Một cô gái 21 tuổi được mẹ đưa đến phòng khám tâm lý và than phiền: “Là sinh viên năm thứ 3 trường cao đẳng nhưng không tự lập được”. Câu chuyện của hai mẹ con đã làm tôi suy nghĩ, cô gái bảo đã bị trầm cảm năm năm nay và cứ mỗi mùa thi về là những triệu chứng trầm cảm lại lặp lại khiến cô gái chán nản vô cùng. Người mẹ ấy là một bác sĩ làm việc ở bệnh viện quận T. tại TP.HCM. Chị ấy muốn con mình cũng trở thành bác sĩ giống chị. Và việc chị ép đứa con gái của mình bằng mọi cách phải học và thi vào trường y, đã khiến cho con chị bị áp lực và chán học, “chán mẹ”, chán mình, thậm chí có cảm giác chán sống. Con gái chị lại là một đứa trẻ thích viết văn và muốn trở thành nhà báo. Nó oán hận chị vì kỳ thi đó nó đã bị rớt. Nó trở thành một đứa trẻ thất bại và rơi vào trầm cảm. Nhưng người mẹ vẫn chưa chịu chấp nhận và chị lại bắt con vào học cao đẳng dược. Con không thích trường mình học, không hề hứng thú với nghề mình sẽ làm. Mỗi năm cứ đến mùa thi cử là triệu chứng trầm cảm lại lặp lại và nặng hơn. Con gái đã nhiều lần tự tử không thành vì cảm thấy bế tắc. Trầm cảm có nguy cơ tái phát cao, nếu không được điều trị đúng và dứt điểm.
Tư vấn tâm lý học đường đang là một nhu cầu xã hội.
Những đứa trẻ được chẩn đoán trầm cảm với những triệu chứng tương đối giống nhau. Chúng có thể bị đau đầu, tim đập mạnh hoặc khó thở. Nhiều đứa trẻ bị rối loạn tiêu hoá, hoặc bị đau bụng, buồn nôn mỗi khi nhắc tới chuyện học. Chúng có thể có cảm giác mệt mỏi rã rời, tay chân không muốn cử động. Chúng than phiền về việc không làm chủ được cơ thể của mình. Những đứa trẻ bị rối loạn giấc ngủ, ngủ quá nhiều, hoặc mất ngủ thường xuyên. Nhiều phụ huynh không hiểu lại nghĩ con đang lười biếng nên ngủ không muốn thức dậy đúng giờ. Hoặc họ than phiền: “Chẳng biết nó làm gì trong máy tính hay điện thoại không mà kêu mất ngủ”. Trong giấc ngủ trẻ có gặp nhiều ác mộng, nhiều đứa trẻ kể về những cơn ác mộng việc học hành, thi cử và thất bại trong kỳ thi và bị chê cười. Nhiều đứa trẻ rối loạn ăn uống, ăn quá nhiều khiến tăng cân hoặc ăn quá ít làm cho trẻ trở nên kiệt quệ. Nhiều đứa trẻ kể về cảm giác lạc lõng, bị bỏ rơi, sự ám ảnh về việc mình không bằng bạn bè của mình. Chúng không còn hứng thú với những hoạt động hàng ngày, kể cả những điều mà chúng từng mơ ước. Trẻ có thể thu rút mình, không muốn giao tiếp với bạn bè và mọi người. Chúng có thể cáu gắt, hung dữ và có hành vi “muốn phá một cái gì đó” để giải phóng khỏi sự kìm nén và tức giận.
Kết quả học tập thấp là những điều bố mẹ nhận thấy và trở nên lo lắng. Những thói quen sinh hoạt bị trì trệ của trẻ làm bố mẹ khó chịu và than phiền. Thái độ của trẻ làm cho bố mẹ tức giận. Rất tiếc là không phải bố mẹ nào cũng cảm nhận những cảm xúc buồn bã và lo lắng của con. Vì thế, họ khó chấp nhận những dấu hiệu của sự căng thẳng, của triệu chứng trầm cảm. Thậm chí nhiều phụ huynh né tránh tìm hiểu điều này, họ sợ chịu trách nhiệm vì đã ép con học và không hiểu con.
Trầm cảm là một bệnh về rối loạn khí sắc. Tỷ lệ người bị trầm cảm đang tăng cao do áp lực của cuộc sống và do không biết cách cân bằng giữa công việc và thư giãn nghỉ ngơi. Với trẻ em, việc một chương trình học quá nặng về kiến thức, ít về kỹ năng, không có sự nghỉ ngơi, sân chơi lành mạnh đã khiến cho trẻ dễ rơi vào trầm cảm. Bố mẹ cần biết cách để cùng con cân bằng cuộc sống, giúp con có được một sức khoẻ cơ thể khoẻ mạnh, một tinh thần vui vẻ và hồn nhiên. Và khi biết con đang rơi vào khủng hoảng tâm lý thì biết cùng con vượt qua. Đừng để trẻ tự bơi trong khủng hoảng.
10 điều cần biết để giúp con thoát khỏi trầm cảm – Bố mẹ cần xác định học tập là những hoạt động thường ngày của trẻ. Vì thế cần tập thói quen học mỗi ngày một ít, không nên dồn dập, thúc ép quá vào kỳ thi. – Xác định mục tiêu học cho con cụ thể, phù hợp với lứa tuổi và khả năng của trẻ. – Chia sẻ với con những kiến thức mà con học được và của mình. Tạo cơ hội để trẻ giải thích những điều trẻ hiểu. – Công nhận những cảm xúc tiêu cực của trẻ, để trẻ có thể dễ dàng chia sẻ với bố mẹ và người thân. – Khuyến khích con tham gia những hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh để trẻ biết cân bằng cuộc sống. – Nói cho trẻ biết ý nghĩa tích cực của các kỳ thi, giúp cho trẻ không còn tự tạo áp lực cho mình. – Nắm tay con cùng đứng lên sau mỗi thất bại. – Tìm hiểu những kiến thức về stress, trầm cảm và hỗ trợ con vượt qua những giai đoạn khủng hoảng tâm lý, mất cân bằng. – Cùng hợp tác với các bác sĩ, chuyên viên tâm lý để cùng con vượt qua trầm cảm. |