yêu cầu UBND TP phải giải trình rõ hơn về những hạn chế trong công tác quản lý biệt thự thời gian qua. Tuy nhiên, trong báo cáo trả lời của UBND TP chưa thấy nội dung này.
“Tôi mong Chủ tịch UBND TP cam kết với HĐND khoá này về việc không để danh mục biệt thự tiếp tục bị rút gọn, bởi khoá trước lãnh đạo thành phố và một số sở ngành, quận huyện làm chưa hết trách nhiệm, để xảy ra việc phá dỡ biệt thự nằm trong danh mục”, ông Nam nói.
Theo ông, thời gian qua "chúng ta đã bị mất 123 cái biệt thự", trong đó gần 70 biệt thự được phá dỡ theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước và đã được Chính phủ, thành phố đồng ý chủ trương; gần 50 biệt thự bị phá là do "chúng ta không quản lý tốt".
Thay mặt UBND TP, Phó chủ tịch Nguyễn Thế Hùng khẳng định, biệt thự với Hà Nội là di sản công trình xây dựng rất có ý nghĩa, đặc biệt với nội đô lịch sử.
Ông Hùng nói, sau năm 1954, tất cả biệt thự được đưa vào quản lý và sử dụng, tuy nhiên nhiều căn sử dụng không đúng công năng. Đến năm 2007, Chính phủ mới có Nghị định quản lý; sau đó Bộ Xây dựng ban hành thông tư hướng dẫn một số vấn đề liên quan.
“Lĩnh vực này là trách nhiệm của UBND TP trong thực hiện thẩm quyền được giao. Cùng với việc điều chỉnh hôm nay, UBND TP tiếp tục xác định trách nhiệm là sẽ quản lý tốt danh mục sau điều chỉnh, thực hiện đầu tư, cải tạo các biệt thự này theo đúng quy chế”, Phó chủ tịch Hùng cam kết.