Tiếp nối ông Nguyễn Trọng Hỷ-Chủ tịch VFF, bầu Kiên (Hà Nội), bầu Đức (HAGL), bầu Thắng (ĐT.LA), bầu Tiến Anh (K.Khánh Hòa), 9 giờ 30 sáng 26.9, đến lượt ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Tập đoàn T&T đăng đàn giao lưu trực tuyến với người hâm mộ trên bongdaplus.vn.
Dưới đây là tổng hợp của Dân Việt.
Mở đầu cuộc giao lưu, bầu Hiển thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của mình về những tồn tại của bóng đá VN: “Về ý kiến của một số Chủ tịch CLB ở cuộc Đối thoại doanh nghiệp làm bóng đá mới đây, theo tôi có cái đúng, có cái sai. Nhưng dù sao đi nữa, các ông bầu nên phê phán ít thôi, phải bàn bạc, thảo luận trên tinh thần xây dựng, đưa bóng đá VN phát triển theo hướng chuyên nghiệp thực sự.
Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Tập đoàn T&T. Ảnh Bongdaplus |
Tôi nghĩ bóng đá là cấu thành của xã hội. Xã hội vận động và phát triển thì bóng đá cũng vận động để phát triển. Trong quá trình phát triển, chúng ta vẫn phải hoàn thiện và hoàn chỉnh. Các nhà quản lý bóng đá, từ quản lý nhà nước đến CLB hãy bình tĩnh ngồi lại, tổ chức những cuộc hội thảo chuyên đề, với tâm huyết, kiến thức của mình, với thái độ cầu thị, trên tinh thần xây dựng tích cực cho bóng đá VN nói chung và CLB nói riêng.
Chỉ có thế, chúng ta mới thật sự đóng góp cho bóng đá trên con đường tiến lên bóng đá chuyên nghiệp thực sự. Với người hâm mộ, những trái tim yêu bóng đá, tôi mong họ sẽ tiếp tục cổ động cho bóng đá VN. Bóng đá VN đã có những thành tích tại châu lục, khu vực, tôi tin, chúng ta sẽ tiếp tục đạt thành tích cao hơn hơn và xa hơn nữa như kỳ vọng của người hâm mộ.
Về vụ “lật kèo” của Công Vinh, bầu Hiển nói: “Trong khoảng thời gian ở Hà Nội T&T, Công Vinh đã nhận được nhiều ưu đãi. Công Vinh là người đầu tiên được ra nước ngoài thi đấu, khi chấn thương được đưa sang châu Âu chữa trị. Toàn bộ kinh phí do tôi chi trả.
Cá nhân tôi đánh giá cao Công Vinh. Anh ấy chuyên môn tốt, khéo léo. Nhưng hành động của Công Vinh mới đây khiến tôi bất ngờ, cảm thấy rất tiếc. Tôi hiểu cuộc sống cầu thủ không dài, và khi có CLB trả giá cao hơn thì cầu thủ có thể đi theo tiếng gọi của đồng tiền. Trong trường hợp của Vinh, nếu cầu thủ nghĩ 1, thì người lớn phải nghĩ 10. Chúng ta có thể làm mất đi thương hiệu của con cháu mình, khiến họ trở thành thất hứa. Thực lòng, tôi không trách Vinh vì tôi coi Vinh như con, như cháu.
Nếu trách Vinh thì tôi phải trách mình trước bởi vụ việc này đã làm méo mó hình ảnh của cầu thủ số 1 Việt Nam. Nếu có điều gì đó cần nói với Vinh lúc này thì tôi chỉ chúc Công Vinh trưởng thành, chín chắn hơn trong suy nghĩ. Ở đâu cũng vậy, Công Vinh cũng cần quyết tâm để hoàn thành trách nhiệm với CLB và bóng đá VN”.
Trong mối “quan hệ” với bầu Kiên, ông Hiển khẳng định: “Tôi chia sẻ với bầu Kiên bởi bầu Kiên cũng là bóng đá Hà Nội và đang cần phải bổ sung lực lượng. Tôi ủng hộ mục đích của bầu Kiên. Có Công Vinh rồi, bầu Kiên có trách nhiệm tạo điều kiện cho Vinh phát triển vì bóng đá Hà Nội, bóng đá VN. Về cái tên CLB bóng đá Hà Nội, Hà Nội T&T đã đăng ký mùa giải vừa qua cho đội bóng hạng Nhất rồi. Điều này, có lẽ bầu Kiên không biết và tôi nghĩ bầu Kiên nên xem lại”.
