Hội nghị diễn ra sôi nổi dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn và tham gia điều hành của các Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý, Lương Quốc Đoàn, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng. Nhiều ký kiến chia sẻ, đề xuất về xây dựng mối liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân, giữa Hội NDVN và doanh nghiệp...
Giữa những ý kiến của doanh nghiệp, Chủ tịch Lại Xuân Môn đã chia sẻ nhiều vấn đề về phát triển nông nghiệp bền vững ở nước ngoài và những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc của nông nghiệp trong nước. Ảnh: Đàm Duy.
Phát biểu tại hội nghị gặp gỡ giữa Chủ tịch Hội NDVN Lại Xuân Môn với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn diễn ra sáng nay, 7.7 ở Hà Nội, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc Công ty CP giống cây trồng Thái Bình cho rằng, để phát triển nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, doanh nghiệp và nông dân phải tạo được mối liên kết "cùng thắng"...
Nông nghiệp như "mỏ vàng" nhưng chưa khai thác hiệu quả
Ông Trần Mạnh Báo cho rằng, Việt Nam có 3 lợi thế mạnh. Đó là nông nghiệp, du lịch và nguồn nhân lực. Nông nghiệp có thế mạnh, là lợi thế cạnh tranh khi Việt Nam hội nhập, nhưng hiện nay lợi thế này chưa được khai thác hiệu quả. Một trong những nguyên nhân đó là mối liên kết giữa "các nhà" chưa hiệu quả, trong đó có mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp không thể đi làm ăn, ký kết với từng hộ nông dân nhỏ lẻ, cá thể. Mối liên kết này thời gian qua lỏng lẻo, nông dân bỏ hợp đồng với doanh nghiệp xoành xoạch. Để mối liên kết này chặt chẽ thì doanh nghiệp phải hợp tác thông qua 1 pháp nhân đại diện, đó là hợp tác xã. Mặc dù có sự chuyển đổi Hợp tác xã theo luật mới năm 2012, nhưng xin thưa, hầu hết vẫn là "bình mới rượu cũ". Các Hợp tác xã vẫn hoạt động èo uột, thiếu vốn, trình độ quản lý thấp..." - ông Báo nói.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình. Ảnh: Đàm Duy.
"Chúng tôi đầu tư cho 1 Hợp tác xã ở Hà Nam 500 triệu đồng để xây dựng khu tập kết, bảo quản nông sản. Nhưng qua mấy năm họ vẫn chưa làm được, nông sản vẫn phải để vạ vật trên nền nhà...Để nông dân khấm khá được từ làm nông nghiệp, bám trụ nông thôn, chúng ta phải có hệ thống Hợp tác xã, Tổ hợp tác mạnh...Và Hội NDVN cần có vai trò mạnh mẽ hơn trong việc hướng dẫn, hỗ trợ hình thành những loại hình kinh tế tập thể tiên tiến như vậy...", ông Trần Mạnh Báo đề đạt.
Theo ông Trần Mạnh Báo, Hội NDVN có vai trò tác động để góp phần giúp nông dân làm giàu, doanh nghiệp phát triển bền vững. Vai trò đó của Hội NDVN cần thể hiện rõ ở 5 hoạt động. Đó là Hội NDVN cần thể hiện vai trò dẫn dắt hội viên, nông dân; lấy tín nhiệm của Hội đã bảo lãnh cho 1 số hoạt động dịch vụ cho nông dân; tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách của nhà nước, của doanh nghiệp, của Hội đến với nông dân; đứng ra kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân, chủ trang trại, Hợp tác xã, tổ hợp tác...
Lý giải về việc vì sao hô hào rất nhiều, nhưng hiện nay mối liên kết giữa nông dân-doanh nghiệp tại nước ta vẫn rất yếu, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho rằng, lâu nay Nhà nước có không ít chính sách đầu tư vào nông nghiệp nhưng hiệu quả thì rất nhỏ giọt.
