Năm 1984, vợ chồng ông Huỳnh Tấn Liên từ xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) xoay xở được mấy chục đồng đủ trả xe đò và vài ngày ăn dọc đường lên xã Tân Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) với ý định lập nghiệp dài lâu. Vừa đi làm mướn,vợ chồng ông vừa khai hoang 5.000m2 đất để cất nhà và sản sản xuất.
“Ban đầu, vợ chồng tôi lúc trồng mì (sắn), lúc tỉa bắp hoặc thả dây khoai lang làm lương thực thay gạo. Năm 1990, tôi mới chuyển sang trồng cà phê. Sau 20 năm, cây cà phê không những giúp gia đình tôi vượt được nghèo, mà còn có chút vốn lận lưng”- ông Liên kể.
Năm 2009, xã Tân Hội được T.Ư chọn xây dựng thí điểm mô hình NTM và Hội ND được giao làm nòng cốt hướng dẫn ND chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến. Ông Liên mạnh dạn chuyển 5.000m2 từ cà phê sang trồng ớt luân canh hoa theo quy trình công nghệ do các kỹ sư khuyến nông hướng dẫn, giám sát.
Trên diện tích này, ông thiết kế 1.500m2 trồng trong nhà lưới với vốn đầu tư 150 triệu đồng, được ngân sách hỗ trợ 50%; sau 2 năm chỉ phải hoàn trả 50% của nguồn hỗ trợ. 1.000m2, ông trồng ớt theo tiêu chuẩn VietGap. Trong sổ ghi chép của ông Liên, mới nửa cuối tháng 8.2011, ông đã thu được 10 triệu đồng bán ớt. Dự kiến, kết thúc vụ ớt vàng, ông thu 15 triệu tấn (thời điểm tháng 9.2011 giá bán 25.000 đồng/kg) và ớt đỏ thu khoảng 8.000 đồng/kg (giá bán 15.000 đồng/kg).
Trước khi trồng ớt, ông đã trồng 3 lứa hoa cúc bán trong dịp Noel cùng Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, doanh thu trên 50 triệu đồng/lứa, trong khi vốn và công đầu tư chưa tới 10 triệu/lứa. Giữa tháng 6, ông tiếp tục xuống giống ớt đỏ và ớt vàng.
Ông dành 500m2 chuyên canh 5.000 cây giống rau xà lách, mỗi năm thu chừng 10 đợt, mỗi đợt bán không dưới 3,5 triệu đồng, trong khi chi phí khoảng 1 triệu đồng/đợt. So với cà phê, lợi nhuận của ớt, hoa, rau gấp 10 lần.
“Nếu có nhiều vốn, tôi sẽ trồng hoa cao cấp trên toàn bộ diện tích đang trồng ớt, rau hiện nay, lợi nhuận tương đương 1ha ớt trồng trong nhà lưới”- ông Liên tâm sự.
Khuynh Diệp