Liên quan đến vụ 8 người tử vong khi chạy thận tại Hoà Bình, đầu giờ chiều ngày 5.7, bác sỹ Lương đã được tại ngoại, về với gia đình. Bữa cơm đầu tiên sau khi được tại ngoại có lẽ là bữa cơm rất đầm ấm, hạnh phúc của gia đình anh.
Một quyết định đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật
Bác sỹ Lương chưa đến mức phải áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam. Điều này đã được phân tích, mổ xẻ cả hai tuần nay bởi các chuyên gia y tế, pháp lý và cộng đồng mạng. Quyết định cho BS Lương tại ngoại đã chứng thực điều đó. Vậy tại sao cơ quan điều tra lại ra quyết định tạm giam?
Ths. Trần Thị Trang- Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế- Bộ Y tế
Câu trả lời nghiêng nhiều về khả năng là do áp lực xã hội và tính nhạy cảm của vụ việc. Điều luật khởi tố với bác sỹ Lương có khung hình phạt tối đa 15 năm thuộc loại tội rất nghiêm trọng nên có thể áp dụng biện pháp tạm giam theo quy định tại khoản 1 Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy vậy, nếu chiểu theo khoản 1 Điều 109 thì chưa cần thiết áp dụng biện pháp này với Bs Lương. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định là "có thể" và trao quyền nhận định về sự cần thiết bắt hay không cho cơ quan điều tra, căn cứ vào các tình tiết cụ thể của vụ án. Nên việc tạm giam Bs Lương vừa qua là "không sai" nhưng thận trọng hơn mức cần thiết.
Lý giải nguyên nhân bác sĩ Lương bị tạm giam
Tử vong tới 8 người là một hậu quả rất nghiêm trọng. Những người thực thi công vụ đứng trước áp lực cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, chứng cứ phạm tội, phòng ngừa nguy cơ tiêu huỷ, sai lệch chứng cứ, thông cung giữa những người liên quan... Bên cạnh đó, suốt một thời gian dài trước đây dư luận xã hội phê phán gay gắt với ngành y tế do những sự cố y khoa xảy ra. Nếu không tạm giam có thể khiến dư luận nghi ngờ có sự bao che, ví như, 8 người chết mà y bác sỹ vẫn vô can, ngoài vòng pháp luật. Điều này không phải không có cơ sở nếu xét đến sự "đỏng đảnh" khó đoán của dư luận xã hội gần đây.
Quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn đối với bác sĩ Hoàng Công Lương
Ví dụ, trong suốt quá trình xét xử vụ án hoa hậu, không ít dư luận lên án, phê phán toà án không triệu tập nhân chứng, vi phạm thủ tục tố tụng, hạn chế tranh tụng.... nhưng đến khi phán quyết xong thì lại rầm rầm khen thẩm phán là anh minh, cứng rắn, rồi biểu tượng của công lý, hay hoa hậu nếu đặt trong bối cảnh khác sẽ bị lên án, phê phán kịch liệt thì khi đặt trong một vụ án có nhiều điểm đối nghịch lại vô tình được dư luận nương tay, thậm chí chuyển sang ca tụng là nữ anh hùng.
Thế nên, để trấn an dư luận, an toàn mà vẫn đúng quy định thì tạm giam là hơn cả, lại thuận tiện cho việc lấy lời khai, xét xử, thi hành án (nếu có). Rất may, dư luận đã chuyển sang có cái nhìn cảm thông, chia sẻ với ngành y tế, trường hợp của Bs Lương lại có nhiều tình tiết gỡ tội, cộng với sự sát cánh của đồng nghiệp trong ngành vừa thanh minh, chia sẻ chuyên môn và gửi đơn kiến nghị nên anh đã sớm được tại ngoại.
Ai lên tiếng bảo vệ bác sĩ?
Nhân đây cũng phải nhìn nhận một thực tế là dư luận xã hội ngày càng có áp lực kinh khủng lên rất nhiều vấn đề xã hội, lên hoạt động của cơ quan nhà nước. Nếu đúng thì là một điều tốt nhưng nếu phiến diện, cảm tính, không đủ thông tin nó sẽ nhấn chìm nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến tính khách quan, làm chùn bước hoặc sai lệch các quyết định của những người chưa đủ cứng rắn, bản lĩnh, sáng suốt.
Quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bác sĩ Hoàng Công Lương.
Bs Lương được tại ngoại trước hết vì anh có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng công lớn phải kể đến sự đồng lòng sát cánh của đồng nghiệp. Rất nhiều người đã lên tiếng ủng hộ anh. Trong đó, Hội hồi sức chống độc và Tổng hội y học Việt Nam đã bản lĩnh, trách nhiệm có những kiến nghị cần thiết, kịp thời để đề nghị tại ngoại cho Bs Lương. Họ đã làm đúng tôn chỉ, mục đích của hội là bảo vệ hội viên trong các quan hệ xã hội. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh không ít hội chỉ là hội hè lập cho có phong trào và vô can trước những vướng mắc của hội viên.
Một số người cũng chất vấn sao Bộ Y tế không lên tiếng. Xin thưa, dưới góc độ quản lý nhà nước và phân công, phân cấp trong bộ máy nhà nước, có một nguyên tắc quan trọng là hành pháp và lập pháp không được can thiệp vào tư pháp. Vì vậy, để bảo đảm tính khách quan, không bao che thì không can thiệp là phù hợp. Tuy vậy, trước những thông tin chuyên môn thuận lợi cho Bs Lương, Bộ trưởng cũng đã chỉ định Vụ trưởng Vụ Pháp chế là người phát ngôn chính thức về việc này. Các tổ chức có trách nhiệm đứng ra kiến nghị, bảo vệ Bs Lương phải là các tổ chức hội, đoàn thể như hội nghề nghiệp, tổ chức công đoàn và đơn vị nơi công tác. Điều này đã được quy định trong điều lệ hoạt động, trong đó có một khoản riêng trong điều về nhiệm vụ của các tổ chức này.
Cũng cần phải nói thêm một điều là việc bảo vệ Bs Lương là dưới góc độ chuyên môn và đồng nghiệp trong ngành. Mọi vấn đề có tội hay không phải do các cơ quan bảo vệ pháp luật chứng minh. Chưa ai đủ căn cứ khẳng định BS Lương hoàn toàn không liên quan gì cũng như không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án, quyết định có hiệu lực của toà án.
Siết chặt quản lý trong bảo dưỡng trang thiết bị, hóa chất dùng trong y tế
Trong một diễn biến liên quan khác, hôm qua, cơ quan điều tra đã công khai kết quả kiểm nghiệm mẫu nước RO cho thấy hàm lượng axit flohydric vào khoảng 52,6mg/l, cao gấp 263 dư lượng cho phép. Hàm lượng này quy định trong TCVN 4581-89 và Dược điển 4 về tiêu chuẩn nước tinh khiết, nước cất dùng trong y tế chỉ là dưới 0,2mg/l nhưng là dư lượng tự nhiên trong nước chứ không được phép chủ động đưa vào. Tiêu chuẩn của Mỹ năm 2007 đang được thừa nhận áp dụng tại VN cũng chỉ ở ngưỡng này. Đối với hoá chất tẩy rửa vệ sinh hệ thống máy lọc, hoá chất này cũng không trong danh mục cho phép. Điều này khiến không ít người, ngay cả các thầy thuốc cũng thấy rùng mình. Vấn đề quản lý khâu bảo dưỡng trang thiết bị, quản lý hoá chất dùng trong y tế chắc chắn cần phải được siết chặt hơn nữa trong thời gian tới.
Mặc dù đã có đầy đủ quy định trong Quy chế bệnh viện và các văn bản liên quan khác nhưng có lẽ cần phải áp dụng quy trình kiểm tra, đối chiếu chặt chẽ như quy trình cấp phát, sử dụng thuốc cũng như tăng cường kinh phí đầu tư để có hệ thống thiết bị thay thế lẫn nhau khi bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa vì thời hạn dư lượng bão hoà lên tới 14 ngày trong khi hầu hết các bệnh viện đều quá tải nhu cầu người bệnh.