“Thứ nhất, hiện nay có thực tế là nhà nước đưa ra một số chính sách cho nông nghiệp, nhưng nhằm mục đích quản lý nhiều hơn là mang lại lợi ích trực tiếp cho các đối tượng trong chính sách. Các cơ quan, ngành, địa phương được thành lập cũng là để quản lý chính sách dễ hơn. Người làm chính sách chưa sâu, sát thực tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc mặc dù nhà nước ban hành nhiều chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nhưng hầu hết đã bị lỗi thời...” - ông Huy nói.
Ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đàm Duy.
Đề xuất về mối liên kết giữa nông dân-doanh nghiệp, ông Huy cho rằng, muốn gắn kết bền vững, thì hãy đưa ra cho 2 đối tượng này những sự lựa chọn, đem đến lợi ích cho các bên. "Lâu nay, câu chuyện gắn kết giữa nông dân-doanh nghiệp đã được nói đi nói lại rất nhiều, được đẩy lên thành phong trào “nóng” ở nhiều địa phương, nhưng thực sự chưa có nhiều mối liên kết hiệu quả. Hiện tôi đang làm chuỗi sản xuất tôm ở Bạc Liêu, Sóc Trăng. Tại đây có vài doanh nghiệp còn yếu rất hào hứng tham gia xu hướng này, nhưng những doanh nghiệp có vốn, chủ động được thức ăn thì gần như không muốn tham gia...” – ông Huy bày tỏ.
Theo ông Huy, ở nông thôn, hiện nay khó nhất vẫn là vốn đầu tư cho sản xuất (thường đến từ 3 nguồn: vốn tự có, vay ngân hàng, vay đại lý theo hình thức nợ vật tư, giống nông sản). Một số nơi đang có thêm dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật đầu vào cho người nuôi tôm, cũng rất thuận lợi và loại hình dịch vụ này đang phát triển khá tốt.
Ông Huy nhấn mạnh: “Với vai trò Hội NDVN, tôi cho rằng để giúp bà con gắn kết chặt chẽ hơn trong mối liên hệ với doanh nghiệp, Hội ND cần nắm sát diễn biến thực tế ở các vùng sản xuất, để giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất, bỏ sự dễ dãi trong làm ăn, sản xuất...”.
Chuỗi sản xuất nông sản nhìn từ Nhật Bản
Để làm rõ hơn nội dung trọng tâm của hội nghị cũng như gợi mở những vấn đề mong các đại biểu, quý doanh nghiệp tập trung thảo luận, Chủ tịch Lại Xuân Môn đã chia sẻ những kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp bền vững ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là những thông tin mà ông Lại Xuân Môn nắm được trong chuyến công tác tìm hiểu về nông nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc mới đây.
Chủ tịch Lại Xuân Môn nêu ví dụ ở Hàn Quốc, Nhật Bản nuôi 1 triệu con lợn thì đ quy hoạch phải bao gồm kết cấu hạ tầng từ đường, điện, nước... đến tận cơ sở chăn nuôi. Sau quy hoạch, Nhật Bản và Hàn Quốc mới đưa ra số liệu 5-10 năm phải phát triển bao nhiêu tấn lợn. Sau khi quy hoạch về số lượng, phải đi vào khảo sát những nơi có điều kiện chăn nuôi lợn, sau đó cấp phép cho những nơi có đủ tiêu chí để nuôi.
Tiếp theo đó, nhà nước đặt hàng các viện nghiên cứu để nghiên cứu ra các giống lợn có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh. Rồi quy hoạch nhà máy thức ăn chăn nuôi đảm bảo cho số lượng lợn đã được quy hoạch. Nhà máy thức ăn chăn nuôi phải đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, nhưng đồng nhất một loại giá. Tiếp theo đó là quy hoạch khu giết mổ, rồi quy hoạch kho đông lạnh, cuối cùng sản phẩm thịt ra thị trường qua đấu giá.
