Sáng nay, 26.9, Triển lãm “Nghệ thuật Đông Sơn” khai mạc tại 42 Yết Kiêu (Hà Nội), giới thiệu những thành tựu rực rỡ của Văn hóa Đông Sơn- niềm tự hào chung của dân tộc Việt. Dấu ấn của tổ tiên vẫn nguyên đó, ẩn chứa trong những vòng tiếp tuyến, qua nghệ thuật của bao đời Đinh, Lý, Trần, Lê... và kéo dài tới hôm nay.
TS Nguyễn Việt và công trình phục dựng khuôn mặt cư dân Văn hóa Đông Sơn. |
Tìm về quá khứ
Trong hơn 100 hiện vật về Văn hóa Đông Sơn được trưng bày tại cuộc triển lãm do Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á tổ chức lần này, người xem sẽ được chiêm ngưỡng những bảo vật trong bộ sưu tập của nhiều nhà sưu tập cổ vật Hà Nội đem tới.
Đó là bức tượng đôi trên cán dao găm, tượng gắn trên trống, mô hình ban nhạc, mô hình nhà, các bản rập hoa văn trống đồng, trống đồng, hạc đồng... thêm vào đó là bộ sưu tập vải, quả, hạt, dao, vũ khí... được đưa tới từ Bảo tàng Phạm Huy Thông.
Công chúng sẽ còn được thấy những hoạt cảnh lạ trên trống đồng như: Người múa trên lưng voi, hoạt cảnh dài và đồ sộ về thuyền của người Việt thời tiền sử, các mảng nghệ thuật Đông Sơn đã mất như vải sợi và đan lát, gỗ mộc, sơn then, nhạc cụ...
TS Nguyễn Việt- Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cho biết: “Triển lãm lần này là một cơ hội để giới sưu tập, các nhà nghiên cứu, các nhà khảo cổ và công chúng tôn vinh nền Văn hóa Đông Sơn- đỉnh cao huy hoàng nhất trong toàn bộ tiến trình mỹ thuật Tiền Sơ sử Việt Nam và Đông Nam Á cách đây 1.800 năm đến 2.500 năm. Nền văn hóa này đã trực tiếp tạo dựng những tiền đề xã hội cho dân tộc Việt Nam bước vào ngưỡng cửa văn minh, với các hình thái xã hội tiền nhà nước và nhà nước sớm như: Văn Lang, Âu Lạc”.
Dấu ấn quật cường
Trong lời mở cuốn sách của mình về Văn hóa Đông Sơn, GS Hà Văn Tấn đã viết: “Không có sự thống nhất Đông Sơn, sẽ không có sự hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà Trưng nổi dậy chống xâm lược từ 65 thành trì. Và tiếp đó, là cuộc đấu tranh kiên trì để rồi một nghìn năm sau, giành lại nước... Đông Sơn còn gặp trong ngày hôm nay, khi "miếng giầu là đầu câu chuyện", khi lễ phồn thực vẫn tiến hành trong các làng quê, khi người ta còn chơi trống đồng và cồng chiêng trong ngày hội...”.
Điều này đã được khẳng định trong quá trình tìm kiếm hiện vật tiêu biểu cho mỹ thuật Đông Sơn của các nhà khảo cổ. TS Nguyễn Việt- người nổi tiếng với công trình phục dựng gương mặt các cư dân Văn hóa Đông Sơn cho biết: “Tôi may mắn được nghiên cứu trực tiếp 3 tượng đôi thuộc sưu tập tượng trên cán dao găm thời Đông Sơn, 2 trong số đó đang được trưng bày tại Pháp và Thụy Sĩ. Cả cặp tượng đôi này đều khắc họa hình ảnh 2 quý tộc nữ sinh đôi ngồi xổm trên bành voi rất gần gũi với hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi trong cuộc khởi nghĩa làm chấn động cả Đông Á”.
Nghiên cứu những cổ vật từ thời Đông Sơn, các nhà khảo cổ đã thực sự khâm phục khả năng thể hiện nội dung mỹ thuật thông qua nghệ thuật làm tượng khối của người Việt cổ. Từ trước tới nay, mỹ thuật Đông Sơn vẫn được cho là chủ yếu diễn đạt nội dung trên bề mặt phẳng hai chiều (2D) bằng thủ pháp khắc vạch trên phôi sáp ong hay trong lòng khuôn đất mịn, nhưng qua các hiện vật được phát hiện đã chứng minh, nhận định này chưa thấy hết được nét tài hoa của các cư dân Văn hóa Đông Sơn.
Một thời văn minh huy hoàng đã mất nhưng vẫn hiển hiện trong từng ngóc ngách của đời sống hôm nay.
Lê Tâm