riều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên, có thể vươn tới bất cứ nơi nào trên thế giới. Theo đó, tên lửa Hwasong-14 mà Triều Tiên phóng thử hôm 4.7 đã đạt độ cao 2.802 km, bay được 933 km trong 39 phút trước khi bắn chính xác mục tiêu, đài truyền hình nhà nước Triều Tiên cho biết trong thông báo đặc biệt.
Bước tiến mới trong chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên khiến các nước láng giềng của nước này bao gồm Nhật Bản như "ngồi trên đống lửa".
Nhật Bản cảm thấy bị Triều Tiên đe dọa, một phần do sự hiện diện của các căn cứ quân sự Mỹ tại nước này. Đây là mối đe dọa Triều Tiên đã nhấn mạnh vào năm 1998 khi thử tên lửa Taepodong-1 trên không phận Nhật Bản.
Kể từ đó đến nay, Triều Tiên liên tục thử tên lửa, hạt nhân và đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc. Nhật Bản được cho là nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo tầm trung của Triều Tiên. Theo đó, các hòn đảo chính của Nhật Bản có thể trúng tên lửa Triều Tiên chỉ 10 phút sau khi tên lửa được phóng đi.
Để ngăn ngừa các mối đe dọa từ Triều Tiên, Tokyo đã thực hiện một số biện pháp tích cực riêng, bao gồm cài đặt các hệ thống phòng không sử dụng các tên lửa đất đối không Patriot PAC-3, cũng như trang bị các tên lửa SM-3 tầm xa hơn cho 4 tàu khu trục tối tân nhất. Tuy nhiên, vẫn không có gì chắc chắn, những hệ thống này sẽ hiệu quả hoàn toàn trong việc đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm trung lớn hơn, nhanh hơn và bay cao hơn mà Triều Tiên đã cải tiến trong những năm qua. Chẳng hạn PAC-3 có hiệu quả trong phạm vi khoảng 30 km nên chỉ có khả năng phòng thủ tại chỗ.
Theo đó, để củng cố và tăng cường khả năng phòng thủ, Tokyo đã ủy thác cho Mitsubishi và Raytheon phát triển tên lửa trên biển SM-3 bản tầm siêu xa mới nhằm bắn hạ tên lửa đối thủ trong giai đoạn vừa được phóng hoặc đang bay tới. Tuy nhiên, phiên bản SM-3 tầm siêu xa mới đã thất bại trong cuộc thử nghiệm lần thứ 2. Do đó, việc đưa vào sử dụng loại tên lửa này hiện tại vẫn chưa thể đáp ứng được.
Do đó, mặc dù Nhật Bản đang nhanh chóng nỗ lực để mua thành phần trên mặt đất cho lực lượng SM-3, bổ sung cho các tàu khu trục trên biển, sự an toàn của Nhật hiện tại trông chờ vào các tên lửa SM-3 Block I được trang bị trên 4 tàu khu trục hiện đại nhất của nước này thuộc lớp Kongo (gồm JDS Kongo, JDS Chokai, JDS Myoko và JDS Kirishima).
SM-3 Block I được thiết kế với 3 tầng động cơ đẩy nhiên liệu rắn cho phép đạt tốc độ đánh chặn gấp 10 lần vận tốc âm thanh, tầm bắn gần 611 km, độ cao bay 160km. Ngoài tên lửa, nó cũng có khả năng bắn hạ các vệ tinh.
Tuy nhiên, SM-3 Block I được cho là vẫn chưa đủ để giúp các tàu khu trục bảo vệ toàn bộ các hòn đảo của Nhật Bản. Ngoài ra, các nhà phân tích nghi ngờ SM-3 Block I có thực sự hiệu quả để tiêu diệt các đầu đạn đang bay tới. Trong các cuộc thử nghiệm, tên lửa này chỉ thành công trong việc đánh chặn các mục tiêu khoảng 70-80%.
Mặc dù từ năm 2012, Mỹ và Nhật đã đổ khoảng 3 tỷ USD (mỗi bên 1,5 tỷ USD) vào dự án phát triển một phiên bản SM-3 nặng hơn, nhanh hơn và tầm xa hơn - được gọi là SM-3 Block IIA. Tuy nhiên, phiên bản SM-3 Block IIA có tầm bắn trên lý thuyết là 2.172 km, di chuyển với tốc độ gấp 15 lần vận tốc âm thanh này đã thất bại trong lần thử đánh chặn mục tiêu thứ 2 diễn ra vào ngày 22.6 mới đây.
Dĩ nhiên, một lần thất bại không có nghĩa là SM-3 Block IIA không hiệu quả, nhưng điều đó cho thấy việc đánh chặn các tên lửa đạn đạo khó khăn đến mức nào. Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất của Mỹ được đặt ở Alaska và California cũng có tỷ lệ thất bại tới gần 40% trong các cuộc thử nghiệm. Theo đó, nếu không có gì thay đổi SM-3 Block IIA dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng năm 2018 miễn là nó chứng minh thành công trong lần thử tiết theo.