Chủ tịch Lại Xuân Môn chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, xây dựng chuỗi nông sản tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: Đàm Duy.
"Như vậy, nông dân ở Nhật Bản, Hàn Quốc rất nhàn và sản xuất tốt bởi nền nông nghiệp của họ đã quy hoạch bài bản, đảm bảo cho sản xuất. Người nông dân chỉ biết sản xuất theo đúng quy trình, đầu vào và đầu ra đã có doanh nghiệp lo. Nhưng ở Việt Nam thì lại khác. Chúng ta mới chỉ có quy hoạch về số lượng, rồi thả nổi chứ không có sự quản lý về thức ăn chăn nuôi, con giống, chưa quan tâm về nơi giết mổ, chế biến, nơi tiêu thụ. Mặc dù chưa nuôi đến số lượng lớn như định hướng quy hoạch nhưng vừa qua tình trạng lợn đã dư, thừa, giá xuống tận đáy, phải giải cứu lợn đến bây giờ vấn chưa xong. Vì thế chúng ta phải giải quyết tận gốc vấn đề, đó là quy hoạch phải gắn với sản xuất, theo chuỗi sản xuất, nhà nước phải vào cuộc...", Chủ tịch Lại Xuân Môn chia sẻ.
Những chia sẻ với những thông tin của Chủ tịch Lại Xuân Môn, ông Phan Thanh Hùng - Giám đốc Công ty Ba Huân, yếu tố quan trọng để gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản là phải tạo ra lợi nhuận kép. Khi giá lên thì nông dân chia sẻ với doanh nghiệp, khi giá xuống doanh nghiệp chia sẻ với nông dân. Khi xảy ra rủi ro, doanh nghiệp đứng ra đền bù và hỗ trợ cho nông dân. Công ty Ba Huân hiện nay là 1 trong số ít những doanh nghiệp đầu tư rất lớn vào xây dựng chuỗi chăn nuôi gia cầm, trứng gia cầm sạch để tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Phan Thanh Hùng- Giám đốc Công ty Ba Huân Miền Bắc chia sẻ kinh nghiệm hình thành chuỗi sản phẩm trứng gia cầm và hình thành mối liên kết giữa Công ty Ba Huân với nông dân. Ảnh: Đàm Duy
Cùng hướng ý kiến của ông Phan Thanh Hùng, ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam (1 chi nhánh của Lenger Hà Lan) cho rằng, hiện nay doanh nghiệp này đang tập trung vào hình thành chuỗi sản xuất, nuôi trồng và chế biến ngao (nghêu). Doanh nghiệp của ông Nguyên hiện nay đang xây dựng các vùng nguyên liệu cũng như xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến sản phẩm nghêu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyên cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác, phối hợp với Hội NDVN các cấp trong việc hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia xây dựng vùng nuôi, trồng nghêu nguyên liệu...
Cần chính sách hướng tới doanh nghiệp vừa và nhỏ
Rất tâm huyết với việc Hội NDVN tổ chức buổi gặp mặt và trao đổi với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP giống cây trồng T.Ư chia sẻ, doanh nghiệp của bà đang liên kết với 1 vạn nông dân từ sản xuất giống, dưa lưới, lương thực.
"Tôi nghĩ không nên đổ tội cho nông dân, vấn đề nằm ở chỗ doanh nghiệp có đầu ra, có chia sẻ với nông dân không? Ví dụ, khi chúng tôi làm lúa ở ĐBSCL, nông dân ban đầu họ không tin chúng tôi vì doanh nghiệp ở ngoài Bắc vào, nhưng tôi vẫn kí giá sàn. Khi giá xuống tôi không hạ giá, giá lên, tôi cùng nông dân chia đôi. Vì tôi có đầu ra ổn định, gạo bán 1.000USD/kg. Nông dân hoàn toàn họ nghiêm túc, chúng tôi nghiêm túc. Để nông dân tham gia vào chuỗi, doanh nghiệp có đầu ra ổn định, có chia sẻ lợi ích một cách thoả đáng, giữ chữ tín với người nông dân. Tất cả nông dân rất cần doanh nghiệp, vấn đề chỉ là cách ứng xử của doanh nghiệp như thế nào...", bà Liên tâm huyết thổ lộ.
Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP giống cây trồng T.Ư (Vinaseed) cho rằng, đừng đổ lỗi cho nông dân trong việc đổ bể liên kết trong sản xuất. Quan trọng là doanh nghiệp làm ăn có bài bản, nghiêm túc và có đầu ra cho nông sản ổn định, bền vững hay không. Ảnh: Đàm Duy.
Bà Liên cho biết, không có tiền thì không thể làm nông nghiệp công nghệ cao: "Với 3 lĩnh vực, chúng tôi đầu tư 270 tỷ (gần 11 triệu USD) cho sản xuất nông nghiệp, trong đó nông nghiệp công nghệ cao 4 triệu USD. Sản phẩm đầu tiên đã ra mắt thị trường, ước tính doanh thu từ 4 – 5 tỷ/ha. Doanh nghiệp chúng tôi hy vọng với cách làm của mình sẽ trở thành doanh nghiệp lõi để liên kết các nông dân Hà Nam và vùng đồng bằng Ssng Hồng".
Để doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong mối liên kết với nông dân, nhà nước cần ban hành các cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì với các doanh nghiệp lớn hàng trăm nghìn tỷ với các mô hình công nghệ hiện đại, sức lan toả này chưa lớn, nông dân khó theo được...", bà Liên bày tỏ.
Theo bà Liên, các doanh nghiệp nông nghiệp khác với các doanh nghiệp nói chung là cần có đất đai. Luật đất đai cũ với chính sách hạn điền đã không còn phù hợp. Với chính sách hiện nay, tích tụ ruộng đất, doanh nghiệp của bà Liên chỉ tích tụ 20 ha của hơn 400 hộ, và phải trả tiền thuê 20 năm. "Nhưng hiện, chúng tôi chưa có giấy tờ gì chứng minh tài sản trên đất đai như nhà kính, công nghệ, máy móc để mang đi thế chấp vay ngân hàng. Do vậy cần điều chỉnh sửa đổi luật đất đai, hành lang pháp lý về tích tụ đất đai, để có thể đảm bảo tài sản thế chấp...".
Nhà nước hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghiệp
Là 1 trong những đại biểu đại diện cho nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ông Trần Minh Sơn đến từ Ninh Bình cho rằng, góp phần không để ra xảy ra tình trạng được mùa mất giá, chính vụ dư thừa thì nhà nước phải có chính sách khuyến khích đầu tư công nghệ bảo quản, sau thu hoạch, đặc biệt là quy trình, công nghệ trồng cây trái vụ. Từ kinh nghiệm của gia đình, ông Sơn cho biết đang trồng 17 loại cây ăn quả nhưng do xử lý ra quả trái vụ nên nông sản làm ra luôn đắt hàng, chỉ không đủ để bán chứ đừng nói là dư thừa.
Ông Trần Minh Sơn chia sẻ về kỹ thuật làm cây ra trái vụ. Ảnh: Trần Quang.
Theo đó, ông Sơn cho rằng một trong những biện pháp giải quyết cốt lõi vấn đề “được mùa mất giá” ở nông dâm, nhà nước cần hỗ trợ chuyển giao KHKT, đào tạo nông dân kỹ thuật, kỹ năng xử lý cây ra trái vụ...
