Dân Việt

Bồng Miêu chây ỳ đóng cửa mỏ vàng, Quảng Nam yêu cầu hoàn thổ

Trương Hồng 05/07/2017 15:22 GMT+7
Việc công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu chây ỳ đóng cửa mỏ vàng theo quy định khiến Quảng Nam nhiều lần yêu cầu thực hiện việc đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường...

Ngày 5.7, UBND huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có công văn số 733 về việc phúc đáp Công văn số 34-17/BGM ngày 16.6 của Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu.

Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, bằng CV số 34, công ty Bồng Miều gần như phủi trách nhiệm bảo vệ tại những địa điểm khai thác trước đây. “Bằng văn bản này, công ty xin kính báo nội dung làm việc như trên tới quý cơ quan. Nếu quý cơ quan không có ý kiến chỉ đạo khác, thực hiện yêu cầu chỉ đạo của lãnh đạo Huyện ủy Phú Ninh như đã nêu trên, chúng tôi sẽ rút lực lượng bảo vệ tại của lò Núi Kẽm; chỉ tập trung lực lượng bảo vệ an ninh tài sản tại khu vực nhà máy và khu nghỉ nhân viên. Các tài sản của cty trong khu vực cửa lò chính Núi Kẽm bao gồm các công trình cổng cửa, hàng rào bảo vệ xung quanh, khu vực bãi chứa đá thải và đầm lầy, hệ thống hồ lắng tháo khô mỏ, khu vực bãi chứa quặng với 250 tấn quặng đã khai thác… Các tải sản này là một phần của toàn bộ tài sản của cty vàng Bồng Miêu. Theo đó, chúng tôi sẽ chính thức bàn giao khu vực này cho chính quyền huyện Phú Ninh để triển khai lực lượng bảo vệ ANTT, an toàn để các tài sản của cty vàng Bồng Miêu trong khu vực này được xử lý đúng theo quy định của pháp luật để từ ngày 30.6.2017…” công văn thể hiện.

Theo UBND huyện Phú Ninh, năm 2016 UBND tỉnh Quảng Nam thông báo yêu cầu Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu dừng các hoạt động khai thác, chế biến vàng. Cục địa chất thuộc Bộ TN&MT đã yêu cầu công ty tiến hành lập và thực hiện phương án đóng cửa mỏ theo quy định.

Tuy nhiên, cho đến nay Bồng Miêu vẫn chưa đóng cửa mỏ, trong khi đó số công nhân bảo vệ từ 170 người đến nay chỉ còn lại 21 người bảo vệ tài sản, thiết bị, máy móc tại khu vực nhà máy sản xuất và chốt giữ khu vực miệng lò chính tại Nhà Thùng, Núi Kẽm. Những khu vực khai thác thuộc trách nhiệm quản lý của công ty nhưng bị thả lỏng. Lợi dụng tình hình trên, một số đối tượng tại địa bàn xã Tam Lãnh và ở các nơi khác tập trung đến khai thác vàng trái phép tại các khu vực trải đều trên địa bàn xã: Suối tre, AD, AM, Ngách Chụm, bãi Thầu Đâu, Sò Rò, lò 5, lò 7, lò 10, Thác Trắng, Đồi Sim, Hố Gần, Vực Bộng, Gò Đều và khu vực giáp ranh (Đàn Thượng, Tam Lãnh - Tiên Lập, Tiên Phước).

img

Mỏ vàng Bồng Miêu đang bị yêu cầu đóng cửa mỏ và cty đang nợ hơn 100 tỷ đồng tiền thuế

Đặc biệt, từ cuối tháng 3.2017 đến nay mỗi ngày có từ 20-30 người tham gia khai thác vàng trái phép tại khu vực ngách Gió Lò 10. Các đối tượng đi vào bên trong hầm lò bằng các đường lò khai thác cũ và đường thoát nước hoặc đi từ lò 5, lò 7 thông qua lò chính; các cột đá chống trần đường hầm đã bị đục để lấy quặng. Nhiều tảng đá lớn phía trên đường lò không có điểm tựa, nguy co rơi rớt, sập hầm, ngạt khí dẫn đến chết người. Bên cạnh đó Bồng Miêu cũng không tiến hành phục hồi môi trường, hoàn thổ, quản lý diện tích đã khai thác nên có khoảng 60 hộ dân vào lấn chiếm trồng cây keo trên diện tích khoảng 125ha (khu vực đồi Sim 85 ha, núi Kẽm 40 ha).

Xuất phát từ tình hình bức xúc trên, hơn 1 năm qua thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và với trách nhiệm trong công tác quản lý khoáng sản, bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân và ANTT trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành của huyện và UBND xã Tam Lãnh triển khai nhiều biện pháp quản lý như vận động người dân đang ở trong các đường hầm trong khu vực núi Kẽm khai thác, chế biến vàng trái phép rời khỏi khu vực để phòng tránh nguy hiểm đến tính mạng. Tổ chức lực lượng tăng tần suất truy quét nhằm phá hủy, làm mất tác dụng nhiều phương tiện và đẩy đuổi trên 450 người ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản trái phép góp phần kiềm chế, không để phát sinh phức tạp.

img

UBND huyện Phú Ninh yêu cầu cty vàng Bồng Miêu phải đóng cửa mỏ và hoàn thổ

“Hiện nay, công ty chưa thực hiện việc đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật nên quản lý mọi mặt ở đây thuộc trách nhiệm của Bồng Miêu. Huyện chỉ có trách nhiệm hỗ trợ, không để các đối tượng vào khai thác vàng trái phép nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, bảo vệ tài sản quốc gia và giữ vững ANTT trên địa bàn. Trong thời gian đến chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng để hỗ trợ nhằm giữ vững ANTT trên địa bàn. Tuy nhiên cũng đề nghị Bồng Miêu khẩn trương thực hiện việc đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời cty phải chịu trách nhiệm quản lý mọi mặt trong phạm vi diện tích được Nhà nước giao bao gồm cả việc bảo vệ an toàn hầm lò, bảo vệ ANTT, bảo vệ tài sản, bảo vệ tài nguyên quốc gia” - ông Nguyễn Phi Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh nêu rõ.

Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu hiện đang nợ hơn 100 tỷ đồng tiền thuế đối với tỉnh Quảng Nam và nợ gần 4 tỷ đồng tiền hảo hiểm của Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng. Theo Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng công khai danh sách nợ BH đối với hàng loạt công ty, doanh nghiệp, trong đó Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu nợ 3,824,383,883 đồng, trong đó nợ BHXH là 2,159,468,976, nợ BHYT 60,363,225 đồng, nợ BHTN 28,876,100…

Như Dân Việt đã thông tin, ngày 1.9.2016, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn thông báo cho công ty Bồng Miêu việc tỉnh không xem xét đề nghị Bộ TN-MT cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản vàng tại mỏ vàng Bồng Miêu, đồng thời yêu cầu cty dừng hoạt động khai thác vàng, khẩn trương thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định, bàn giao khu vực mỏ cho địa phương quản lý và chủ động xây dựng lại phương án tổ chức hoạt động của doanh nghiệp sau khi không được cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.

Tiếp đến, ngày 19.7.2016, Bộ TN-MT có công văn yêu cầu Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu chấm dứt toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản trong diện tích 358ha; tổ chức quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích khu vực khai thác, thực hiện nghĩa vụ khác như đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai…

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.