Đó là điều mà ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc sở NNPTNT TP.HCM e ngại khi đại biểu chất vấn về hiệu quả hoạt động của Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM tại tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND khóa IX TP.HCM ngày 6.7.
Đại biểu Nguyễn Minh Nhựt
Cụ thể, theo đại biểu Nguyễn Minh Nhựt, Trung tâm được thành phố giao rất nhiều chức năng trong đó có việc nghiên cứu ra các vaccin hỗ trợ cá và các loại động vật. Nhưng nhiều sản phẩm mới khi nghiên cứu xong lại vướng các quy định của Bộ NNPTNT nên không thể đưa ra thị trường.
“Đây là vấn đề quan trọng vì nó gắn liền đến an toàn thực phẩm và và giúp ích nông nghiệp nói chung. Vai trò của Sở NNPTNT phải làm gì để Trung tâm hoạt động hiệu quả?”, đại biểu Nhựt chất vấn.
Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. Ảnh Nguyên Vỹ
Thừa nhận điều này, ông Trung cho biết Trung tâm Công nghệ Sinh học là một trong những đơn vị đầu ngành nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nhưng có nhiều sản phẩm đang bị vướng các quy định của Bộ. Theo ông, Sở NNPTNT đã nhiều lần làm việc với Cục Thú y để đề nghị xem xét hỗ trợ thủ tục công nhận sản phẩm mới như giống mới vaccine cho cá tra.
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM
“Hoặc như Trung tâm đã nghiên cứu lai tạo ra một số giống lai mới nhưng nếu theo quy trình hiện nay là phải đem thử nghiệm, khảo nghiệm đại trà ở nhiều nơi. Nhưng e rằng giống mới chưa ra được thị trường thì đã bị ăn cắp giống mất rồi”, ông Trung trăn trở.
Vì thế, theo ông Trung, sở đang xin phép Bộ cho phép được thử nghiệm, khảo nghiệm nhưng trong những khu vực mà sở này kiểm soát được. “Như vậy mới đảm bảo là giống mới không bị mất trước khi được công nhận là tiến bộ khoa học kỹ thuật”, ông Trung chia sẻ.
Trung tâm Công nghệ Sinh học là một trong những đơn vị đầu ngành nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Ảnh Nguyên Vỹ
Được biết, Trung tâm Công nghệ Sinh học đã đăng ký bản quyền “Tạo vi khuẩn nhược độc đột biến gene Wzz làm vắc xin kháng bệnh gan thận mủ cho cá tra”. Đây là loại vắc xin sử dụng phương pháp tắm cho cá tra được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam.
Hiện nay, bệnh cá tra ở Việt Nam có thể gây tổn thất 20% sản lượng. Khi được ứng dụng rộng rãi, vắc-xin này mỗi năm mang lại nguồn lợi cả ngàn tỷ đồng nhờ giảm được khoản chi phí mua kháng sinh, các loại thuốc cho cá.
Theo, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, việc áp dụng công nghệ sinh học vào thủy sản được coi là mấu chốt để nâng cao chuỗi giá trị sản xuất và vaccine được xác định là mũi nhọn trong chiến lược hoạt động của Trung tâm trong giai đoạn tới.