Còn ông Đỗ Văn Thưởng, nông dân giỏi đến từ xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, để phát triển nông nghiệp rất cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ hỗ trợ thiết thực của nhà nước về đất đai, tín dụng ưu đãi, đặc biệt là sự định hướng quy hoạch vùng sản xuất tập trung phù hợp với lợi thế từng địa phương. Và dù có chính sách ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao, nhưng nhà nước cũng cần chú ý đầu tư, hỗ trợ đối với những hộ nông dân sản xuất nông nghiệp tiên tiến bởi với đa số nông dân bình thường thì khó "với" tới nông nghiệp công nghệ cao...
Ông Nguyễn Văn Đoan- Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014 ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội đề nghị nhà nước ổn định chính sách đất đai để nông dân làm giàu. Ảnh: Trần Quang.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Lại Xuân Môn đánh giá cao tinh thần làm việc, khẩn trương, nghiêm túc của các doanh nghiệp và nông dân. Qua 11 ý kiến, trong đó có 8 ý kiến của doanh nghiệp và 3 ý kiến của nông dân trao đổi thẳng thắn, sôi nổi và xác đáng giải quyết phần nào 5 vấn đề lớn đặt ra.
Theo Chủ tịch Lại Xuân Môn, trong sản xuất nông nghiệp hiện nay đang nảy sinh các mâu thuẫn lớn: sản xuất lớn – thị trường nhỏ; đầu tư nông nghiệp thấp – rủi ro cao. Trong nông thôn với 6 điểm nghẽn: Đất đai, chất lượng nguồn nhân lực, hạ tần kỹ thuật, quy hoạch, liên kết vùng kinh tế, liên kết ND với doanh nghiệp. Đối với giai cấp nông dân có 5 khó khăn lớn về vốn, KHKT, thị trường, môi trường, xây dựng thương hiệu.
Trong bối cảnh như vậy, với 2 mâu thuẫn, 6 điểm nghẽn và 5 khó khăn rõ ràng bản thân người nông dân cũng không thể giải quyết được, bản thân doanh nghiệp cũng khó xoay sở.
Qua các ý kiến trao đổi tại hội nghị, các đại biểu đề xuất thảo luận nhiều về cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ở đây cơ chế chính sách phải cụ thể, phải tạo động lực để thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển. Tập trung chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp lớn phải làm đầu tầu để dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và nông dân. Theo Chủ tịch Lại Xuân Môn, mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp nhưng vẫn chưa đi vào thực tiễn, doanh nghiệp và nông dân vẫn đang khó tiếp cận các chính sách này.
Là tổ chức chính trị- xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam, do Đảng thành lập và lãnh đạo, Hội NDVN có chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp nông dân; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, xã hội nông thôn.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Đàm Duy.
Trong những năm qua, với trách nhiệm của mình, Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, xã hội nông thôn, đến nay, cả nước đã có gần 4 triệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân mạnh dạn học hỏi, dám nghĩ, dám làm, bỏ vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Họ chính là những hạt nhân, đầu tầu trong phát triển sản xuất nông nghiệp.
Hội Nông dân Việt Nam cũng đã hợp tác, phối hợp rất hiệu quả với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước ở lĩnh vực cung ứng, hỗ trợ nông dân về vật tư, phân bón, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, Hội NDVN tiếp tục làm đầu mối liên kết giữa ND và doanh nghiệp.
Với 8 ý kiến của doanh nghiệp và 3 ý kiến của ND đã trao đổi, đề xuất tại hội nghị, T.Ư Hội NDVN sẽ tổng hợp thành văn bản và tham mưu cho Đảng, Nhà nước có những cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
Trong khuôn khổ hội nghị, Ban Tổ chức đã tiến hành làm lễ ký kết chương trình hợp tác, phối hợp giữa Hội NDVN với nhiều doanh nghiệp trong việc hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất, hình thành chuỗi nông sản an toàn, cung ứng vật tư cũng như tiêu thụ sản phẩm...
Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn và đại diện Công ty VinEco (Tập đoàn Vingroup) ký kết phối hợp thực hiện chương trình "Vingroup đồng hành, hỗ trợ 1.000 hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp an toàn".