Dân Việt

Vừa gỡ vướng mắc vay vốn, vừa tìm thị trường tiêu thụ

Thanh Xuân 07/07/2017 06:20 GMT+7
Hôm 4.7, Hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao” được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ NNPTNT chỉ đạo Báo NTNN/Báo Điện tử Dân Việt tổ chức tại Hà Nội.

Cần bổ sung chính sách liên quan 

Phát biểu tại hội thảo, ông Lại Xuân Môn - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN cho biết: Từ cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cần phải có một gói tín dụng dành 100.000 tỷ đồng với cơ chế vay ưu đãi, thuận lợi, thông thoáng nhất để khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), nông nghiệp sạch ở nước ta.

“Việc Chính phủ chỉ đạo về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi và việc đến nay đã có 8 ngân hàng thương mại cam kết dành hơn 100.000 tỷ đồng để cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5 - 1,5%/năm so với các chương trình cho vay khác, đã mang đến nhiều hy vọng cho doanh nghiệp cũng như người dân làm NNCNC nhằm phát triển nền nông nghiệp  hiện đại, bền vững” - Chủ tịch Lại Xuân Môn nhấn mạnh.

img

 Hội thảo thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo chuyên gia, doanh nghiệp và nông dân.ảnh ĐÀM DUY

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NNPTNT) cho biết: Bộ đã xác định Chương trình NNCNC cần gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Cũng theo bà Thủy, thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các văn bản, chính sách liên quan tới CNC ứng dụng trong nông nghiệp; rà soát sửa đổi luận đất đai, tháo gỡ pháp lý để tích tụ ruộng đất cho sản xuất quy mô lớn đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. “Bộ NNPTNT sẽ sớm hoàn thiện văn bản hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC cho các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn; kiến nghị nhanh chóng thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục giao dịch tài sản đảm bảo tại ngân hàng thương mại” - bà Thủy cho biết.

Ở góc độ thị trường, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng: Khi nói tới giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư vào NNCNC không thể không nhắc tới tầm quan trọng của thị trường. Theo ông, NNCNC muốn đạt hiệu quả vẫn phải có thị trường tiêu thụ và đạt giá thành cao”. Ông cũng lấy ví dụ, quả vải thiều của Việt Nam trước kia sản xuất chủ yếu là đại trà, sản xuất ứng dụng CNC rất ít. Thị trường giai đoạn 2013-2014 diễn biến không tốt, ảnh hưởng tới đầu ra do sản lượng vải thiều chất lượng cao còn ít.

Từ năm 2015 tới nay, Bộ Công Thương và các địa phương đã phối hợp xúc tiến thị trường trong nước cũng như đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu vài thiều. Trong những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2017, đầu ra của vải thiều ổn định với giá thành cao. “Tại tuần lễ vải thiều ở Lục Ngạn mới đây, tôi có hỏi nông dân thì nhiều người chia sẻ, giá bán vải loại 1, chất lượng tốt nhất là 65.000 đồng/kg. Chính vì người dân sản xuất vải chất lượng cao, gắn với thị trường nên đã bán được với giá rất cao” - ông Tuấn cho hay.

Còn nhiều vướng mắc về thủ tục vay vốn

Việc Chính phủ cam kết có một gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi và việc đến nay đã có 8 ngân hàng thương mại cam kết dành số tiền hơn 100.000 tỷ đồng để cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5 - 1,5%/năm so với các chương trình cho vay khác đã mang đến nhiều hy vọng cho doanh nghiệp cũng như người dân làm NNCNC”.
Ông Lại Xuân Môn - Chủ tịch T.Ư Hội NDVN

Ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) lo ngại việc hầu hết các sản phẩm của NNCNC, nông nghiệp sạch đang thiếu thị trường tiêu thụ ổn định, chưa có đủ công cụ cần thiết để phân biệt và bảo vệ sản phẩm dạng này trên thị trường nên hiệu quả đầu tư còn hạn chế.

Điều đặc biệt là các công trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC như nhà kính, nhà lưới... chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.

Ông Nguyễn Hồ Nguyên – Tổng Giám đốc Công ty Lenger Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đã đầu tư rất lớn vào vùng nuôi ngao sạch bền vững và ứng dụng CNC vào việc chế biến ngao sạch. Nguồn vốn tín dụng của ngân hàng có ý nghĩa sống còn với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến, sản xuất, cung cấp ra thị trường các nông sản sạch, chất lượng cao. “Tôi hy vọng trong thời gian tới, trong gói 100.000 tỷ đồng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ dành những khoản mức ưu đãi với lãi suất tốt nhất cho các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến, cung cấp nông sản sạch” - ông Nguyên bày tỏ.

Đại diện cho các ngân hàng thương mại đang triển khai gói tín dụng này, ông Nguyễn Đức Hưởng – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienVietPostBank cho biết, tính đến tháng 7.2016 ngân hàng này đã phê duyệt cấp tín dụng đầu tư, phát triển cây mắc ca với tổng số tiền hơn 373,575 tỷ đồng. Thời gian tới, ngân hàng này sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng sản phẩm tín dụng dành riêng cho các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC đặc thù như trồng rau, trồng hoa và tiên phong triển khai một số chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, với lãi suất thấp nhất chỉ 5,75%/năm. /.