Dân Việt

Khách sạn dành cho người chết bùng nổ ở Nhật Bản

An Hồng 05/07/2017 06:30 GMT+7
Tại các khách sạn dành cho người chết ở Nhật Bản, khách thuê phòng có không gian riêng tư để nói lời vĩnh biệt với người thân đã khuất.

Khách sạn Relation, nằm ẩn mình trong một khu phố ở Osaka, được thiết kế theo phong cách tối giản. Mỗi căn phòng đều có một giường đôi, ti-vi màn ảnh phẳng, cốc và bàn chải đánh răng. Nhưng điều đặc biệt là khách sạn Relation phục vụ cả những người còn sống và đã chết. Bên dãy phòng đối diện là nơi đặt quan tài của những người đã khuất. 

Như bao khách sạn khác, Relation cũng quy định giờ trả phòng không muộn hơn 3h chiều hàng ngày. 

Mô hình nửa khách sạn nửa nhà tang lễ như Relation đang ngày càng phổ biến ở Nhật Bản do áp lực già hóa dân số khiến các nghĩa trang truyền thống luôn trong tình trạng quá tải. Thay vì phải chờ đợi hết ngày này qua ngày khác, nhiều gia đình chọn giải pháp thuê phòng tại những khách sạn như Relation và tổ chức một tang lễ nhỏ cho người thân. 

Chi phí tổ chức tang lễ tại khách sạn dành cho người chết tiết kiệm hơn nhiều so với hình thức truyền thống. Theo Hiệp hội Tiêu dùng Nhật Bản, chi phí trung bình cho một lễ tang truyền thống tốn gần 18.000 USD. Trong khi đó, chỉ với khoản tiền bằng 10%  con số đó, gói dịch vụ rẻ nhất tại khách sạn Relation bao gồm một phòng dành cho người thân ngủ qua đêm, một bộ quần áo khâm liệm dành cho người đã qua đời, một quan tài trang trí đơn giản, vòng hoa, xe vận chuyển người chết từ bệnh viện tới khách sạn, rồi từ khách sạn ra nghĩa trang, và hũ đựng tro. Cứ mỗi đêm ở lại thêm, khách sạn tính phí phụ thu dưới 100 USD. 

img

Ảnh chụp màn hình.

Ông Hisao Takegishi, chủ khách sạn Sousou ở thành phố Kawasaki, ngoại ô Tokyo, chủ tâm dùng sơn tường tông màu nhạt, bàn ghế phủ màu xanh, trồng nhiều cây cối và bày trí đồ vật trong khách sạn theo phong cách tối giản hiện đại nhằm xóa đi cảm giác lạnh lẽo thường thấy ở nhà tang lễ.

"Tôi không muốn nơi này mang không khí đau buồn và cô đơn", ông Takegishi chia sẻ.

Trong những năm 1980, "lễ tang của người Nhật Bản thường khoa trương vì mọi người quan tâm tới việc người khác nghĩ gì về mình", ông Midori Kotani, nhà nghiên cứu cấp cao tại viện Dai-ichi Life, cho biết.

"Trước kia, nếu anh nói chỉ tổ chức tang lễ trong phạm vi gia đình, hàng xóm sẽ hỏi kiểu phán xét 'Loại người nào mà lại tổ chức tang lễ như vậy?' Nhưng bây giờ xã hội đã cởi mở hơn", ông Yoshihiro Kurisu, giám đốc của khách sạn Relation, nhận xét.

Bên cạnh lý do mối quan hệ hàng xóm láng giềng ở Nhật Bản ngày càng mờ nhạt khiến quy mô tổ chức tang lễ nhỏ hơn và đơn giản hơn, tình trạng già hóa dân số với áp lực ngày càng lớn lên dịch vụ mai táng cũng góp phần vào sự phát triển của mô hình khách sạn dành cho người chết.

Năm ngoái, có 1,3 triệu người già qua đời ở Nhật Bản, tăng 35% so với 15 năm trước đó, con số này sẽ là 1,7 triệu người vào năm 2040.  Khoảng 37% các cụ bà mất ở Nhật vào năm ngoái đều ngoài 90 tuổi, đồng nghĩa với việc họ không còn nhiều bạn bè hoặc người quen còn sống để đến dự tang lễ. Gần 20% các cụ ông sống độc thân cả đời nên không có con cái lo việc hậu sự, theo thống kê của Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi. Các chuyên gia nhận định nhu cầu cho loại dịch vụ này sẽ tiếp tục tăng.

"Chúng tôi cho rằng cung không đủ đáp ứng cầu, đặc biệt tại các thành phố lớn", theo ông Hiroshi Ota, một thành viên của hiệp hội nghĩa trang Nhật Bản.

Theo số liệu chính thức của chính phủ, số người già trên 65 tuổi tại Tokyo chết trong cô đơn đã tăng gấp đôi từ 2003 đến 2015. Ngoài ra, dù có dân số hơn 13 triệu người, thủ đô Tokyo chỉ có 26 nghĩa trang. Theo số liệu của viện Dai-ichi Life, khoảng 30% số người qua đời tại thành phố Tokyo được chôn cất mà không làm lễ mai táng so với 10% khoảng một thập kỷ trước đây.

Khi ông Hajime Iguchi mất ở tuổi 83, bạn bè ông hầu như đều đã không còn trên cõi đời này. Ông Iguchi không lập gia đình và không có con cái. Em gái và em rể quyết định tổ chức một lễ tang đơn giản cho ông tại khách sạn Sousou, ở thành phố Kawasaki, ngoại ô Tokyo. 

"Trước kia, chúng tôi tổ chức lễ tang tại nhà nhưng giờ phong tục đó đã thay đổi", em gái ông Iguchi, bà Kunie Abe hiện đã 73 tuổi, cho biết.

Tang lễ tiễn biệt ông Iguchi diễn ra vào mùa thu năm ngoái trong tiếng cầu kinh của nhà sư. Thi thể ông Iguchi nằm trong quan tài phủ lớp vải satin trắng muốt. Chỉ có 5 người thân có mặt tại lễ tang. Họ ngồi trên những chiếc ghế xếp đặt xung quanh quan tài.

Đợi nhà sư kết thúc bài kinh, tất cả mọi người đứng dậy, tiến đến sát linh cữu ông Iguchi, đặt lên ngực ông những bông hoa và những con hạc giấy.

Bà Abe, em gái ông, nghiêng người và nói khẽ vào tai người đã khuất "Vĩnh biệt!"