Đến với bóng đá bằng tình yêu, sự đam mê, bầu Hiển đã bày tỏ rõ quan điểm của mình: “Tôi vẫn nói vui với mọi người rằng ta yêu nhau chẳng cần ai làm chứng. Từ suy nghĩ ấy, bầu Kiên yêu Công Vinh và Công Vinh yêu bầu Kiên thì họ tự nguyện đến với nhau. Tôi ủng hộ tình yêu ấy.
Tôi cho rằng, trong cuộc sống cũng như bóng đá, nói thì dễ, làm mới khó nên cá nhân tôi cứ làm việc, cứ cống hiến và phần đánh giá thuộc về người xung quanh. Tôi là người của hành động và tôi vẫn đang hành động. Điều quan trọng nhất là mình làm được gì, cống hiến ra sao cho người hâm mộ, cho CLB, và cho bóng đá VN. Đến với bóng đá mà không có tình yêu thì chỉ đến rồi đi rất nhanh. Khi đến với tình yêu, đừng nghĩ được hay mất.
Yêu là yêu hết mình, dâng hiến hết mình và nuôi dưỡng nó. Tôi là một doanh nhân, tôi có được như ngày hôm nay là nhờ ơn xã hội. Tôi muốn dâng hiến tình yêu của tôi cho bóng đá và thông qua bóng đá, tôi muốn gửi lời cám ơn của tôi với xã hội.
Bên cạnh đó, nhờ bóng đá, tôi cũng được nhiều người biết đến và tôi được cháy hết mình với tình yêu của mình. Tôi nhận được sự động viên, ủng hộ của rất nhiều người, không phân biệt tuổi tác, giới tính. Khi nhận ra tôi, họ vui vẻ động viên. Đó là tình cảm rất lớn mà tiền không mua được và tình yêu của tôi được đền đáp. Thú thật, tôi chưa thấy mình mất gì mà chỉ có được thôi.
Trong tình yêu, có lúc vui, lúc buồn, lúc giận hờn. Lúc vui, chúng ta yêu nhau hơn, lúc giận hờn thì chúng ta phải nghĩ ra giải pháp để giữ tình yêu đó, biến giận hờn thành niềm vui. Sau nhiều năm làm bóng đá, tôi yêu cả những giây phút hạnh phúc lẫn giận hờn và đó mới là bóng đá, đó mới là tình yêu đẹp”.
Liên quan tới “giá trị ảo” của cầu thủ gắn với những khoản tiền lót tay bạc tỷ gây phản ứng trong dư luận, bầu Hiển cho rằng:
“Đó cũng điều mà tôi trăn trở nhiều năm qua. Tôi vào bóng đá sau nhiều doanh nhân khác và chuyện lót tay cho cầu thủ hình thành, xác lập từ trước đó rất lâu. Khi tôi vào làm bóng đá, tôi là người mới nên phải đi theo vì đó là tiền lệ và hiện nay vẫn đang diễn ra. Tôi nghĩ rằng, cầu thủ không có lỗi mà lỗi thuộc về những người làm quản lý bóng đá. Để giải quyết vấn đề này, các nhà quản lý phải ngồi lại để tìm giải pháp để cân bằng quyền lợi của cầu thủ và CLB.
Quảng cảnh buổi giao lưu với bầu Hiển. Ảnh Bongdaplus |
Chúng ta cũng nên chia sẻ vì cuộc đời cầu thủ ở thời kỳ đỉnh cao ngắn, nếu không quan tâm đến họ thì bóng đá VN không phát triển. Với những cầu thủ có văn hóa, chuyên môn tốt thì xứng đáng thu nhập cao. Vấn đề là bên cạnh đó phải làm sao giúp họ, thậm chí bảo ban họ cống hiến xứng đáng với thu nhập, đóng góp cho CLB và bóng đá VN. Đó là cái mà chúng ta cần quan tâm. Các CLB khác nhau ở điểm này do cách quản lý, mà xuất phát từ người đứng đầu”.
