Đó là câu chuyện của 4 chàng trai nhóm Hải Đăng, vừa hoàn thành chuyến xuyên Việt về Hải Phòng để bước tiếp hành trình vào năm học mới, gồm: Trần Thắng, Phạm Thanh Vân, Nguyễn Hồng Thái (cùng học Trường Đại học Hàng hải) và Phạm Sơn Tùng Trường Cao đẳng Trung ương 2 (Hải Phòng).
Tận tay làm việc, tận mắt nhìn đời
Ngày 26.9, gặp PV NTNN sau cuộc hành trình dài, 4 chàng trai này kể, những người không biết vẫn cứ hỏi họ rằng thiếu gì cách tuyên truyền bảo vệ môi trường mà phải hành xác điên rồ như vậy. Nhưng ngạc nhiên thay, người ta chỉ nhận được 4 câu trả lời chung một lòng của 4 chàng trai là muốn làm một việc thật có ý nghĩa để được tận mắt gửi lời tâm huyết, tận tay trao tờ rơi bảo vệ môi trường đến tất cả mọi người dân từ Bắc chí Nam và để mở tầm mắt, xem khả năng chịu đựng của mình đến đâu.
Để đi bộ xuyên Việt, ban đầu cả nhóm có 10 người tập đi việt dã quanh Nam Định, Hải Phòng, Thái Bình… Cuối cùng chỉ còn 4 chàng trai có sức chịu đựng dẻo dai nhất khoác ba lô lên vai rời Hải Phòng tiến thẳng về bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ ra đi năm nào.
Khi đi tập việt dã, mọi người không tính đến chuyện đeo ba lô nên khi bắt đầu hành trình mới thấy nhiều phát sinh. Ba lô 10kg vác trên vai không thể đi suốt hành trình được, nên những đồ nào có thể cho người dân ven đường được là đội cho hết, chỉ còn vài bộ quần áo với ít lương khô đi đường.
Cả đội mang theo 2,5 triệu đồng nhưng đi đến Quảng Nam thì tiền cạn, chân nhừ, bỏng rát và sưng tấy vì cái nắng gay gắt của miền Trung. Chán chường, dường như đã có lúc mọi người thấy nản chí muốn bắt xe quay về Hải Phòng ngay. Nhưng những lúc đó, lời của bố mẹ “đã làm thì hãy làm bằng được” lại thúc giục bàn chân của 4 chàng trai, khơi lại nguồn sức mạnh cho cả đội. Vượt đèo, vượt núi, vượt nắng, vượt mưa...
“Nghỉ đâu là nhà, ngã đâu là giường”, suốt dọc đường đi, khi họ được người dân cho ngủ nhờ, khi xin ngủ nhờ ủy ban xã, ngủ nhờ đơn vị bộ đội nào đó, còn lại là ở gốc cây, trạm xăng, cột ATM, chân cầu, lề đường…
Thay đổi nhận thức từ những việc nhỏ
Sau chuyến hành trình trở về, cả nhóm xuyên Việt đã có thêm rất nhiều bạn bè từ mọi miền Tổ quốc. Những cuộc điện thoại, gửi thư cảm phục và muốn tham gia nhóm Hải Đăng không ngớt. Nhóm trưởng Trần Thắng tâm huyết: “50 ngày gian nan vất vả của chúng em không uổng công chút nào. Việc tuyên truyền mọi người dân bảo vệ môi trường có hiệu quả không ngờ. Ý thức của người dân thay đổi tức khắc ngay sau khi chúng em phát tờ rơi và giải thích cuộc hành trình của mình. Có bác trên đường qua Quảng Nam cảm phục còn bắt chúng em vào tận nhà để mời nước rồi cho quà đi ăn dọc đường”.
Còn bạn Hồng Thái thì ấn tượng với buổi giao lưu cùng một đơn vị bộ đội trên đường đi. Qua buổi giao lưu, Thái đã học hỏi được bản lĩnh của các anh, được chia sẻ những tâm huyết về môi trường với các anh. Cả nhóm hạnh phúc vì ngay sau lời chia sẻ của mình, những điếu thuốc đang hút dở đã được các anh dập tắt ngay.
Đến đâu thấy bẩn, chướng mắt là đội lại xắn tay vào dọn dẹp trước con mắt ngạc nhiên, thán phục rồi làm theo của người dân bản địa. Đấy là buổi đi qua thành cổ cố đô Huế, cả đội đã xắn tay dọn dẹp rác thải và bóc tờ rơi dán chằng chịt trên tường hàng giờ trong màu áo xanh tình nguyện…
Ngay sau buổi hành trình xuyên Việt, không kịp nghỉ ngơi, nhóm lại lên Yên Bái khảo sát ngôi Trường Tiểu học xã An Lương để kết hợp xây mới trường cùng dự án của một tổ chức từ thiện ở Hải Phòng. Có thể nói sức trẻ, lòng nhiệt huyết của 4 chàng sinh viên đất Cảng lúc nào cũng ở tinh thần “ở đâu cần có thanh niên”.
Bùi Hương