Dân Việt

“Đặt đâu ngồi đấy” là gốc trầm cảm của con

Trầm cảm sau thi thường đến với những học sinh và sinh viên có gia đình cha mẹ coi trọng thành tích học tập của con, xem điểm số cao của con là niềm tự hào của bản thân.

Trong quá trình học cha mẹ thường xuyên giám sát và bắt con phải học thêm, la mắng khi con bị điểm kém. Biểu hiện của trầm cảm của con là bồn chồn lo lắng, buồn phiền triền miên nếu không làm bài thi tốt như mong muốn. Con thấy cơ thể mệt mỏi, ăn ngủ kém, thường ngủ mớ la hét hay mộng du. Đôi khi nhiều ngày con không muốn trò chuyện hay trao đổi với ai, đóng cửa phòng ngồi một mình, khó chịu khi người khác hỏi han, chăm sóc…

img

Hình minh họa

Có lần, một phụ huynh kể với tôi, sau kỳ thi đại học con chị hay mộng du, nửa đêm mở cửa lấy xe đạp ra đi khỏi nhà. Một phụ huynh khác nhà ở Thủ Đức kể rằng con chị đã dùng dao tự cắt tay chân, may mà dao không đủ độ bén gây vết thương sâu. Năm trước, một bác sĩ kể con trai anh thi đại học xong thì bỏ nhà đi bụi vì lo lắng và buồn phiền, sợ phải đối diện với kết quả thi rớt ngành y. Đau lòng hơn, ở trường PTTH tỉnh Tiền Giang cách đây hai năm có một học sinh lớp 11, con của hai giáo viên giỏi của một trường chuyên, đã treo cổ tự vẫn khi thi cuối năm không thành công. Trong nhật ký của em để lại, cha mẹ đọc thấy những trang viết buồn phiền vì luôn luôn cố gắng làm hài lòng cha mẹ, nhưng việc học không như mong đợi. Em thường xuyên đau khổ vì làm cha mẹ thất vọng vì mình, la mắng mình, buồn phiền vì mình trong suốt quá trình học từ lớp 8 cho đến lớp 11. Dường như chỉ cái chết mới chấm dứt những nỗi đau khổ ấy.

Lắng nghe tích cực, không hàm ý phê phán con là một liệu pháp hữu hiệu khiến con thoát khỏi trầm cảm. Xem con như bạn thân, bỏ vai trò làm “người lớn”, không khuyên răn dạy dỗ, chỉ chia sẻ mọi thứ cùng con. Cha mẹ giúp con ngủ ngon và đủ giấc bằng thức ăn và các loại trà thanh nhiệt bằng hoa cúc, cây lạc tiên. Cha mẹ hãy cùng con làm những chuyến du lịch mới mẻ, khuyến khích con học những khoá học con thích như đàn hát hay vẽ tranh, học thêm một ngoại ngữ, tham gia một số hoạt động xã hội. Nhờ vậy mà bộ não của con cũng bắt đầu có một số thay đổi, gắn với niềm vui và hưởng thụ. Tận hưởng thời gian bên gia đình, bạn bè sẽ giúp con quên đi trầm cảm và thúc đẩy tâm trạng của con lạc quan vui vẻ một cách hiệu quả.

Nếu con có dấu hiệu, nên đưa con gặp nói chuyện với bác sĩ, chuyên gia tâm lý, hoặc các bác sĩ tâm thần về những cách giúp con chống lại trầm cảm. Cha mẹ có thể cần một sự kết hợp giữa thuốc và tâm lý trị liệu với thực hành lối sống lành mạnh để kiểm soát trầm cảm của con nếu con ở thể nặng như mất ngủ và ảo thanh. Tìm kiếm sự trợ giúp từ một người bạn thân của con hay một người cô, chú, dì… thân thiết trong gia đình mà con hay quý mến. Cha mẹ có thể nhờ cậy những người này tới với con thường xuyên hơn, lắng nghe tích cực những âu lo từ con.

Giúp con chống lại trầm cảm sau thi chỉ là trị cái “ngọn” . Nếu cha mẹ tiếp tục coi trọng điểm số và thành tích học tập của con thì trong những kỳ thi tới, trong bước đường phía trước khi con trưởng thành, con vẫn tiếp tục trầm cảm khi đi làm mà “sếp” không hài lòng về công việc của con. Thế nên dạy con, nuôi con sao để con trở thành người sống lạc quan, hạnh phúc mới là vấn đề chính, là cái “gốc”.