Đứng trước những khúc mắc về việc 1 ông chủ sở hữu 2 đội bóng, bầu Hiển chia sẻ: “Đây là điều dư luận quan tâm trong mấy năm qua và bây giờ, tôi sẽ có câu trả lời chính thống. Đầu tư cho bóng đá tốn rất nhiều tiền mà tình yêu là chưa đủ. Nhiều người yêu bóng đá, nhiều người có tiền nhưng đầu tư vào bóng đá cần có máu bóng đá, muốn phát triển bóng đá chuyên nghiệp.
Điểm khác nhau là ở khả năng đầu tư bởi đầu tư cho một CLB tốn rất nhiều tiền. Về pháp lý, Hà Nội T&T thuộc Công ty cổ phần thể thao T&T, SHB Đà Nẵng thuộc Công ty cổ phần thể thao SHB Đà Nẵng. SHB tài trợ cho Công ty cổ phần thể thao SHB Đà Nẵng và T&T tài trợ cho Công ty cổ phần thể thao T&T. SHB và T&T là 2 công ty hoạt động độc lập theo luật doanh nghiệp. Về việc này, VFF đã thanh tra hàng năm và khẳng định đó không phải là tình trạng 1 ông chủ - 2 đội bóng. Tôi chỉ là CĐV yêu mến cả hai CLB ấy thôi.
Thực tế, Đà Nẵng là một cái nôi bóng đá có truyền thống. Thương hiệu SHB và thương hiệu Đà Nẵng vô cùng cao quý. Tất cả các cán bộ, nhân viên, cầu thủ phải có ý thức phát triển nó. Cao cả hơn là phải tôn trọng người hâm mộ cả nước. Khi SHB vào với Đà Nẵng sau 1 năm đã có được chức vô địch V.League sau 17 năm chờ đợi. Đối với SHB Đà Nẵng, trong chuyên môn, các nhà chuyên môn có toàn quyền; còn các nhà quản lý có toàn quyền về quản lý, mọi thứ được tách bạch.
Theo quan điểm của tôi, để phát triển bóng đá không thể thiếu sự đầu tư một cách nghiêm túc và bài bản. SHB Đà Nẵng đã được đầu tư một cách nghiêm túc và thỏa đáng. Họ được đầu tư trước cả Hà Nội T&T. SHB Đà Nẵng luôn đặt mục tiêu vô địch. Khi gặp Hà Nội T&T, họ cũng coi đây là đối thủ cản đường. Họ thi đấu với tất cả quyết tâm. Năm vừa rồi cơ bản đã thi đấu tốt nhưng có những trận lẽ ra phải thắng thì lại mất điểm đáng tiếc ví dụ như gặp Hà Nội ACB, K.Khánh Hòa.
Tôi chỉ mong tất cả hãy theo dõi các trận SHB Đà Nẵng thi đấu sẽ thấy sự minh bạch của chúng tôi. Trong những năm trước, những trận đấu giữa SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T diễn ra rất trung thực và sòng phẳng. Cụ thể là giai đoạn 2 V.League 2009, 2010, những trận đấu giữa hai đội bóng luôn kịch tính và sòng phẳng.
Muốn bóng đá phát triển, người làm bóng đá phải tự trọng và có lương tâm thì mới làm tốt cho bản thân và cho mọi người. Làm không tốt thì sẽ tự giết mình, bị đào thải khỏi cuộc chơi chứ không giết được bóng đá.
Hiện nay, Hà Nội T&T có hệ thống đào tạo từ U11 đến hạng Nhất-điều mà rất ít CLB có được. Chúng tôi đã vô địch U19, U15 đạt HCB và Hà Nội T&T đang đi những bước đi ban đầu của chuyên nghiệp là đầu tư cho bóng đá trẻ. Tới đây, các cầu thủ trẻ của Hà Nội T&T sẽ lên thi đấu ở hạng Nhất và từ hạng Nhất lên chuyên nghiệp.
Hà Nội T&T sẽ xây dựng bóng đá trẻ theo mô hình của Thể Công trước đây. Hà Nội T&T đã vô địch V.League, Siêu Cúp QG rồi, thì mục tiêu phía trước chắc chắn sẽ là phải khẳng định được vị trí ở AFC Cup, AFC Champions League. Chúng tôi từng bước tiến xa một cách vững chắc theo lộ trình, hướng tới sự phát triển bền vững.
Tuệ Minh (tổng hợp)