Lãnh đạo TP.HCM cũng xác định, cầu được xây không chỉ rút ngắn khoảng cách giữa Cần Giờ với trung tâm thành phố mà còn kỳ vọng góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế của huyện đảo và dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Bao giờ có cầu?
Phà Bình Khánh - phương tiện giao thông chính nối Cần Giờ với trung tâm thành phố. Ảnh: Hồ Văn
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Cần Giờ có núi, biển và rừng… không khác gì Pattaya của Thái Lan hay Bali của Indonesia, là tiềm năng lớn để khai thác du lịch nghỉ dưỡng. Do đó, Cần Giờ nên xây dựng mô hình giống các khu du lịch nghỉ dưỡng này. |
Đó là câu hỏi mà người dân đặt vấn đề khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang về tiếp xúc cử tri tại huyện Cần Giờ vào cuối tháng 4.2017. Bà Trần Thị Thùy Trang thay mặt hàng nghìn người dân huyện Cần Giờ đã kiến nghị cùng Chủ tịch nước, cần sớm hoàn thành cầu nối Cần Giờ với trung tâm thành phố, đáp ứng mong mỏi của người dân.
“Việc đi lại của người dân về thành phố phải qua phà, chờ phà rất mất thời gian. Đi lại khó khăn thì việc buôn bán cũng ách tắc, người dân chúng tôi và cả huyện khó mà phát triển kinh tế nếu chưa có cầu. Mong Chủ tịch nước quan tâm chỉ đạo để dân Cần Giờ sớm có điều kiện đi lại” - bà Trang kiến nghị.
Trao đổi cùng cử tri, Chủ tịch nước cho rằng để Cần Giờ phát triển nhanh, bền vững, trở thành đô thị du lịch xanh, sạch thì điều tiên quyết phải sớm hoàn thành việc xây dựng cây cầu nối liền thành phố với huyện Cần Giờ. “Chắc chắn vấn đề này tôi sẽ đưa ra bàn cùng các cấp Trung ương, đẩy nhanh tiến độ xây cầu để không chỉ phục vụ việc đi lại của người dân mà còn giúp huyện Cần Giờ phát triển về kinh tế” - Chủ tịch nước khẳng định.
Theo ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, địa phương này cũng đã đề xuất với UBND TP.HCM về việc xây cầu Cần Giờ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, vừa rút ngắn khoảng cách với trung tâm thành phố vừa để phát triển kinh tế của huyện.
Chờ Chính phủ duyệt
Liên quan đến dự án xây dựng cầu Cần Giờ, ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho hay Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng cầu này. Hiện TP.HCM đang bổ sung cầu Cần Giờ vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thành phố cũng đã chấp thuận cho các Tập đoàn Trung Nam và Vingroup nghiên cứu thực hiện dự án xây dựng cầu Cần Giờ.
Người dân di chuyển từ bến phà Bình Khánh lên địa bàn huyện Cần Giờ. I.T
“Sở GTVT TP.HCM đánh giá dự án cầu Cần Giờ sẽ kết nối giao thông thuận tiện giữa nội thành và ngoại thành, tạo điều kiện để người dân đi lại dễ dàng. Nhưng hiện nay vẫn đang chờ Chính phủ phê duyệt” - ông Cường cho biết.
Trước đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ theo hướng là điểm đầu kết nối với Đường 15B (Nguyễn Lương Bằng nối dài) và điểm cuối kết nối với đường Rừng Sác, vận tốc thiết kế 60km/giờ, mặt cầu rộng 40m với 6 làn xe. Tổng vốn đầu tư khoảng 5.300 tỷ đồng.
“Việc thiết kế cầu phải mang tính độc đáo, đặc sắc, phù hợp với cảnh quan, tạo điểm nhấn ấn tượng cho du khách khi đến Cần Giờ” - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu.
Về hình thức đầu tư, ông Phong yêu cầu liên doanh Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam nghiên cứu thực hiện theo hình thức PPP. Trong đó có thể thực hiện hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) kết hợp BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và phương thức thanh toán cho nhà đầu tư ưu tiên dùng quỹ đất trên địa bàn huyện Cần Giờ.