Tố cáo sai phạm, yêu cầu bồi thường
Tiếp nhận thông tin Bộ Công an sẽ vào cuộc điều tra, ngư dân Đinh Công Khánh- Chủ tàu BĐ 99086 TS (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) cho hay: “Nhất định phải làm rõ trắng đen, ai sai phải chịu trách nhiệm… chứ ậm ờ mãi, tội ngư dân lắm”.
Theo ngư dân Khánh, con tàu vỏ thép mang “trọng bệnh” đang khiến gia đình anh lâm nợ, vợ chồng cãi vã… mọi chuyện rơi vào túng quẫn, chưa có lối thoát. Trong khi đó, số tiền nợ ngân hàng đã quá hạn nên mỗi ngày anh phải trả hơn 3 triệu đồng tiền lãi.
Tàu vỏ thép của ngư dân Mai Văn Chương (được đóng tàu công ty TNHH Đại Nguyên Dương) bị hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: D.T.
“Ngân hàng cứ đòi nợ, nhưng chúng tôi đành chịu vì lỗi này là do doanh nghiệp đóng tàu. Họ dùng máy không chính hãng khiến hư hỏng nhưng chưa sửa chữa nên tàu phải nằm bờ. 20 lao động không có công ăn việc làm, còn tôi thì khư khư giữ tàu chứ không đi đâu được. Bạn đi biển cũng bỏ tàu, tôi mua 6 triệu đồng/ tháng/ người nhưng chả ai dám theo vì tàu hư hỏng quá nhiều”- ngư dân Khánh chia sẻ.
Nhiều ngư dân cho rằng, khi Bộ Công an vào cuộc điều tra, trên cơ sở đúng sự thật họ sẵn sàng tố cáo hành vi gian dối của doanh nghiệp, để bảo vệ quyền lợi chính đáng.
“Hiện nay, tôi đã làm đơn yêu cầu doanh nghiệp bồi thường với số tiền hơn 1 tỷ đồng do 6 tháng nằm bờ gởi lãnh đạo địa phương nhờ giúp đỡ. Tôi vẫn đang chờ được cơ quan chức năng giải quyết”- ngư dân Khánh cho hay.
Ngư dân Đinh Công Khánh- Chủ tàu BĐ 99086 TS (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) buồn bã vì tàu hư hỏng. Ảnh: D.T
Thu thập đầy đủ bằng chứng!
Ông Võ Tuân- Chủ tàu BĐ 99018 TS (tàu đóng tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương) chia sẻ: “Ngư dân rất mừng khi được Thủ tướng quan tâm chỉ đạo vì con tàu là tài sản nhà nước hỗ trợ vay vốn ngân hàng. Nhưng doanh nghiệp đã làm sai, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Nhiều thiết bị trên tàu 67 hàng chục tỷ đồng đã bị rỉ sét. Ảnh: D.T
Ngư dân Tuân “tố” hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp đóng tàu như: Máy bảo ôn trong hợp đồng là của nước Ý/ Đức nhưng doanh nghiệp lại trang bị máy Trung Quốc, điều đáng nói ngư dân phải trả tiền theo máy của Đức/ Ý.
Riêng thép đóng tàu, trong khi ngư dân trả tiền thép Nhật Bản/ Hàn Quốc thì doanh nghiệp đóng tàu lại dùng thép Trung Quốc và rất nhiều thiết bị không đúng hợp đồng.
“Bộ công an vào cuộc điều tra, ngư dân rất ủng hộ. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ bằng chứng để nói lên sự thật. Bên cạnh đó, ngư dân đã được chính quyền trang bị kiến thức để khởi kiện doanh nghiệp. Riêng việc họ hứa khắc phục, chúng tôi vẫn đang chờ động thái cụ thể doanh nghiệp sẽ xử lý ra sao?”- ông Tuân cho biết.
Ngư dân Bình Định đang kiểm tra tình trạng máy hỏng hóc trên tàu 67. Ảnh: D.T
Theo ông Hà Ngọc Tân- Phó chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định), nhiều ngư dân đóng tàu tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) bị hư hỏng đã được chính quyền địa phương hỗ trợ hồ sơ, pháp lý để chuẩn bị khởi kiện doanh nghiệp ra tòa.
“Bộ công an vào cuộc điều tra là điều quá tốt, niềm vui của ngư dân sau nhiều tháng yêu cầu doanh nghiệp sửa sai, khắc phục. Góc độ địa phương, nếu có yêu cầu chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mình để bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân. Hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp ra tòa đang được chuẩn bị rất kỹ lưỡng vì vụ việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến Nghị định lớn của Chính Phủ”- ông Tân cho hay.
Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra, làm rõ Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ vụ việc đóng tàu kém chất lượng ở Bình Định và một số địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 8.2017. Trước đó, Báo Dân Việt cùng nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh tình trạng 19 con tàu 67 của ngư dân Bình Định (đóng tại 2 công ty TNHH Đại Nguyên Dương và công ty TNHH MTV Nam Triệu) bị hư hỏng liên tục, phải nằm bờ chờ sửa chữa. |