Như vậy, tốc độ tăng giá tiêu dùng của tháng 9 đã thấp nhất so với các tháng trong một năm trước đó. Đây cũng là tháng thứ tư liên tiếp, tốc độ tăng giá tiêu dùng đã thấp hơn lãi suất tiết kiệm- có nghĩa là lãi suất tiết kiệm đã chuyển từ thực âm trong thời gian khá dài (từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 5 năm nay) sang thực dương từ tháng 6 năm nay. Vấn đề nóng nhất từ cuối năm ngoái đến nay đã hạ nhiệt, đem lại niềm vui cho những người nghèo, người có thu nhập.
Giá tiêu dùng tăng chậm lại do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là sự đóng góp của nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Cụ thể: Giá lương thực đã tăng thấp hơn tốc độ chung, có tháng còn giảm (tháng 5 tăng 1,77% so với giá tiêu dùng chung tăng 2,21%; tháng 6 tăng 0,33% so với 1,09%; tháng 7 giảm 0,88% sản phẩm với 1,17%; tháng 8 tăng 0,46% so với 0,93%, tháng 9 tăng cao hơn 1,53% so với 0,82%).
Đạt được kết quả này nhờ sản lượng lương thực có hạt năm nay tăng khá so với năm trước, đạt đỉnh cao nhất từ trước tới nay; được mùa ở cả 2 vụ lúa lớn nhất trong năm là vụ đông xuân, và vụ mùa cũng triển vọng được mùa; được mùa ở cả 2 châu thổ lớn nhất nước là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.
Giá thực phẩm tăng nóng trong những tháng trước kia, nhưng đã có xu hướng hạ nhiệt trong vài tháng nay (tháng 5 tăng 3,53%, tháng 6 tăng 2,47%, tháng 7 tăng 3,2%, tháng 8 tăng 1,55%, tháng 9 giảm 0,28%).
Không những góp phần làm cho giá tiêu dùng chung tăng chậm lại, mà quan trọng hơn, với tỷ trọng cao nhất trong tổng chi tiêu dùng, đã góp phần làm cho đời sống của người nghèo, người có thu nhập thấp, người có thu nhập bằng tiền cố định đỡ bị ảnh hưởng hơn, bởi với những đối tượng này, tỷ trọng trong tổng chi tiêu dùng còn cao hơn nữa.
Sự ổn định nhờ lương thực, thực phẩm chẳng những góp phần ổn định các mặt kinh tế, xã hội khác ở trong nước mà còn ứng phó với sự bất ổn ở bên ngoài.
Đào Ngọc Lâm